Hạ Long: Hoa nở xanh hóa đất rừng

Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) vừa tổ chức Lễ hội Hoa Anh đào - Kỳ Thượng năm 2025, nhằm đưa giống cây hoa Anh đào - quốc hoa của Nhật Bản về trồng thực nghiệm tại xã Kỳ Thượng. Chương trình thực hiện theo Đề án 'Hạ Long - Thành phố của hoa', gắn với nâng cao tỷ lệ che phủ rừng theo phương châm 'xanh hóa đất rừng'.

Trong ngày Lễ hội Hoa Anh đào - Kỳ Thượng năm 2025, thành phố Hạ Long trồng được khoảng 1.000 cây hoa Anh đào tại thôn Khe Tre nơi có điều kiện khí hậu thích nghi với loài cây hoa Anh đào sinh trưởng. Theo đó, thành phố Hạ Long đã phê duyệt 2 quy hoạch chi tiết với tổng diện tích trồng rừng cảnh quan và cây hoa Anh đào tại xã Kỳ Thượng là 30,6ha.

Lãnh đạo Tỉnh ủy khai xuân Tết trồng cây theo lời Bác day, gắn với quyết tâm “xanh hóa đất rừng”.

Lãnh đạo Tỉnh ủy khai xuân Tết trồng cây theo lời Bác day, gắn với quyết tâm “xanh hóa đất rừng”.

Xã Kỳ thượng diện tích đất tự nhiên là 9.846ha, trong đó có 9.200ha đất rừng. Các thôn bản ở thung lũng rừng dưới chân dãy núi Vân Sơn có đỉnh AmVats cao 1.096m, một trong ngũ đại sơn cánh cung Đông Triều, khi dãy núi Bảo Đài Sơn đỉnh Yên Tử cao 1.068m, núi Cao Ly có đỉnh Cao Xiêm cao nhất là 1.429m. Dãy núi Vân Sơn trong vùng rừng quốc gia Đồng Sơn-Kỳ Thượng diện tích 33.000ha, thành phố Hạ Long đã có dự án tiền khả thi khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, kết nối với du lịch biển đảo vịnh Hạ Long tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch thực hiện mục tiêu đón 11,5 triệu lượt khách du lịch năm 2025.

Đề án “Hạ Long - Thành phố của hoa” nét văn hóa đặc sắc được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, từ nông thôn đến thành thị nhiều: Đường hoa, phố hoa, công viên hoa, tiểu cảnh hoa, vịnh hoa, khu dân cư hoa, học đường hoa… cây tốt cành - xanh lá, trổ bông sắc mầu rung rinh trong gió, cảnh quan môi trường. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhiều cây cối đã không còn nguyên vẹn, nhiều cánh rừng còn trơ màu sẹo đất khi cơn bão đi qua.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long Nguyễn Ngọc Sơn phát động trồng cây hoa Anh đào tại Lễ hội Hoa Anh đào - Kỳ Thượng năm 2025.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long Nguyễn Ngọc Sơn phát động trồng cây hoa Anh đào tại Lễ hội Hoa Anh đào - Kỳ Thượng năm 2025.

Sóng cả không ngã tay chèo, thành phố Hạ Long nêu cao quyết tâm khôi phục Đề án “Hạ Long- Thành phố của hoa” và “Xanh hóa những cánh rừng” bằng nghị lực và sức mạnh đoàn kết của nhân dân, dựa vào dân sắp xếp lại thảm xanh đô thị, phủ xanh lại đại ngàn. Thành phố dành ngân sách trồng gần 400 cây chà là và trên 100 cây bằng lăng, tường vi, phượng đỏ… dọc tuyến đường bao biển Trần Quốc Nghiễn. Trồng lại 9.000m2 thảm hoa tại công viên Hạ Long; thay thế chậu hoa lớn, giống hoa đẹp tại đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ... Hết tháng Giêng thành phố đã trồng được gần 32.000 cây xanh bóng mát, cây có hoa; diện tích hoa dải thảm mặt đất khoảng 40.900m2.

Hạ Long tái thiết thành phố của hoa sau siêu bão, tạo cảnh quan đô thị tươi đẹp, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, nâng cao chất lượng sống của nhân dân, giai đoạn 2024 -2025 đầu tư trên 43 tỷ đồng, dự kiến giai đoạn 2026-2030 đầu tư khoảng 270 tỷ đồng. Thành phố huy động nguồn lực ngoài ngân sách theo phương châm xã hội hóa, vận động nhân dân hiến ngày công - hiến cây hoa giống trồng trong khu dân cư, trồng hoa ở nơi công cộng, trồng hoa mặt tiền ngay chính căn nhà ở của mình, tận dụng đất trống để trồng hoa. Thành phố tổ chức các cuộc thi “Cây hoa đẹp”, “cổng, tường rào có hoa leo đẹp", “khuôn viên trụ sở cơ quan, đơn vị đẹp”; vận động người người chăm hoa, nhà nhà trồng hoa, mỗi hộ trồng ít nhất từ 3-5 cây có hoa trong khuôn viên gia đình.

Đồng thời với Đề án “Hạ Long - Thành phố của hoa”, địa phương phát động phong trào “Xanh hóa những cánh rừng” khôi phục diện tích rừng trồng bị bão số 3 tàn phá, trả lại tỷ lệ cao độ che phủ rừng. Ngoài ra, thành phố mở cuộc thi đua trồng cây gây rừng; quản lý, chăm sóc để cây rừng sau khi trồng được sinh trưởng và phát triển tốt; xử lý dứt điểm hành vi vi phạm lấn chiếm, sử dụng sai mục đích đối với diện tích đất lâm nghiệp do UBND các phường xã quản lý.

Các tổ chức, đơn vị có diện tích đất lâm nghiệp được giao để trồng rừng sản xuất như: Công ty Lâm nghiệp Hoành Bồ, Công ty Thông Quảng Ninh… thực hiện phương án thanh lý rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, thực hiện trồng mới cùng với diện tích rừng bị thiệt hại trồng bằng vốn tự có của đơn vị. Trồng rừng gỗ lớn bằng nguồn vốn trồng rừng thay thế theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh.

Các đơn vị được giao quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên như: Ban Quản lý rừng phòng hộ hồ Yên Lập, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng… Thực hiện bảo vệ để tái tạo lại rừng tự nhiên, tập trung thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Diện tích rừng trồng có nguồn vốn ngân sách nhà nước, các chủ rừng là tổ chức thực hiện lập Hồ sơ thanh lý rừng trồng, hoàn thiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, quản lý chặt chẽ diện tích rừng.

Kỳ Thượng vùng núi cao, khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với cây hoa Anh đào sinh trưởng.

Kỳ Thượng vùng núi cao, khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với cây hoa Anh đào sinh trưởng.

Diện tích rừng trồng cảnh quan môi trường đã bàn giao cho Thành phố quản lý, đã thực hiện giao khoán cho hộ gia đình cá nhân; UBND các phường xã rà soát việc thực hiện các hợp đồng giao khoán, phương án phòng cháy chữa cháy rừng, không để mất trữ lượng rừng, chống mua bán chuyển nhượng trái phép lâm sản. UBND các phường, xã đã hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân được giao đất, giao rừng lập phương án thanh lý rừng trồng đảm bảo theo đúng quy định pháp luật. Thành phố hỗ trợ thu dọn cây gãy đổ, vệ sinh rừng hậu quả thiên tai 1,0 triệu đồng/ha.

Cùng với việc trồng cây có hoa, địa phương tích cực triển khai trồng rừng, trồng cây bản địa, cây gỗ lớn, khôi phục rừng sau bão số 3. Năm 2025, thành phố Hạ Long đề ra mục tiêu trồng trên 15.400ha rừng, trong đó, rừng giao cho các tổ chức khoảng 1.500ha; rừng do UBND các xã quản lý trên 3.000ha; rừng giao cho hộ gia đình, cá nhân gần 10.500ha; rừng đặc dụng có vốn ngân sách Nhà nước khoảng 400ha.

Thành phố đã chỉ đạo trồng rừng, cây bản địa theo các phương án, dự án liên kết sản xuất với các đơn vị, doanh nghiệp, chủ vườn ươm đảm bảo cung ứng giống cây trồng chất lượng cao, phục vụ nhu cầu trồng rừng tập trung và trồng rừng gỗ lớn của người dân trên địa bàn. Các loại cây được thành phố trồng tập trung gồm: Lim, lát, giổi, cây xanh đô thị, cây bóng mát đa mục đích...

Trung tuần tháng 3, các đơn vị, địa phương đã trồng được gần 2.500ha rừng trên diện tích đất rừng sản xuất giao cho các cá nhân, hộ gia đình; trồng được trên 1.100ha đồi rừng với trên 7.000 cây gỗ lớn tại các khu vực rừng gãy đổ, khoảnh đồi trống. Các đơn vị ngành Than đóng trên địa bàn đã đầu tư nhân rộng trồng mới, phủ xanh được gần 200ha cây xanh các loại tại mặt bằng một số khu đất trống, bãi thải, khu vực giáp dân cư, các tuyến đường tạo cảnh quan môi trường, cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác. Đồng thời, tạo vành đai “lá phổi xanh” chống bụi cho đô thị. Các phường xã, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tích cực hưởng ứng việc trồng cây xanh, cây bản địa, cây có hoa…

Thành phố Hạ Long xanh.

Thành phố Hạ Long xanh.

Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần trồng cây, trồng rừng, trồng cây xanh, cây có hoa… lấy người dân làm nòng cốt; UBND phường xã làm trung tâm đăng ký cụ thể về diện tích, địa điểm, số cây, loại cây, thời gian trồng cây, mở đợt cao điểm tái thiết hệ thống cây xanh trên địa bàn toàn thành phố, “xanh hóa những cánh rừng”. Đồng thời, trồng thay thế, bổ sung cây bóng mát, cây có hoa gắn với thực hiện đề án “Hạ Long - Thành phố của hoa” phù hợp cảnh quan đô thị từng khu vực đảm bảo đồng bộ, đúng quy hoạch; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Đề án “Phát triển cây xanh đô thị đến năm 2030”.

Kim Oanh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ha-long-hoa-no-xanh-hoa-dat-rung-397147.html
Zalo