Hà Nội bão về

Như một định mệnh của những vùng địa lý tương tự trong khu vực, Hà Nội có hẳn cho riêng mình một mùa bão hàng năm từ khoảng tháng 7 âm lịch cho đến tháng 9.

Đường phố Hà Nội vắng vẻ trong sáng 7-9, trước khi bão số 3 đổ bộ

Đường phố Hà Nội vắng vẻ trong sáng 7-9, trước khi bão số 3 đổ bộ

Tất nhiên đó cũng chỉ là “chính vụ”. Bão sớm có khi từ tháng 4 và bão rớt nhiều năm kéo sang cả tháng 1 năm sau. Nhưng với lợi thế địa lý của mình, Hà Nội chưa bao giờ phải hứng chịu những cơn bão cấp độ lớn, chỉ cấp 4 cấp 5. Hãn hữu mới có gió mạnh cấp 7, cấp 8 như vừa qua.

Buổi sáng, ngồi trong quán cà phê nhìn sang chợ Ngọc Hà, chợt nhiên thấy sống lại ký ức của vài mươi năm trước. Các bà, các cô nháo nhào tất tả vào chợ mua bằng hết những rau cỏ, cá thịt người ta bày bán. Những mặt hàng này thường ngày nhiều người bán phải mang ra bày sát mặt phố mới mong có người mua. Tất nhiên, Hà Nội là nơi không có tác phong mời chào chao chát lôi kéo. Nhưng cái động tác mang mẹt hàng của mình ra bày sát đến tận lốp bánh xe người đi đường cũng là một lời mời khá kém thanh lịch.

Hôm nay thì không. Rau cỏ thịt cá vẫn còn nghễu nghện trên những chiếc xe máy trên đường vào phố chợ. Nhiều người bán hàng đã bị đám khách hàng sốt sắng chặn lại. Ban đầu họ còn giữ ý không dừng xe với lý do sợ công an phạt. Nhưng thực ra là giữ ý với bạn hàng trong chợ. Dừng xe ngoài chợ mà bán chẳng khác nào một cách cạnh tranh thiếu lành mạnh. Nhưng, sau thì họ cũng biết chắc chắn rằng những mặt hàng tương tự như thế đã bắt đầu cạn trong những sạp ngồi cố định, họ xuống xe giở hàng ra bán ngay trên đường. Ngạc nhiên nhất là thấy vài bà ôm về những quả bí ngô to bành. Một món ăn kinh hãi còn đọng trong tâm trí Hà Nội thời bao cấp.

Dự báo thời tiết nói rằng tầm 7 giờ tối ngày 8-9, bão mới đổ bộ vào Hà Nội. Nhưng, buổi sáng đã bắt đầu mưa lớn, kèm theo những cơn lốc bất thần lạc lõng vào trong phố. Nó cũng đã gây ra vài vụ đổ cây, ngã xe. Tất nhiên là vài chục năm trước thì những chuyện như vậy vẫn có. Nhưng với một nền truyền thông lạc hậu, đọc báo giấy thì nó chẳng gây nên hiệu ứng xã hội nào cả. Nghĩa là nếu có cây đổ, nhà đổ, ngã xe thì sớm nhất phải sáng mai người dân mới có thể biết qua báo in. Và nhìn chung thì báo chí ngày ấy rất hạn chế đưa những tin tức thiệt hại nên nhiều khi thấy ông hàng xóm đi tháo bột ở chân mới biết rằng ông ta bị ngã xe hôm bão về.

Cũng như thế, truyền thông mấy hôm nay đưa tin đậm nét về trận bão Yagi. Người ta kết luận rằng 60 năm Hà Nội mới có một trận bão như vậy. Tin tức làm cho cánh già ngồi vắt óc nhớ lại trận bão năm 1964. Vài người nhớ được, phần lớn là quên. Nhưng họ đều thống nhất với nhau một điểm: bão ngày xưa dữ dội hơn bây giờ rất nhiều. Đơn giản vì ngày ấy ai cũng nhớ rằng, Hà Nội là một thành phố xác xơ thơ mộng. Phần thơ mộng với phố xá sáng đèn suốt đêm trong 4 khu phố nội thành. Phần xác xơ hiện diện ngay từ trên những con đường trong phố dẫn ra cửa ô. Những con đường Nam Bộ, Bạch Mai, Yên Phụ, Phà Đen, Kim Mã, Đội Cấn… vẫn còn san sát những nhà tranh, mái lá. Mùa bão đến, người ta chằng chống neo giữ bằng đủ thứ vật liệu vắt trên nóc nhà. Lốp xe hỏng, gạch xỉ buộc dây, chậu thau hỏng xếp úp thìa trên nóc; que gậy đủ loại buộc với nhau thành những tấm vỉ chặn trên mái nhà. Dây thừng dây chão neo những mái lá thấp tè xuống mặt đất.

Vậy nhưng, bão tan là hiện ra cả một khung cảnh điêu tàn khắp các cửa ô. Nhà tốc mái, bà con đùm túm che chắn những góc hẹp ngồi trú mưa. Củi ướt nhóm bếp khói mù mịt không thấy mặt người. Cành gãy cây đổ ngổn ngang chỉ trông vào mấy bác công nhân môi trường với dụng cụ duy nhất là con dao rựa. Thực ra thì lũ trẻ ở phố cũng góp sức rất nhiều vào công việc dọn dẹp này. Chúng cũng không phải tự giác làm việc mà là do gia đình sai ra chặt lấy củi về đun bếp. Vài đứa láu cá sau bão còn bán được ít tiền củi. Cái phần xác xơ của thành phố sau mỗi mùa bão lại càng thêm xơ xác.

Giờ thì phố xá với nhà cửa khang trang kéo dài ra suốt các huyện ngoại thành. Dân phố muốn nhìn thấy một mái rạ bây giờ phải đi cách thành phố ít nhất trên dưới trăm cây số. Thế nhưng, những khu chung cư thì không được an lòng cho lắm. Bởi vì tin tức và hình ảnh khi trận bão đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng đã sớm được lan truyền trên mạng xã hội. Những khu nhà cao tầng bị gió kéo bật cửa kính vỡ tan tành từng mảng lớn. Người Hà Nội ở chung cư cũng nơm nớp nghĩ đến cửa kính tầng cao nhà mình. Thế là vội vã băng dính, dây nhợ hành động ngay trong buổi sáng. Cửa kính đóng chặt dán thêm băng dính cho gió không thể lọt vào. Những tay nắm cửa chằng dây buộc vào bàn ghế nặng trong nhà. Lần đầu tiên, nền văn minh chung cư phải trải chiếu xuống sàn nhà ăn cơm vì bàn ghế đã có việc của chúng cả rồi.

Tất nhiên là cứ lo thế thôi chứ Hà Nội không có thiệt hại gì đáng kể ở những chung cư. Trong phố cũ thì dĩ nhiên cây vẫn đổ như mùa bão năm nào cũng thế. Năm nay duy nhất thấy một loài cây được thử thách độ bền vững. Và, nó đã không vượt qua được. Đó là cây hoa ban đổ ngã hàng loạt trên những con phố mới trồng. Mùa xuân năm sau, hẳn là sắc tím hoa ban Hà Nội sẽ vơi đi khá nhiều…

ĐỖ PHẤN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ha-noi-bao-ve-post758107.html
Zalo