Hạ Long: Tái kiến thiết thành phố sau bão số 3
Bão số 3 gây thiệt hại nặng trên diện rộng về công trình xây dựng hạ tầng thành thị và nông thôn của thành phố Hạ Long (Quảng Ninh). Địa phương đã thần tốc dọn vệ sinh môi trường, xử lý hậu quả thiên tai; nay chuyển sang bước mới, đầu tư tái kiến thiết thành phố sau bão, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Tiến Dũng về nội dung này.
PV: Thưa ông, thành phố Hạ Long bị thiệt hại nặng trong trận bão số 3 (Yagi); chỉ chưa đầy một tuần lễ sau bão, địa phương đã dọn dẹp xong vệ sinh môi trường, giải quyết ổn hậu quả thiên tai; nay chuyển sang bước mới, đầu tư xây dựng lại thành phố, ông có thể cho biết nhiệm vụ mới này?
Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long Nguyễn Tiến Dũng: Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) được xác định là tâm bão số 3 (Yagi) nhiều giờ gió giật cấp 15-17, hoàn lưu bão lượng mưa 300-400mm đã gây thiệt hại vô cùng nặng nề về người, tài sản, hoa màu, cây trồng, vật nuôi, rừng, biển, môi trường; nội và ngoại thị đều tan hoang đổ nát. Với quyết tâm cao của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể xã hội lại được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, lực lượng vũ trang đóng quân canh phòng tại địa phương đã thu dọn nhanh khối lượng lớn cây cối gãy đổ, phế liệu vật liệu xây dựng đổ nát trên đường phố, khôi phục cảnh quan môi trường, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân.
Nay Hạ Long bước sang giai đoạn mới, khôi phục các công trình hạ tầng, kiến thiết lại thành phố sau bão số 3. UBND thành phố Hạ Long đã ra Chỉ thị số 01/CT-UBND, triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý quy hoạch, xây dựng và khôi phục đô thị bị đổ nát sau bão số 3; định hướng đầu tư bám sát nhiệm vụ quy hoạch chung và quy hoạch phân khu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, lập trình thẩm định, phê duyệt theo thẩm quyền các mục tiêu, định hướng theo “Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thu hút mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng chiến lược, đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng; hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, khu, cụm công nghiệp, cảng biển...; đồng thời đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công, thực hiện phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư và tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đầu tư để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
PV: Thưa ông, thành phố Hạ Long thực hiện mục tiêu tái kiến thiết thành phố sau bão số 3, xin cho biết các giải pháp cụ thể?
Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long Nguyễn Tiến Dũng: Sau ảnh hưởng cơn bão số 3 (Yagi), đã nảy sinh một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, phát triển đô thị, về quy hoạch đô thị (tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, thiết kế đô thị, cây xanh đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật,...) và việc quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch, nhất là các công trình có kết cấu tạm, sử dụng các vật liệu không kiến cố tại mặt đứng kiến trúc và các bộ phận trên cao của công trình.
Nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, có hiệu quả về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị cũng như các tầng lớp nhân dân thành phố trong công tác quản lý, phát triển đô thị, với mục tiêu khắc phục, tái thiết đô thị thành phố sau ảnh hưởng của cơn bão số 3, hướng tới xây dựng thành phố Hạ Long “Kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình”; thành phố Hạ Long triển khai thực hiện một số giải pháp như:
Thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố Hạ Long gắn với thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 16/5/2023 của Thành ủy, Kế hoạch số 216/KH-UBND ngày 17/5/2023 của UBND thành phố: Tập trung xử lý các khu vực không đảm bảo, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; cắt dọn, phát quang hệ thống cây xanh công viên, đường phố của đô thị; bóc dỡ, thu gọn bộ phận kết cấu hạ tầng giao thông (biển báo, dải phân cách, lan can phòng hộ, cột đèn tín hiệu, cột điện chiếu sáng, các cấu kiện trang trí,...) và hệ thống biển quảng cáo do ảnh hưởng bởi bão số 3, không đảm bảo an toàn, gây mất mỹ quan đô thị. Tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân, các doanh nghiệp tích cực tham gia thu dọn vệ sinh môi trường, không vứt rác, xả rác bừa bãi và xây dựng các tuyến đường đạt chuẩn văn minh đô thị.
Thành phố tăng cường công tác kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch, kiểm soát không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị đáp ứng yêu cầu mỹ quan, thân thiện với môi trường; thực hiện nghiêm công tác quản lý Nhà nước về đất đai và hoạt động xây dựng trên địa bàn. Kiểm tra, xử lý kịp thời, dứt điểm các hành vi vi phạm trật tự xây dựng, lấn chiếm đất đai, lấn chiếm không gian công cộng (lòng đường, vỉa hè, công viên, vườn hoa...); yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện đầu tư cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng lại công trình do ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão số 3 phải tuân thủ quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng được cấp có thẩm quyền chấp thuận, phê duyệt.
Đặc biệt lưu ý việc kiểm soát không gian kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị, đảm bảo tính liên kết tổng thể và mỹ quan đô thị. Nghiêm cấm việc đầu tư cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng lại công trình mới tiếp tục, tái diễn hành vi vi phạm trật tự xây dựng đô thị, lấn chiếm đất đai, lấn chiếm không gian công cộng.
Quản lý, kiểm soát chặt chẽ đối với công tác khắc phục lắp dựng lại hoặc đầu tư mới hệ thống các phương tiện quảng cáo ngoài trời (bảng quảng cáo, hộp đèn, bảng quảng cáo điện tử chạy chữ, màn hình chuyên quảng cáo dạng chữ, băng rôn, biển hiệu...) trên địa bàn thành phố tuân thủ theo quy định pháp luật hiện hành về quảng cáo ngoài trời và Quy chế đã được UBND thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 7335/QĐ-UBND ngày 03/8/2017.
Đối với các công trình quảng cáo đứng độc lập, bao gồm quảng cáo tấm lớn và bảng quảng cáo có diện tích dưới 40m2 hình thức tương tự quảng cáo tấm lớn; khi thực hiện lắp dựng lại hoặc xây dựng mới tuân thủ theo quy hoạch quảng cáo ngoài trời đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thành phố tái thiết ngay lại toàn bộ hệ thống cây xanh công viên, đường phố của đô thị, trong đó chú trọng mở rộng các hố trồng cây trên vỉa hè để bố trí đan xen cây bóng mát có giá trị bền vững và cây có hoa; đề ra các giải pháp, nguyên tắc để định hướng cho các tổ chức, cá nhân trồng lại cây xanh có giá trị bền vững và cây xanh có hoa tại dự án đầu tư và trong khuôn viên của các chủ sở hữu, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả đồng thời gắn với các mục tiêu theo Đề án “Hạ Long - thành phố của hoa” đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 7555/QĐ-UBND ngày 28/6/2024. Đặc biệt là vận động người dân, các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ trồng cây xanh công cộng đô thị theo định hướng của thành phố.
Thành phố sắp xếp, sửa chữa hoặc thay mới các bộ phận kết cấu hạ tầng giao thông gồm: Biển báo, dải phân cách, lan can phòng hộ, cột đèn tín hiệu, cột điện chiếu sáng, các cấu kiện trang trí..., với nguyên tắc tiết kiệm, đảm bảo mỹ quan đô thị, nhằm phục vụ giao thông đảm bảo an toàn, thông suốt trên địa bàn thành phố. Địa phương chú trọng hệ thống dải phân cách giao thông, nghiên cứu vật liệu và hình thức thiết kế phù hợp với mỹ quan đô thị, đảm bảo liên kết để khó di chuyển, xê dịch khi có tác động thời tiết mưa to gió lớn.
Kiểm tra, rà soát hệ thống thoát nước trên các tuyến đường đô thị và trong khu dân cư bị ngập úng cục bộ, từ đó đề xuất phương án cải tạo, nâng cấp và thi công nạo vét đảm bảo việc tiêu, thoát nước, an toàn giao thông và sinh hoạt của người dân. Đối với hệ thống nắp hố ga thu nước hai bên đường cần phải khắc phục do thiệt hại bởi bão số 3, nghiên cứu thay thế bằng vật liệu thân thiện môi trường, tiết kiệm, hiệu quả.
Tiếp tục kiểm tra rà soát các khu vực, vị trí có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, các công trình tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn; để đánh giá theo mức độ nguy cơ mất an toàn và đề xuất phương án khắc phục, xử lý kịp thời. Việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng khắc phục các công trình phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, mục đích sử dụng đất, phương án phải được đơn vị có năng lực thẩm tra đảm bảo an toàn và được cơ quan có thẩm quyền xem xét, chấp thuận, đảm bảo tuyệt đối an toàn an toàn cho người dân, đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu dân cư và mỹ quan đô thị.
Xây dựng ngay phương án xử lý các nhà chung cư (cũ) đã có kết quả kiểm định đánh giá chất lượng nguy hiểm cấp D trên địa bàn theo các quy định của Luật Nhà ở, gắn với chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở, phù hợp các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhằm tạo cảnh quan, kiến trúc đô thị văn minh, hiện đại; đồng thời nâng cấp, cải thiện điều kiện ở, sinh hoạt và nâng cao chất lượng sống, đảm bảo an toàn cho nhân dân tại các khu chung cữ bị hư hỏng, xuống cấp. Trước mắt xây dựng phương án, cơ chế hỗ trợ thuê nhà, tái định cư báo cáo UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức công bố, công khai làm cơ sở để các hộ dân thực hiện.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng cảng cá, khu dịch vụ tổng hợp và khu hậu cần nghề cá tại phường Hà Phong, để phục vụ hoạt động tránh trú bão cho ngư dân và khai thác thủy sản có hiệu quả, bền vững, góp phần phát triển kinh tế, dịch vụ tổng hợp và bảo đảm an sinh xã hội, gắn với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận người dân. Đồng thời hoàn thiện phương án nuôi trồng thủy sản ngoài vùng lõi vịnh Hạ Long (vùng đệm), để đưa nghề nuôi trồng thủy sản trên biển (nuôi biển) trở thành một ngành kinh tế quan trọng, đem lại hiệu quả kinh tế cao gắn với công nghệ cao, thân thiện với môi trường; phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ và phát triển bền vững.
PV: Theo ông, từ thực tế cây xanh bóng mát gãy đổ, các công trình xây dựng bị tốc má, -sập đổ, hệ thống điện lưới phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh, công trình hạ tầng đô thị... bị hư hỏng trong bão số 3, ta có thế rút ra những vấn đề gì trong kiến thiết đô thị bền vững?
Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long Nguyễn Tiến Dũng: Đây là vấn đề mà nhiều địa phương trong cả nước quan tâm, từ hậu quả của bão số 3 các công trình xây dựng để lại cho thấy những vấn đề bất cập trong đầu tư xây dựng, trong kết cấu vật liệu xây dựng công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh. Có những nội dung mà Bộ Xây dựng cần xem xét lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, hợp quy về vật liệu xây dựng đang phổ biến hiện nay.
Bộ Xây dựng quy định thống nhất định mức lao động, kết cấu vật liệu xây dựng cho sản phẩm xây dựng chung trong cả nước còn bất cập, không phù hợp đặc điểm từng vùng miền. Sản phẩm xây dựng ở đô thị vùng ven biển chịu sự thay đổi biến đổi khí hậu, tác động bão biển, sự ăn mòn của hơi muối biển có khác với khu vực miền núi cao xa biển. Cụ thể, trực quan những cây cột điện ly tâm bê tông đúc sẵn bị gió giật gãy ngang thân, tuy cơ quan chức năng chưa thẩm định có kết luận về chất lượng xây dựng, nhưng mắt thường thấy cốt sắt thưa và nhỏ, cường lực kém không chịu được vùng biển lộng gió.
Vật kiến trúc trên cao với những công trình mức độ cao trên 20 tầng, thì vật liệu kính xây dựng cần có sự đánh giá lại về yêu cầu chủng loại, chất lượng kỹ thuật trong xây lắp. Nhiều công trình như lắp gá tạm cửa kính, tường kính khung nhôm trên tầng cao theo bão bay xuống đất cả mảng lớn; kính lại sử dụng không đúng quy định về chủng loại kính xây dựng. Bộ Xây dựng từ lâu có quy định vật liệu xây dựng đối với kính xây dựng phải là kính cường lực, kính 2 lớp ở những vị trí công trình, nay một số công trình nhà thầu không được kiểm tra thẩm định nghiêm túc.
Vật liệu mái lợp đất nung (ngói) và tôn dùng cho các công trình cấp 4, công trình xây dựng tạm nay đưa lên cao là không phù hợp. Bão số 3 ập vào thành phố Hạ Long trên 80% các mái lợp tôn khung sắt trên cao bị sập đổ, vò nát do thiết kế sử dụng vật liệu xây dựng không phù hợp. Các công trình xây dựng do người nước ngoài thiết kế kiến trúc, sử dụng vật liệu xây dựng dạng hàng độc, hàng hiếm, nhập khẩu… nay bão gió làm hư hỏng, phải tìm đúng chính chủ thiết kế công trình và nhập khẩu dạng đơn chiếc vật liệu xây dựng để hàn vá những chi tiết mà mưa bão làm hư hỏng rất khó khăn, bất tiện.
Công tác quy hoạch xây dựng có lúc, có nơi còn buông lòng quản lý dẫn đến tình trạng công trình xây dựng sau ảnh hưởng đến công trình xây dựng trước, nhất là hạ tầng thoát nước. Nhiều công trình xây dựng, khu dân cư ngay gần cửa sông, cửa biển nhưng mưa lớn là ngập lụt, do cốt nền ngoài cao hơn trong; mật độ vượt thổ san nền quá lớn diện tích mặt mương tiêu thoát nước hẹp, lại thiếu hồ ngưng thủy vùng hạ lưu gây ngập lụt cục bộ.
Cây xanh, tiểu cảnh đường phố bộc lộ rõ vấn đề về quy cách trồng cây; và trồng cây gì cho phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, nhất là ở những khu đô thị mới vượt thổ bãi triều đất ngập mặn. Sau bão số 3, nhìn hàng cây xanh đường phố thì thấy ngay loài cây chịu được mưa to gió lớn, sự mặn mòi của vùng biển. Không thể áp dụng ý chí chủ quan đưa cây trên vùng núi cao, xuống trồng ở ven biển được. Cây vùng biển có đặc tính dễ chùm, tán lá thấp, chịu mặn, chịu dông gió; và quy cách trồng, trồng cây đang độ lớn dễ xòe theo tán lá; không nên trồng cây đã cổ thụ gốc rễ thiếu độ bám đất.
Bão số 3 đi qua cũng là dịp xem xét lại trật tự xây dựng, quản lý quy hoạch xây dựng, cương quyết lập lại trật tự xây dựng, không cho khôi phục lại những công trình xây dựng trái phép. Không cấp phép xây dựng nhà ở ở những vị trí đất quá trũng so với cốt nền đô thị, xây dựng ở thổ đất trượt, xây dựng trên bờ vược… những vị trí không an toàn.
Thành phố Hạ Long đề xuất những vấn đề quy phạm xây dựng, vật liệu hợp quy phù hợp với đặc thù địa phương vùng hải đảo, vùng ven biển; địa phương tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng, lựa chọn các loại cây xanh bóng mát, các loài hoa phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu để khôi phục cảnh quan môi trường đô thị sau bão số 3 và thực hiện tốt Đề án "Hạ Long - thành phố của hoa”.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Một số hình ảnh thành phố Hạ Long sau bão số 3:
Trong 2 ngày 27 và 28/9/2024, thành phố Hạ Long đồng loạt khởi công nhiều công trình xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, cảnh quan môi trường đô thị.
Đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải từng là lõng đón gió bão số 3, nay hoa trổ bông, cây xanh nảy lộc; đường phố cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp.
Cây Chà Là, cây cọ họ nhà dừa tỏ ra ưu việt ở đô thị ven biển; khả năng chịu mặn, chịu mưa to gió lớn, thời tiết khắc nghiệt.
Trường THCS&THPT Quảng La là 1 trong số 22 trường chất lượng cao của tỉnh, công trình xây dựng kiên cố, vững như bàn thạch trong bão số 3.
Khách sạn SaiGon - Hạ Long, ngay khi bão số 3 tan, nhiều du khách thập phương đến. Mặc dù khu vực Bãi Cháy là tâm bão, nay các hoạt động dịch vụ du lịch đã sầm uất trở lại, xóa đi dư âm hậu quả siêu bão đi qua.
Vịnh Hạ Long trở lại phong độ cảnh quan môi trường kỳ quan thiên nhiên thế giới, khu du lịch quốc tế, khu du lịch hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước.
Dịch vụ ăn nghỉ phục vụ du khách xa gần trở lại bình thường.
Trên 200 tỷ phú châu Âu, nhiều người đăng ký đến Hạ Long bằng siêu du thuyền để dự Lễ hội “Nghệ thuật vì khí hậu” tại Hạ Long vào tháng 1/2025.
Kinh tế cảng biển phục hồi ngay khi bão tan.