Hà Giang: Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng
Hà Giang có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 576.000 ha; hiện nay, thời tiết hanh khô kéo dài, trùng với mùa làm nương của người dân ở các huyện vùng cao, khiến nguy cơ xảy ra cháy rừng ở mức cao. Trước tình hình đó, các ngành, địa phương của tỉnh đã tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
Tại huyện vùng cao Mèo Vạc, UBND huyện đã ban hành công văn chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tiếp tục quán triệt, phổ biến và triển khai hiệu quả Luật Lâm nghiệp cùng các văn bản hướng dẫn thi hành; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 16-1-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Hiện nay, thời tiết hanh khô kéo dài, trùng với mùa làm nương của người dân ở các huyện vùng cao, khiến nguy cơ xảy ra cháy rừng ở mức cao.
Ông Lê Xuân Hướng, Phó chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: “Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) đã và đang được Mèo Vạc đẩy mạnh. Trong đó, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng và PCCCR đến từng người dân. Các cơ quan chức năng hướng dẫn người dân xử lý thực bì khi làm nương rẫy, đốt cỏ ven rừng theo đúng quy trình kỹ thuật. UBND các xã, thị trấn yêu cầu các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đăng ký thời gian đốt nương để theo dõi, đồng thời nghiêm cấm việc sử dụng lửa trong rừng, đốt thực bì không kiểm soát, săn bắt ong bằng lửa trong rừng và các hoạt động du lịch tự phát tại khu vực rừng.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy PCCCR cấp xã phân công cán bộ trực 24/24 giờ trong những ngày nắng nóng và thời điểm dự báo cháy rừng cấp IV, cấp V. Các lực lượng tại chỗ phải sẵn sàng phương tiện, hậu cần và nhân lực để ứng cứu khi có cháy rừng, đảm bảo thực hiện theo phương châm "bốn tại chỗ". Đồng thời, huyện thường xuyên rà soát phương án bảo vệ rừng, chuẩn bị trang thiết bị và phối hợp với các lực lượng liên quan để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra”.

Từ đầu năm 2024 đến tháng 2-2025, tỉnh Hà Giang đã xảy ra 13 vụ cháy rừng.
Hiện nay đang là cao điểm mùa làm nương của bà con; trước thực trạng đó, Hạt Kiểm lâm huyện Mèo Vạc đã phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật dập tắt đám cháy do đốt dọn thực bì, đồng cỏ cho bà con nhân dân xã bằng hình thức trực quan sinh động. Buổi tập huấn không chỉ góp phần nâng cao nhận thức, đồng thời còn hình thành kỹ năng chữa cháy rừng cho người dân địa phương.
Là một trong những người dân được trực tiếp tham gia tập huấn, anh Vừ Mí Nô, thôn Cá Ha, xã Cán Chu Phìn, bày tỏ: “Thông qua buổi tập huấn này, tôi cũng đã hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của người dân trong công tác PCCCR; khi về thôn thì tôi sẽ tuyên truyền lại cho bà con nhân dân trước khi đốt cỏ ở nương cần quét dọn thực bì gọn gàng để tránh dẫn đến cháy rừng...”.
Từ đầu năm 2024 đến tháng 2-2025, toàn tỉnh Hà Giang đã xảy ra 13 vụ cháy rừng, tổng diện tích rừng bị ảnh hưởng là 24,5ha. Trước thực trạng trên, công tác phòng ngừa cháy rừng đã được cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành chức năng, đơn vị chủ rừng chủ động triển khai thực hiện tích cực. Các chủ rừng, hộ gia đình được yêu cầu ký cam kết không đốt nương, không sử dụng lửa bừa bãi trong rừng. Tổ chức kiện toàn lại Ban chỉ huy và tổ xung kích phòng cháy, chữa cháy rừng; hướng dẫn người dân đốt dọn thực bì theo đúng kỹ thuật.

Tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật dập tắt đám cháy do đốt dọn thực bì, đồng cỏ cho người dân tại xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc (Hà Giang).
Ông Đào Duy Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang cho biết: “Chúng tôi đã rà soát lại tất cả các dụng cụ, trang thiết bị từ các cơ quan chuyên ngành đến các thôn, bản. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị tiến hành kiểm đếm, rà soát và bảo dưỡng lại tất cả các dụng cụ, trang thiết bị để làm sao phục vụ được công tác chữa cháy rừng khi có phát sinh tình huống”.
Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt trong PCCCR vào cao điểm mùa khô 2025; cùng với sự chủ động của các cấp, các ngành chuyên môn thì người dân cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ, PCCCR, nhất là vào những ngày thời tiết hanh khô, nắng nóng để từ đó góp phần hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy rừng.