Hà Nội: 5 lan tỏa khi triển khai ứng dụng iHanoi
Lãnh đạo Tp.Hà Nội nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng khi triển khai ứng dụng iHanoi là phục vụ Nhân dân, không chỉ đánh giá qua hình thức hay số lượng.
Ngày 20/8, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Hà Minh Hải chủ trì cuộc họp trực tuyến nghe các đơn vị, sở ngành báo cáo kết quả tình hình triển khai thực hiện ứng dụng iHanoi trên địa bàn thành phố.
Việc triển khai ứng dụng còn nhiều lúng túng
Báo cáo của Văn phòng UBND Tp.Hà Nội về tình hình triển khai ứng dụng iHanoi, đến nay, hầu hết các địa phương đều triển khai tạo tài khoản cho người dân, trong đó 5 địa phương đạt số lượng tài khoản người dân cao: Huyện Chương Mỹ (57.584), quận Bắc Từ Liêm (32.300), huyện Mỹ Đức (31.461), quận Hà Đông (29.506), quận Hoàng Mai (26.258).
Để tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia của người dân, các địa phương đã chủ động tuyên tuyền, cung cấp tài liệu hướng dẫn cài đặt trên các hệ thống thông tin cơ sở.
Phát huy hiệu quả vai trò của Tổ Chuyển đổi số cộng đồng, nòng cốt là đội ngũ đoàn viên thanh niên với phương châm "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân" cài đặt và đăng ký tài khoản trên iHanoi, tập trung vào buổi tối khi người dân ở nhà đông đủ và phối hợp các cơ sở giáo dục triển khai đến tập thể giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh cho phù hợp.
Về tình hình giải quyết các phản ánh kiến nghị (PAKN) trên iHanoi: PAKN tiếp nhận tại cấp Thành phố (Văn phòng UBND Thành phố) tăng trong đầu tháng 8/2024, trung bình 1 ngày tiếp nhận, điều phối xử lý khoảng 40 phản ánh chuyển đến sở, ban, ngành liên quan hoặc trả về đúng địa phương tiếp nhận giải quyết.
Trong giai đoạn đầu, việc tiếp nhận và giải quyết tại các cơ quan, địa phương có nơi còn lúng túng, vướng mắc trong nhiều khâu như công tác tổ chức, bố trí nhân lực thực hiện; cán bộ, công chức chưa thành thạo khai thác, sử dụng ứng dụng mới, khó khăn do còn phát sinh lỗi kỹ thuật và khả năng đáp ứng tính năng, tiện tích hỗ trợ chưa phù hợp với thực tế.
Tuy nhiên, đến nay đã cơ bản đi vào ổn định và qua theo dõi, thống kê cho thấy các cơ quan, địa phương có kết quả xử lý tốt, được người dân đánh giá hài lòng cao, gồm các quận: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình, Thanh Xuân và Sở GTVT.
Bên cạnh đó còn có một số địa phương, cơ quan có kết quả xử lý cần phải cải thiện, nâng cao chất lượng gồm các huyện: Đông Anh (13/17 quá hạn); Thanh Oai (7/11 quá hạn); Sở Xây dựng (4/7 quá hạn).
Ý kiến đánh giá PAKN của người dân về mức độ hài lòng, chấp nhận trên hệ thống đánh giá vẫn chiếm tỉ lệ ổn định khoảng 65,6%; mức độ chưa hài lòng từ người chiếm tỉ lệ khoảng 34,4%.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương các đơn vị triển khai hạ tầng iHaNoi.
Từng phản ánh qua iHanoi phải được nâng niu, xử lý
Nhấn mạnh mục tiêu cuối cùng là phục vụ Nhân dân, không chỉ đánh giá qua hình thức hay số lượng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố lưu ý các đơn vị, làm chuyển đổi số tuyệt đối không được đi vào hình thức, mà phải xác định rõ 5 lan tỏa "biết, hiểu, đồng thuận, tự nguyện và lan tỏa".
Gốc vấn đề là những người tham gia được tuyên truyền, được cảm nhận và trải nghiệm. Do đó, từng phản ánh của người dân phải được các cấp chính quyền "nâng niu", quan tâm xử lý, từ đó tạo sự lan tỏa, thẩm thấu tới từng người dân.
Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội Hà Minh Hải đề nghị các quận, huyện, các ngành, đơn vị, tổ chức của Thành phố gửi những kết quả đã thực hiện, đặc biệt là những khó khăn, vướn mắc về Văn phòng UBND Thành phố để tổng hợp.
Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của các ngành, đơn vị phải xử lý ngay. Những nội dung vượt thẩm quyền phải báo cáo, đề xuất với Thành phố, Trung ương để được xem xét, giải quyết kịp thời.
Phải xác định đây là việc làm thường xuyên, khi có những vấn đề bức xúc đặc biệt là của người dân phải được xử lý ngay. Hoặc phải có sự thông tin lại việc này liên quan đến hệ thống và đang được giao cho các đơn vị, để người dân theo dõi và có sự đồng thuận", Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội lưu ý.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, Phó Chủ tịch UBND Thành phố giao Văn phòng UBND Thành phố phối hợp cùng Viettel và các đơn vị phải đẩy mạnh hơn nữa công tác này.
Phải đi từ quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo xác định lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ nhưng cũng đồng thời là chủ thể tham gia, chủ thể sáng tạo trong xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Đồng thời, tổng hợp những kết quả thực hiện, bài học kinh nghiệm của các nước, các địa phương, tỉnh, thành phố và Hà Nội đã thực hiện; những định hướng, quan điểm phát triển của ứng dụng trong thời gian tới…để tuyên truyền, đảm bảo người dân được tham gia, được đóng góp, để cả trong hệ thống cán bộ công chức và người dân cùng hiểu, cùng đồng thuận
Đối với những khó khăn vướng mắc, Phó Chủ tịch Hà Minh Hải yêu cầu phải được số hóa, xét theo thứ tự từng khâu của người dân, doanh nghiệp, chính quyền, gắn với đó là nguyên nhân. Từ đó đề xuất những giải pháp và đề xuất kiến nghị, mục tiêu làm sao phục vụ người dân, trải nghiệm của người dân ngày càng tốt hơn.