Hà Nam dẫn đầu cả nước về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình

Hà Nam đã trở thành điểm sáng trong cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ số khi dẫn đầu cả nước về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình năm 2024 với 68,54%.

Hà Nam dẫn đầu cả nước về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình.

Hà Nam dẫn đầu cả nước về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của các Bộ, ngành và địa phương trong năm 2024, hệ thống EMC ghi nhận có 8 cơ quan và địa phương đạt tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trên 50%. Các cơ quan này bao gồm: Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cùng các địa phương: Hà Nam, Đà Nẵng, Hà Giang và Nam Định.

Ở khối tỉnh, thành phố, Hà Nam dẫn đầu với tỷ lệ 68,54% trong tổng số 168.000 hồ sơ thủ tục hành chính của tỉnh được giải quyết trực tuyến toàn trình. Thành tích này giúp Hà Nam vượt qua các tỉnh, thành phố lớn như: Đà Nẵng (58,89%), Hà Giang (55,76%) và Nam Định (52,96%). Đặc biệt, một số tỉnh, thành khác có tỷ lệ dưới 50%, trong khi Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội thuộc nhóm thấp nhất, dưới 10%.

Ở khối Bộ, ngành, Bộ Công Thương dẫn đầu với 1,488 triệu hồ sơ trực tuyến toàn trình, chiếm 83,48%. Các Bộ: Tài chính và Tư pháp theo sau với tỷ lệ cao, tiếp tục thể hiện sự chuyển mình mạnh mẽ trong cải cách hành chính.

Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình là chỉ số quan trọng trong việc đánh giá mức độ ứng dụng dịch vụ công trực tuyến. Dịch vụ công trực tuyến toàn trình yêu cầu toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính, việc thực hiện và giải quyết thủ tục phải diễn ra trên môi trường mạng. Việc trả kết quả phải thực hiện trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích. Nếu thiếu một trong các yếu tố này, hồ sơ sẽ được xếp vào loại dịch vụ công trực tuyến một phần.

Thông tin trong báo cáo được thu thập từ hệ thống giám sát, đo lường Chính phủ số (EMC) và các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của cấp Bộ, cấp tỉnh.

Trước đó, trong báo cáo năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình chưa cao, nhiều chỉ số chưa đạt mục tiêu. Đến hết tháng 12/2024, tỷ lệ này đạt 45,8%, trong khi mục tiêu là 50%. Khối bộ đạt tỷ lệ 63,47%, dưới mục tiêu 70%, khối tỉnh đạt 18,54% trong khi mục tiêu là 30%

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đánh giá việc cung cấp dịch vụ của các cơ quan Nhà nước hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, chưa thực sự thuận tiện và dễ sử dụng. Mặc dù đã có nhiều ứng dụng, hệ thống được phát triển, nhưng chúng vẫn còn rời rạc, chưa hình thành những nền tảng số quy mô lớn và sử dụng chung. Dữ liệu giữa các cơ quan còn bị phân tán, chưa kết nối và khai thác hiệu quả. Việc triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia còn khá chậm, ảnh hưởng đến tiến trình chuyển đổi số của toàn quốc.

Trong năm 2025, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra mục tiêu thúc đẩy tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước đạt 80%, với khối bộ đạt 85% và khối địa phương đạt 70%. Đây sẽ là một thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội để các địa phương, trong đó có Hà Nam, tiếp tục duy trì vị thế tiên phong trong cải cách hành chính và chuyển đổi số.

Với những kết quả đạt được, Hà Nam không chỉ nâng cao chất lượng phục vụ người dân mà còn đóng góp vào việc xây dựng một nền hành chính minh bạch, hiệu quả và thân thiện. Đồng thời, những nỗ lực này tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển bền vững và xây dựng chính quyền số tại địa phương.

Kim Thoa - Diệu Linh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ha-nam-dan-dau-ca-nuoc-ve-ty-le-ho-so-truc-tuyen-toan-trinh-393524.html
Zalo