Hà Giang: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về xóa nhà tạm, nhà dột nát
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tích cực hưởng ứng phong trào thi đua 'Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025'; tỉnh Hà Giang đã quyết liệt thực hiện chủ trương này, đặc biệt tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2019-2024 toàn tỉnh có 19.553 nhà được hỗ trợ xây mới, sửa chữa thuộc các chương trình như: Chương trình 1953; Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình nhà Đại đoàn kết; Mái ấm công đoàn; Nhà Chữ thập đỏ; Chương trình hỗ trợ nhà bị thiệt hại bởi thiên tai với tổng kinh phí đã hỗ trợ trực tiếp hơn 903 tỷ đồng.
Về việc triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2025, theo rà soát của các huyện, thành phố đến ngày 30-10-2024, tổng số hộ cần hỗ trợ nhà ở là 5.848 hộ, trong đó xây mới 4.951 nhà, sửa chữa là 897 nhà.
Thực hiện Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động, nhằm tiếp tục triển khai xóa nhà tạm trên địa bàn toàn tỉnh, để người dân có nhà ở kiên cố, ổn định cuộc sống, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, theo quyết định, đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Quyền Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng BCĐ; đồng thời, tại các huyện, thành phố trên địa bàn Trưởng BCĐ do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban.
Với mục tiêu hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho đối tượng người có công xong trước 30-6-2025; các hộ được hỗ trợ từ chương trình MTQG, các hộ dân sống trong điều kiện nhà tạm nhà dột nát xong trước tháng 8-2025 để lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2025-2030, hiện nay, các địa phương trên toàn tỉnh Hà Giang đồng loạt ra quân hưởng ứng chương trình.
Ngôi nhà đầu tiên trong chương trình xóa nhà tạm được khởi công là gia đình anh Hạng Mí Sử, sinh năm 1987, cư trú ở xóm 2, thôn Đầu Cầu I, xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ. Gia đình có 5 khẩu, thuộc hộ nghèo, đang sống trong ngôi nhà được quây tạm bằng phên tre đã xuống cấp nghiêm trọng, con bị ốm đau thường xuyên, sản xuất nông nghiệp manh mún, thu nhập bấp bênh; dù vợ anh Sử đã đi lao động làm thuê trong và ngoài tỉnh nhưng do chữa bệnh cho con nên không có tích lũy để làm nhà mới.
Theo kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh gia đình anh Sử được hỗ trợ 60 triệu đồng để xây dựng căn nhà có diện tích 90m2, 3 gian theo kiến trúc truyền thống đồng bào dân tộc Mông; quá trình xây dựng gia đình sẽ được chính quyền địa phương và cộng đồng giúp đỡ thêm về vật liệu, ngày công. Ngôi nhà dự kiến sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng sau 1 tháng thi công.
Xúc động khi sắp có ngôi nhà mới, anh Sử chia sẻ: “Gia đình tôi rất vui mừng khi sắp có được ngôi nhà mới, kiên cố; gia đình tôi càng phấn khởi khi ngôi nhà sẽ được hoàn thành trước Tết Nguyên đán, vậy là Tết này gia đình sẽ có nhà mới đón Tết rồi”.
Được biết, toàn huyện Quản Bạ có 50 hộ được đề nghị phê duyệt hỗ trợ kinh phí xây mới nhà ở, trong đó có 1 nhà là đối tượng người có công, 49 nhà là hộ nghèo, huyện phấn đấu hoàn thành công tác xóa nhà tạm trong tháng 5-2025. Để đảm bảo đúng tiến độ đề ra, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp, phát huy tinh thần tương thân tương ái tham gia ủng hộ các nguồn lực để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo.
Còn tại huyện Mèo Vạc, để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cấp ủy, chính quyền huyện xác định việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đồng thời là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong công tác giảm nghèo. Ban Chỉ đạo xác định phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hỗ trợ, nhân dân làm chủ”, đồng thời huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa. Các cơ quan, doanh nghiệp và cộng đồng được kêu gọi đóng góp kinh phí, vật liệu, ngày công lao động để hoàn thành kế hoạch đề ra.
Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc Phạm Văn Tú thông tin, theo kế hoạch, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của Mèo Vạc đến năm 2025 huyện dự kiến hỗ trợ cho tổng số 299 hộ, trong đó xây mới là 292 nhà, sửa chữa 7 nhà. Chương trình đặt mục tiêu đảm bảo tiêu chuẩn nhà ở an toàn, phù hợp với phong tục địa phương và đạt độ bền vững tối thiểu 20 năm. Đến nay, huyện đã tiến hành khởi công 2 ngôi nhà tạm đầu tiên tại xã Lũng Pù và Cán Chu Phìn.
Gia đình ông Lầu Chá Tủa, thôn Quán Xí là 1 trong 37 hộ gia đình được hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm của xã Lũng Pù đợt này. “Tôi năm nay đã gần 60 tuổi rồi, nhà thì nghèo; có được ngôi nhà mới, kiên cố là mong ước của cả gia đình tôi bấy lâu nay, giờ mong ước thành hiện thực rồi, tôi biết ơn Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống đồng bào chúng tôi”, ông Lầu Chá Tủa chia sẻ.
Để chương trình đi vào thực chất, đúng đối tượng được thụ hưởng, tại Hội nghị BCĐ triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh vừa qua, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng BCĐ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Hà Giang đã nhấn mạnh: Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tính nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với người có công, hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng khác. Đồng thời, đồng chí đề nghị cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cần có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ sản phẩm…
Hà Giang quyết tâm trong năm 2025 hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Để đảm bảo hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát, cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân, huy động, đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện. Đây cũng chính là nguồn động viên, khích lệ, tạo động lực giúp hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống; qua đó góp phần củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.