Hà Giang: Sẵn sàng cung ứng thực phẩm phục vụ thị trường Tết
Tết Nguyên đán Ất Tỵ đang cận kề, người nông dân các địa phương của tỉnh Hà Giang đang tập trung vỗ béo đàn vật nuôi, chăm sóc các loại nông sản, sẵn sàng cung ứng nguồn thực phẩm phục vụ nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng dịp Tết.
Gia đình anh Lê Văn Điếng ở thôn Tân Phong, xã Ngọc Linh (Vị Xuyên) là một trong những hộ có thâm niên trong nghề nuôi gia cầm. Một năm gia đình anh nuôi 3 lứa, tuy nhiên riêng đối với lứa cuối năm, anh tăng đàn gấp đôi, khoảng 2.500 - 3.000 con, chủ yếu là giống gà thiến và gà giò.
Do nhu cầu thị trường Tết, yêu cầu gà phải ngon và đẹp nên gia đình anh luôn đảm bảo khâu phòng bệnh cho gia cầm như: Sử dụng các loại thuốc đúng liều lượng, nền trại sử dụng đệm lót sinh học theo quy trình chăn nuôi hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học xử lý chất thải và tuân thủ đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi để có sản phẩm chất lượng cao cung cấp ra thị trường. Nhờ vậy, hầu hết số lượng gà nuôi của gia đình anh đã được các thương lái và bà con quanh vùng đặt mua.
“Để đảm bảo số lượng và chất lượng, đầu tháng 9 là gia đình tôi đã chuẩn bị chuồng trại, nhập con giống, chuẩn bị thức ăn đảm bảo để phục vụ nhu cầu thị trường Tết nguyên đán. Cũng nhờ có quỹ đất rộng, gia đình tôi vừa nuôi thả, vừa nuôi nhốt nên gà phát triển nhanh… Tôi hy vọng lứa gà dịp cuối năm sẽ mang lại cho gia đình một cái Tết no ấm”, anh Điếng chia sẻ.
Thời điểm này, bà Ma Thị Hoạt, thôn Lèn, xã Việt Lâm cũng đang tập trung chăm sóc đàn lợn. Là hộ chăn nuôi nhiều năm nên gia đình bà đã có kinh nghiệm tính toán thời gian nuôi để bán đúng vào thời điểm Tết. Để đảm bảo chất lượng thịt ngon, nguồn thức ăn chủ yếu được bà tận dụng sản phẩm tự nhiên như ngô, cám, chuối. Trong quá trình chăm sóc, gia đình luôn chú ý vệ sinh chuồng trại, phòng bệnh cho vật nuôi.
Bà Hoạt cho biết: “Để có thịt lợn ngon, gia đình tôi lựa chọn nuôi giống lợn đen địa phương bởi vì giống lợn này được người tiêu dùng ưa chuộng hơn, giá trị kinh tế cũng cao; đến nay, một số lợn của gia đình cũng đã được khách hàng đặt trước”.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hương, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vị Xuyên cho biết: “Để các sản phẩm từ tiểu gia súc, đại gia súc đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường trong dịp Tết Nguyên đán, chúng tôi đã khuyến cáo cho người dân tập trung chăm sóc, nuôi dưỡng cũng như thực hiện tốt công tác phòng, chống đói rét, dịch bệnh và tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine để vật nuôi sinh trưởng phát triển tốt”.
Vào dịp Tết Nguyên đán, ngoài các sản phẩm từ thịt, thì rau xanh là mặt hàng thực phẩm có sức hút mạnh nhất. Nắm bắt nhu cầu này, gia đình chị Trịnh Thị Thế, thôn Hợp Thành, xã Đạo Đức đang tất bật với việc chăm sóc các loại rau xanh như: Su hào, bắp cải, súp lơ, hành, mùi và các loại rau thơm.
Được biết, ngày thường toàn bộ rau xanh của nhà chị Thế đều cung cấp cho chợ Trung tâm huyện Vị Xuyên và thành phố Hà Giang; từ việc bán rau xanh, trung bình mỗi ngày gia đình chị thu về hơn 300.000 đồng sau khi trừ chi phí.
Chị Thế cho biết: “Nghề trồng rau được hay không chính là nhờ vào vụ rau Tết, bởi đây là thời điểm giá bán cao nhất trong năm, nên tôi phải căn thời điểm gieo giống và tập trung chăm sóc để bán đúng dịp mới có lợi nhuận”.
Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh Hà Giang, đến nay, đàn lợn toàn tỉnh cơ bản vẫn phát triển ổn định so với cùng kỳ năm trước, với hơn 589.000 con; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt hơn 56.000 tấn, tăng hơn 8% so với cùng kỳ; tính đến thời điểm này, cơ bản đáp ứng đủ nguồn cung về thịt lợn cho người dân trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết.
Năm 2024, toàn tỉnh Hà Giang có 216 trang trại chăn nuôi, trong đó có 4 trang trại quy mô lớn, 13 trang trại có quy mô vừa và 199 trang trại quy mô nhỏ; số lượng các trang trại tập trung chủ yếu tại thành phố Hà Giang và các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình.
Theo khuyến cáo của ngành chức năng, thời tiết hiện nay rét đậm, rét hại, ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn vật nuôi, vì vậy, người chăn nuôi cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; qua đó, vừa đảm bảo nguồn thu nhập cho gia đình và góp phần bảo đảm ổn định nguồn cung thực phẩm cho thị trường dịp Tết đang tới gần.