Hà Nội bố trí 6.000 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội
Giai đoạn 2025 - 2030, Hà Nội dự kiến bố trí khoảng 6.000 tỷ đồng từ ngân sách thành phố để ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của các nhóm đối tượng chính sách.

Giải quyết thủ tục vay vốn cho người dân tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì. Ảnh: HNM
UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 94/KH-UBND về triển khai thực hiện Kế hoạch số 299-KH/TU ngày 20/02/2025 của Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư “về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới”.
Theo đó, kế hoạch xác định 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm; trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của tín dụng chính sách xã hội. Việc tuyên truyền sẽ được triển khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, ứng dụng iHaNoi cùng hệ thống truyền thông của thành phố với sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí và tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác.
Xác định tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên trong xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương hàng năm, giai đoạn 05 năm và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
“Thành phố xác định tập trung nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội. Trong đó đảm bảo nguồn vốn ủy thác qua Chi nhánh NHCSXH Thành phố thực hiện tín dụng chính sách xã hội được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của Thành phố, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn, nhất là các đối tượng đặc thù được quy định tại Nghị quyết của HĐND Thành phố; các đối tượng yếu thế của xã hội; người lao động chưa có việc làm/bị mất việc làm, đặc biệt là người lao động bị mất việc làm sau khi thực hiện chia tách sáp nhập địa giới hành chính, tinh gọn bộ máy quản lý trên địa bàn; đối tượng thụ hưởng chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, học sinh sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường, nhà ở xã hội…”- kế hoạch nêu rõ.
TP. Hà Nội xác định tập trung nguồn lực là nhiệm vụ then chốt. Trong đó chủ động tham mưu giải pháp về tín dụng chính sách xã hội gắn với bố trí ngân sách Thành phố để triển khai thực hiện trong các Chương trình, Kế hoạch của Thành phố về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội hàng năm và giai đoạn 5 năm phù hợp với bối cảnh thực tế của từng giai đoạn.
Trong giai đoạn 2025-2030, tập trung bố trí vốn từ ngân sách Thành phố ủy thác qua Chi nhánh NHCSXH Thành phố khoảng 6.000 tỷ đồng để cho vay đáp ứng nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn.
Trong đó, Sở Tài chính chủ trì tham mưu thực hiện nội dung bố trí ngân sách Thành phố chuyển bổ sung vốn ủy thác qua Chi nhánh NHCSXH Thành phố hàng năm và giai đoạn 5 năm.
Sở Nội vụ chủ trì tham mưu thực hiện các nội dung về công tác rà soát nhu cầu vay của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn.
Sở Nông nghiệp và Môi trường, Công an Thành phố, Sở Xây dựng, Chi nhánh NHCSXH Thành phố và các Sở, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tham mưu các nội dung liên quan đến cơ chế chính sách, xây dựng giải pháp về tín dụng chính sách xã hội đối với các đối tượng thụ hưởng trong các Chương trình, Kế hoạch của Thành phố.
Để thực hiện tốt chủ trương, Hà Nội tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng chính sách xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động tại các điểm giao dịch cấp xã; tăng cường số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giải ngân vốn. Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ phối hợp với các sở, ngành, UBND các cấp và tổ chức nhận ủy thác để đảm bảo hoạt động tín dụng chính sách ngày càng hiệu quả, kịp thời, an toàn và minh bạch.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp nói trên không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu an sinh xã hội mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, đặt con người làm trung tâm trong mọi chính sách phát triển của thành phố.
Thành phố đề nghị các sở, ngành, cơ quan liên quan của Thành phố; UBND các cấp phối hợp với Chi nhánh NHCSXH hỗ trợ cơ sở vật chất và tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao để phục vụ tốt người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Thành phố.