Hà Nam: Nhiều thiệt hại về trồng trọt, chăn nuôi do ảnh hưởng của bão số 3

Theo thống kê từ Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam, bão số 3 và hoàn lưu bão đã khiến tỉnh này bị thiệt hại 11.860 ha lúa; 886 ha cây rau, màu; 608,8 ha cây ăn quả; hơn 555,88 ha nuôi trồng thủy sản và 562 lồng bè bị ảnh hưởng.

Những thiệt hại về sản xuất trồng trọt

Khoảng 11.860 ha lúa vụ mùa trên địa bàn tỉnh Hà Nam bị đổ, ngập sau bão, chiếm 43,9% diện tích trồng lúa trên toàn tỉnh. Tỉnh này đã khắc phục được khoảng 10.132,8 ha lúa bị ảnh hưởng do bão số 3.

Tổng diện tích cây rau màu hè thu bị thiệt hại khoảng 886 ha, trong đó diện tích bị thiệt hại trên 70% là 710,4 ha; mức độ thiệt hại từ 30-70% là 84,6 ha; thiệt hại dưới 30% là 91 ha. Diện tích cây ăn quả thiệt hại 608,8 ha, trong đó thiệt hại trên 70% là 397,8 ha; thiệt hại từ 30-70% là 135 ha; thiệt hại dưới 30% là 76 ha.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy kiểm tra lúa bị ảnh hưởng bởi bão số 3 tại thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục). Ảnh: Báo Hà Nam

Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy kiểm tra lúa bị ảnh hưởng bởi bão số 3 tại thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục). Ảnh: Báo Hà Nam

Những thiệt hại về chăn nuôi, thủy sản

Do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão, tỉnh Hà Nam đã di dời khoảng 321.855 con gia súc, gia cầm. Có trên 555,88 ha nuôi trồng thủy sản và 562 lồng bè trên địa bàn tỉnh này bị ảnh hưởng bởi mưa bão.

Đến nay, một số hộ dân đã di chuyển đàn vật nuôi trở lại chuồng nuôi. Thống kê sơ bộ có 62.103 con gia súc, gia cầm của huyện Lý Nhân và thị xã Duy Tiên bị chết. Trong đó có 53 con gia súc và 62.050 con gia cầm. Các huyện Kim Bảng, Bình Lục và TP.Phủ Lý chưa có gia súc, gia cầm bị chết. Huyện Thanh Liêm chưa thống kê được số gia súc, gia cầm bị chết. Ngoài ra, việc di chuyển đàn vật nuôi đã gây ảnh hưởng về năng suất trứng, sữa. Do không có địa điểm để chuyển vật nuôi đến nơi an toàn, một số cơ sở đã bán chạy gia súc, gia cầm...

Nhiều diện tích nuôi thủy sản tại huyện Lý Nhân và Thanh Liêm bị ngập hoàn toàn. Toàn bộ 562 lồng nuôi cá trên sông Hồng bị ảnh hưởng, trong đó có 1 cụm gồm 5 lồng nuôi ở xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân bị trôi, hiện đang neo đậu tại tỉnh Thái Bình (số liệu các địa phương tiếp tục cập nhật).

Sau bão, cá lồng ở Chuyên Ngoại vẫn còn hiện tượng chết do bị ngộp nước và bong, tróc vẩy. Ảnh: Báo Hà Nam

Sau bão, cá lồng ở Chuyên Ngoại vẫn còn hiện tượng chết do bị ngộp nước và bong, tróc vẩy. Ảnh: Báo Hà Nam

Thiệt hại tại các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Tại khu Xuân Khê - Nhân Bình, Công ty WinEco bị thiệt hại ước tính trên 2,5 tỷ đồng. Trong đó toàn bộ 6 nhà kính bị hư hỏng, cụ thể: 5 nhà kính sản xuất bị bung, rách mái, đứt dây thừng vách, đứt cáp treo cây; 1 nhà kính ươm cây giống bị 13/22 khoang bị bung khung giằng, rách toàn bộ mái, hỏng toàn bộ hệ thống lưới cắt nắng, tổng số tiền thiệt hại trên 750 triệu đồng. Diện tích cây trồng bị thiệt hại khoảng 23 ha (với 16 loại rau củ quả như cà chua, dưa chuột, bầu bí, rau ăn lá… đang ở giai đoạn cây con và chuẩn bị cho thu hoạch), tổng chi phí sản xuất thiệt hại trên 1,7 tỷ đồng.

Tại khu Nhân Khang, Công ty CP Đầu tư và Phát triển nông nghiệp CNC Hà Nam bị thiệt hại trên 350 triệu đồng.Trong đó có 5 nhà kính bị tốc mái, bị đổ rạp 4,5 ha lúa Đài thơm 8 siêu nguyên chủng đang ở giai đoạn chín sáp; thiệt hại 0,2 ha mướp giống; 0,1 ha mướp giống… Công ty TNHH Bejo Việt Nam bị tốc mái 200 m2; thiệt hại một số diện tích trồng ớt, dưa chuột.

Tại khu Đồng Du thuộc thị trấn Bình Mỹ, Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ Nông nghiệp Thanh Hà bị tốc mái tôn nhà sơ chế với diện tích khoảng 200 m2, bạt phủ khu xử lý nước bị tốc ước tính thiệt hại trên 60 triệu đồng.

Thiệt hại về thủy lợi, đê điều và nước sạch

Các địa phương đã huy động đầy đủ nhân lực, vật tư sẵn sàng xử lý các tình huống theo phương án bảo vệ trọng điểm, phương án hộ đê toàn tuyến đã được phê duyệt theo phương châm “4 tại chỗ". Thực hiện chống tràn khoảng 26.120 m đê, kè; 1.800 m bờ bao khu công nghiệp Châu Sơn và trạm bơm Thanh Sơn.

Đã hoành triệt toàn bộ các cửa khẩu trên tuyến kè tả Đáy, 72 cống qua đê sông con và cống qua đê bối có nguy cơ mất an toàn. Ngoài ra khu vực xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng đã tiến hành hoành triệt toàn bộ các vị trí tiêu thoát nước sinh hoạt của các khu dân cư dọc bờ sông Đáy.

Lực lượng Công an các địa phương hỗ trợ nhân dân vùng ngập lụt dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa ngay sau khi lũ rút. Ảnh: Hanamtv

Lực lượng Công an các địa phương hỗ trợ nhân dân vùng ngập lụt dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa ngay sau khi lũ rút. Ảnh: Hanamtv

Do ảnh hưởng của mưa bão, tỉnh Hà Nam có 2 nhà máy nước sạch phải dừng hoạt động, ngừng cung cấp nước là Đinh Xá và Liêm Tuyền. Hiện nay nhà máy Liêm Tuyền, Đinh Xá vẫn đang bị ngập sâu chưa thể hoạt động trở lại. 6 nhà máy nước dừng hoạt động trạm bơm nước thô nhưng vẫn có thể sản xuất cung cấp nước sạch cho các hộ dân từ nguồn nước thô dự trữ tại các hồ sơ lắng là: Nguyên Lý; Chân Lý; Hợp Lý; Khả Phong; Thanh Hải, Đồng Tâm.

Hiện nay, do mực nước trên các sông đã xuống nên các nhà máy nước sạch đang tiến hành vệ sinh, lắp đặt lại thiết bị máy móc của trạm bơm nước thô. 22 nhà máy cấp nước nông thôn và 3 nhà máy cấp nước đô thị cơ bản hoạt động bình thường. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục theo dõi, báo cáo.

Sông Hồng

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/ha-nam-nhieu-thiet-hai-ve-trong-trot-chan-nuoi-do-anh-huong-cua-bao-so-3-93392.html
Zalo