Hà Nam: Thực hiện quyết liệt các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm

Càng đến gần Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm càng tăng cao. Cùng với đó là nguy cơ thực phẩm bẩn, mất an toàn len lỏi vào thị trường. Trước nguy cơ cao tiềm ẩn mất an toàn thực phẩm, các cơ quan chức năng và các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã tích cực phối hợp kiểm soát quyết liệt nguy cơ này…

Hà Nam là một trong những tỉnh có quy mô sản xuất công nghiệp lớn với hàng chục khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung đang hoạt động, thu hút hàng trăm doanh nghiệp với gần 90 nghìn công nhân lao động. Số cơ sở thực phẩm nhiều, số bếp ăn tập thể lớn, lượng người ăn đông, cơ sở kinh doanh đường phố ngày càng phát triển.

Hiện toàn tỉnh Hà Nam có khoảng 6.100 cơ sở thực phẩm, trong đó: trên 500 bếp ăn tập thể và cơ sở chế biến suất ăn sẵn cung cấp hàng vạn suất ăn mỗi ngày cho công nhân các khu, cụm công nghiệp; khoảng 300 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.

 Đoàn giám sát an toàn thực phẩm tại bếp ăn Khách sạn Mường Thanh Luxury. Ảnh: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Nam

Đoàn giám sát an toàn thực phẩm tại bếp ăn Khách sạn Mường Thanh Luxury. Ảnh: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Nam

Vì thế, việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong đảm bảo an toàn thực phẩm là yêu cầu nhiệm vụ hết sức quan trọng, đây là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài, có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Nhận thức được vấn đề trên, các cấp, ngành, lực lượng chức năng tỉnh Hà Nam đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Năm 2024, các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành an toàn thực phẩm của các cấp, ngành đã thanh tra, kiểm tra 3.447 cơ sở/6.199 cơ sở quản lý, trong đó có 2.845 cơ sở đạt, chiếm 82,5%. Với các cơ sở vi phạm, cơ quan chức năng đã xử lý phạt tiền 1.003.500.000 đồng đối với 213 cơ sở và buộc cơ sở tự tiêu hủy các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ với tổng giá trị 40.290.000 đồng; xử lý hình sự 4 vụ với các tội danh: vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; buôn bán hàng giả là thực phẩm; trốn thuế trong lĩnh vực thực phẩm).

Các hành vi vi phạm chủ yếu bị xử phạt gồm: sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm; nhân viên bếp ăn không thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình chế biến thực phẩm; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; thực hiện không đúng chế độ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định; nơi sản xuất, kinh doanh không cách biệt với nguồn ô nhiễm bụi; vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bảo quản, vận chuyển thực phẩm...

Đơn vị chức năng cũng đã thực hiện giám sát, kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ các lễ hội sự kiện diễn ra trong tỉnh. Qua xét nghiệm nhanh, đã có 531/533 mẫu thực phẩm và 666/670 mẫu dụng cụ đạt các chỉ tiêu xét nghiệm.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an toàn thực phẩm vẫn tiếp diễn. Trong đó, nguồn cung ứng thực phẩm tươi sống chưa được kiểm soát chặt chẽ; hầu hết các đơn vị cung ứng hiện nay chưa đạt được các yêu cầu về truy suất nguồn gốc. Việc tuân thủ quy trình chế biến thực phẩm chưa nghiêm; các doanh nghiệp tự đào tạo người lao động nên khó đánh giá được nhận thức và tuân thủ quy trình chế biến. Việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh nhưng khi phát hiện sai phạm qua hậu kiểm thì đã có một nguồn lớn thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn đã được bán ra thị trường. Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hạn chế do quy định về việc hạn chế thanh, kiểm tra các doanh nghiệp...

Để tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Nam đề xuất một số giải pháp: thống nhất mô hình quản lý theo hướng một cơ quan chuyên môn quản lý tất cả các lĩnh vực về an toàn thực phẩm, không phân chia theo ngành quản lý để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất; cho phép thanh tra, kiểm tra, giám sát theo kế hoạch, đột xuất mà không phải thông báo trước vì việc thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm theo kế hoạch đều có báo trước cho các đơn vị như hiện tại không thấy được thực tế khách quan.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với vấn đề an toàn thực phẩm ở cấp cơ sở, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn của các cơ quan chức năng như đào tạo, tập huấn, tuyên truyền...

Trần Anh - Trung Quyết

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ha-nam-thuc-hien-quyet-liet-cac-bien-phap-bao-dam-an-toan-thuc-pham-post330325.html
Zalo