Hà Nam: Lũ tiếp tục dâng cao, vượt mực nước lũ kỷ lục năm 2017
Tính đến 9h ngày 11/9, lũ sông Đáy tại trạm thủy văn Phủ Lý đã chạm mức 4,96 m, vượt báo động cấp 3 (BĐ3) 0,96 m, cao hơn mực nước lũ kỷ lục năm 2017.
Lũ sông Đáy vượt mức báo động đỏ
Đến 9 giờ ngày 11/9, lũ trên sông Đáy đoạn qua thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đã vượt báo động 3 (4,96 m tại Phủ Lý); lũ trên sông Hồng sắp đạt báo động 3.
Theo dự kiến, nước lũ sẽ tiếp tục dâng cao trong những giờ tới. Được biết, báo động cấp III là mức giới hạn mực nước cho biết lũ trong sông đã lên cao, nguy cơ gây ngập lụt sâu, diện rộng ở các khu vực sản xuất nông nghiệp và nhiều vùng dân cư, đe dọa tính mạng, tài sản của nhân dân - là mức độ tương đương lũ lớn.
Với mực nước lũ đang tiếp tục lên cao, nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất tại các khu vực ven sông rất lớn. Hàng nghìn hộ dân thuộc các xã ven sông Đáy, sông Châu trên địa bàn thành phố Phủ Lý, huyện Thanh Liêm, Lý Nhân và thị xã Duy Tiên bị ngập lụt do nước sông dâng cao.
Trước đó, tối 10/9, UBND thành phố Phủ Lý ban hành văn bản thông báo phân luồng giao thông, hạn chế phương tiện lưu thông qua cầu Phù Vân cũ. Tính từ 20h ngày 10/9 cho đến khi có thông báo mới, toàn bộ xe ô tô không được qua cầu. Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy, xe gắn máy điện và các loại phương tiện xe tương tự được phép qua cầu, nhưng hạn chế lưu thông.
Các phương tiện xe cơ giới từ phía xã Phù Vân sang thành phố Phủ Lý sẽ đi theo đường Nguyễn Thiện, đường Nguyễn An Ninh hoặc các tuyến đường kết nối với đường đầu cầu phía tây và đi qua cầu Phù Vân mới.
Ngược lại, các phương tiện xe cơ giới từ phía thành phố Phủ Lý sang xã Phù Vân sẽ theo quốc lộ 1A, sau đó vào đường Nguyễn An Ninh đầu cầu phía đông và đi qua cầu Phù Vân mới.
Việc phân luồng giao thông, hạn chế các phương tiện lưu thông qua cầu Phù Vân cũ được thực hiện do tình trạng nước sông Đáy dâng cao trên mức báo động III.
Dự báo trong những ngày tiếp theo, nước từ thượng nguồn tiếp tục đổ về với lưu lượng lớn, làm cho mực nước tiếp tục dâng cao, chảy xiết, các vật thể trên sông có nguy cơ đâm va vào mố, trụ, dầm cầu gây ảnh hưởng đến an toàn công trình cầu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng tình hình thiên tai để 'găm hàng, tăng giá'
Sáng 11/9/2024, UBND tỉnh Hà Nam ban hành công văn chỉ đạo về việc tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão.
Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu: Các sở, ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các công điện, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các văn bản của UBND tỉnh về theo dõi chặt chẽ, chủ động ứng phó, khắc phục với tình hình mưa lũ, thiên tai trên địa bàn tỉnh, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân, doanh nghiệp, nhà nước và một số nội dung cụ thể sau:
Tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ tại các khu vực còn bị cô lập; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở. Tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở.
Tập trung chỉ đạo xử lý, khắc phục ngay các nhà ở của dân, lớp học bị hư hỏng do bão gây ra; giải tỏa cây xanh gãy, đổ trên các tuyến đường; khắc phục kịp thời các sự cố về điện, nước sạch, viễn thông,… để bảo đảm hoạt động sản xuất - kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân; hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau bão, lũ, ngập lụt.
Chỉ đạo vận hành hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi (kênh mương, trạm bơm tiêu, thoát nước) đã có và lắp đặt các trạm bơm dã chiến tại các điểm bị ngập úng để tiêu thoát nước, không để ngập úng ở khu vực dân cư, khu công nghiệp, cụm công nghiệp…. Tiếp tục huy động nhân lực, vật tư khẩn trương đắp các bao tải đất, cát chống nước tràn từ các hệ thống sông, công trình thủy lợi vào các khu vực dân cư, khu công nghiệp, cụm công nghiệp...
Khẩn trương kiểm tra, rà soát, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, gia cố hệ thống công trình thủy lợi, đê điều; chỉ đạo các lực lượng trực 24/24 giờ, nhất là các vị trí xung yếu, các vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở,…; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Kiểm soát chặt chẽ, hướng dẫn, phân luồng giao thông, nhất là giao thông đường thủy nội địa tại các khu vực ngập lụt, khu vực có nguy cơ sạt lở. Chỉ đạo rà soát, kịp thời phát hiện, tránh xảy ra các sự cố bất ngờ đối với các cầu giao thông trên địa bàn.
Xây dựng phương án xử lý bảo đảm an toàn đối với các khu dân cư ven sông, khu dân cư có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở trên địa bàn tỉnh; khẩn trương di dời các hộ dân ở vùng ngập lụt về nơi an toàn để bảo đảm an toàn về người và tài sản cho Nhân dân.
Chỉ đạo chuẩn bị, cung ứng đầy đủ các điều kiện sinh hoạt về thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm cho người dân tại các địa điểm sơ tán. Tăng cường kiểm tra, giám sát giá cả các mặt hàng thiết yếu, vật liệu xây dựng…, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng tình hình thiên tai để "găm hàng, tăng giá" trên địa bàn tỉnh.
Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương triển khai thu gom, xử lý chất thải, rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh sau bão lũ.
Kiểm tra, rà soát, thống kê, đánh giá đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân, doanh nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng của nhà nước; trong đó giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hướng dẫn, đôn đốc thực hiện; các Sở, ngành, địa phương, đơn vị có Văn bản báo cáo UBND tỉnh, đồng gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Thủy lợi) trước 10h00 ngày 11/9/2024 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trước 15h00 ngày 11/9/2024.
UBND các huyện, thành phố, thị xã: Chủ động huy động nguồn lực của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để khẩn trương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ để nhanh chóng ổn định lại đời sống cho người dân, khẩn trương khôi phục sản xuất kinh doanh.
Phân công các đồng chí lãnh đạo UBND huyện, thị xã, thành phố trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác khắc phục hậu quả của bão số 3 và ứng phó với tình hình mưa, lũ, ngập lụt trên địa bàn.
Thủ trưởng các sở, ngành, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo chức năng nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan chủ động triển khai công tác ứng phó với bão số 3 và mưa lũ theo quy định.