GV đánh giá đề tham khảo Ngữ văn dẹp học 'tủ', đề Sử có 'thách' nhưng không 'đố'

Đề tham khảo có định dạng câu hỏi mới, định hướng thi đánh giá năng lực, đủ sức phân loại thí sinh cho các cơ sở giáo dục đại học xét tuyển đầu vào.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố 18 đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025.

Theo đó, năm học 2024 - 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thí sinh tham dự kỳ thi sẽ chỉ thi 4 môn bao gồm 2 môn thi bắt buộc Ngữ văn, Toán và 2 môn lựa chọn trong số các môn học còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Nhận định về đề tham khảo Ngữ văn, cô Hoàng Thị Kiều Trang - Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng (Đắk Lắk) cho biết: Đề tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố khá hay và vừa sức với thí sinh. Đặc biệt đã có sự tinh gọn cũng như đảm bảo tính phân hóa cao hơn so với đề minh họa trước đó.

Theo đánh giá của cô Trang, đề có bố cục, nội dung và việc cân đối điểm thi ở từng câu hỏi. Tuy nhiên, điểm nổi bật của đề tham khảo Ngữ văn lần này chính là đã bám sát yêu cầu cần đạt về đặc trưng thể loại, kỹ năng đọc hiểu và kỹ năng viết của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bên cạnh đó, việc sử dụng một ngữ liệu tại phần Đọc hiểu cho toàn bộ đề thi chính là một điểm cộng lớn khi giúp thí sinh có thể tiết kiệm được thời gian đọc - hiểu ngữ liệu, mặt khác tạo điều kiện để các em hoàn thành phần viết nếu biết cách tổng hợp, vận dụng nội dung trả lời của các câu hỏi tại phần đọc hiểu cho việc viết đoạn văn.

Với đề thi như vậy sẽ chấm dứt tình trạng “học tủ” tác phẩm hay “đoán đề” của học sinh như các kỳ thi trước đây.

Để có sự đánh giá khách quan nhất, ngay khi Bộ vừa mới công bố đề tham khảo, cô Trang đã tiến hành khảo sát năng lực làm bài của các học sinh cô đang phụ trách giảng dạy tại trường.

Theo đó, ở phần Đọc hiểu, thí sinh sẽ dễ lấy điểm ở câu 1, câu 2 và câu 5. Tuy nhiên, câu hỏi 1 và 2 có cách hỏi “mới lạ” so với các đề thi trước đây khi yêu cầu thí sinh “Chỉ ra dấu hiệu để xác định thể thơ của đoạn trích” và “Xác định hình ảnh được sử dụng để so sánh với cây liễu xưa trong đoạn trích”.

Cô Trang cho hay, việc thay đổi cách hỏi có thể khiến thí sinh trả lời sót ý nếu nóng vội làm bài và không đọc kỹ đề.

Đối với câu 3, câu 4, nội dung câu hỏi đã có mức độ phân hóa cao hơn, đòi hỏi kiến thức và kỹ năng của học sinh phải chắc thì mới có thể lấy trọn vẹn điểm phần này.

Ở phần Viết nhìn chung đề vẫn giữ nguyên cấu trúc như phần làm văn trước đây, cụ thể là yêu cầu viết đoạn văn và bài văn nghị luận.

Tuy nhiên, đề tham khảo lần này đã được thay đổi về mặt kiểu văn nghị luận. Theo đó, ở câu hỏi 2 điểm đề yêu cầu thí sinh viết đoạn văn nghị luận khoảng 200 chữ và câu 4 điểm viết bài văn nghị luận 600 chữ.

“Đánh giá khách quan, hai câu hỏi tại phần Viết sẽ không làm khó được thí sinh nếu các em đã thành thục kỹ năng viết.

Thí sinh nếu có nhận thức về các vấn đề xã hội và biết cách vận dụng các kỹ năng một cách linh hoạt thì sẽ dễ dàng giải quyết được yêu cầu của đề.

Yếu tố phân hóa của đề thi sẽ nằm ở việc các em vận dụng kiến thức và kỹ năng viết vào bài như thế nào. Bài thi đạt được điểm cao dựa vào việc thí sinh đưa ra luận điểm, ý kiến của mình cũng như việc lựa chọn dẫn chứng một cách linh hoạt để tạo nên bài viết ấn tượng.

Để làm được điều đó sẽ còn phụ thuộc vào quá trình định hướng, ôn tập và rèn kĩ năng của giáo viên dành cho học sinh trong quá trình giảng dạy trên trường, lớp”, cô Trang chia sẻ.

 Cô Hoàng Thị Kiều Trang - Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng (Đắk Lắk). Ảnh: NVCC

Cô Hoàng Thị Kiều Trang - Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng (Đắk Lắk). Ảnh: NVCC

Đồng tình với quan điểm trên, cô Trương Thị Anh - giáo viên Ngữ văn Trường Trung học phổ thông Sơn Động số 2 (Bắc Giang) cũng cho rằng đề tham khảo lần này khá nhẹ nhàng và vừa sức với thí sinh.

Theo đó, vì là năm đầu tiên học sinh thực hiện thi theo yêu cầu và định hướng mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nên việc xây dựng cấu trúc đề vừa sức với thí sinh là điều cần thiết và nên làm.

“5 câu hỏi ở phần Đọc hiểu đã có sự phân hóa rõ ràng trình độ, năng lực thí sinh. Với 2 câu hỏi nhận biết, hầu hết tất cả thí sinh sẽ dễ dàng dành trọn điểm ở 2 câu này. 3 câu hỏi còn lại đòi hỏi thí sinh phải có tư duy cũng như biết cách vận dụng linh hoạt các kiến thức, kỹ năng đã được rèn luyện trên lớp.

Ở phần Viết, đề đã đảm bảo đúng theo tiêu chí của chương trình mới. Câu hỏi nghị luận xã hội đề cập đến vấn đề về góc nhìn của người trẻ. Đây là một vấn đề rất thời sự, tương đối gần gũi và phù hợp với nhận thức hiện tại của thí sinh nên các em sẽ dễ dàng bày tỏ chính kiến, quan điểm của mình.

Tương tự, với câu hỏi nghị luận xã hội cũng rất hợp lý khi tận dụng ngữ liệu ở phần đọc hiểu và yêu cầu thí sinh phân tích nhân vật từ ngữ liệu chung. Yêu cầu này không gây khó cho học sinh vì nội dung gần như đã có đủ ở phần trả lời của 5 câu đọc hiểu”, cô Trương Thị Anh nêu nhận xét.

Mong muốn đề chính thức bám sát cấu trúc đề tham khảo

Với cấu trúc đề gồm 2 phần bao gồm phần Đọc hiểu (4 điểm - 5 câu hỏi) và phần Viết (1 đoạn nghị luận văn học 200 chữ, 2 điểm và 1 bài văn nghị luận xã hội 4 điểm với 600 chữ), đề tham khảo Ngữ văn được nhiều giáo viên nhận định đủ sức đánh giá học sinh ở kỹ năng đọc văn bản và kỹ năng viết, tư duy xã hội.

Bên cạnh đó, đề còn sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa rất phù hợp với định hướng, mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Theo chia sẻ của cô Trương Thị Anh, để có thể đạt hiệu quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2025, đối với môn Ngữ văn học sinh cần nắm chắc đặc trưng của từng thể loại văn bản cũng như nắm chắc đặc trưng về nội dung, hình thức của các tác phẩm văn học thì mới có thể vận dụng, đáp ứng các yêu cầu trong đề thi chính thức.

Bên cạnh đó, cần tích cực trau dồi và cập nhật các kiến thức xã hội để mở rộng hiểu biết, rèn luyện các kỹ năng lập luận, trình bày luận điểm, nêu dẫn chứng một cách thuyết phục, hợp lý để có thể dành điểm cao cho câu nghị luận xã hội.

Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên, cô Hoàng Thị Kiều Trang bày tỏ mong mỏi nội dung của đề thi Ngữ văn tại Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025 sẽ bám sát với đề tham khảo lần này để học sinh có thể hoàn thành kỳ thi một cách thuận lợi.

“Đây là năm đầu tiên học sinh thi tốt nghiệp Trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, vì vậy cả giáo viên và học sinh đều sẽ có sự lo lắng nhất định ở tất cả các môn thi chứ không riêng gì môn Ngữ văn.

Để có thể chinh phục Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025 một cách trọn vẹn, đặc biệt là môn Ngữ văn một cách tốt nhất thì các em học sinh lớp 12 cần chăm chỉ trau dồi kiến thức, kỹ năng, thường xuyên rèn luyện kỹ năng đọc - viết, bám sát yêu cầu cần đạt của hai kỹ năng này.

Bên cạnh đó, các em cũng cần có kiến thức tổng hợp, phương pháp lập luận, kỹ năng cảm thụ, sáng tạo, thẩm mỹ và chính kiến thì mới có thể lấy điểm cao.

Để làm được điều đó, đòi hỏi các em phải nỗ lực trong cả quá trình học để có thể tự tin bước vào kỳ thi trong tâm thế tốt nhất.

Với đề thi tham khảo lần này, tôi tin học sinh có thể làm trọn vẹn được các nội dung cần đạt trong thời lượng 120 phút để lấy ít nhất 5,0 điểm. Đặc biệt, nếu đề thi chính thức cũng có cấu trúc tương tự đề tham khảo, thí sinh sẽ thuận lợi hoàn thành kỳ thi một cách hiệu quả và chất lượng”, cô Trang bày tỏ.

Đề tham khảo môn Lịch sử có thách thức nhưng không thách đố

Nhận xét về đề tham khảo môn Lịch sử, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hưởng – Giảng viên cao cấp, Trưởng Bộ môn Lý luận và Phương pháp dạy học (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết: Đây là đề tham khảo có cấu trúc và định dạng câu hỏi mới để định hướng cho việc dạy - học và thi đánh giá năng lực.

Khác với đề minh họa của các năm trước (thi theo chương trình cũ) chỉ có một định dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn (A, B, C, D), mỗi đơn vị kiến thức trong câu hỏi của đề minh họa đều tương ứng với ma trận của đề thi chính thức về sau thì đề tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025 của các môn được công bố lần này nhằm định hướng việc đổi mới cách thức tiếp cận và hướng ra đề thi đánh giá năng lực.

Đối với đề tham khảo môn Lịch sử năm 2025 được định hướng với 2 phần, định dạng câu hỏi khác nhau và cách thức tính điểm cũng khác nhau.

Ở Phần I - câu trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn, gồm 24 câu hỏi. Thí sinh sẽ trả lời từ câu 1 đến câu 24, mỗi câu hỏi chỉ chọn một phương án, nếu trả lời đúng sẽ được 0,25 điểm/1 câu.

Phần II câu trắc nghiệm dạng đúng sai, gồm 4 câu hỏi chùm, mỗi chùm có 4 ý. Thí sinh sẽ trả lời từ câu 1 đến câu 4, trong mỗi ý a), b), c), d) ở mỗi câu, thí sinh chọn đúng hoặc sai.

 Đề tham khảo môn Lịch sử do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

Đề tham khảo môn Lịch sử do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

Theo ý kiến nhận xét của thầy Hưởng, nội dung câu hỏi của đề tham khảo sẽ đánh giá thí sinh dựa trên ba cấp độ tư duy là biết, hiểu và vận dụng với tỉ lệ 40 – 30 – 30.

Trong đó, đánh giá tư duy ở cấp độ biết có 16 câu/ý (tương ứng 40%), đánh giá tư duy ở cấp độ hiểu có 12 câu/ý (tương ứng 30%) và đánh giá tư duy ở cấp độ vận dụng có 12 câu/ý (tương ứng 30%).

Cùng với sự thay đổi về cấu trúc, các dạng thức câu hỏi và cách tính điểm trong thi trắc nghiệm môn Lịch sử, đề tham khảo cũng chú trọng vào đa dạng hóa cách hỏi để đánh giá được thí sinh các năng lực đọc hiểu, năng lực xử lý thông tin và năng lực giải quyết.

Ví dụ, câu 10 (phần I) đánh giá thí sinh ở cấp độ tư duy biết, thí sinh chỉ cần ghi nhớ thông tin là đã có thể làm được.

Hay ở câu 19 (phần I) đánh giá thí sinh ở cấp độ tư duy hiểu, thông qua hai nấc thang tư duy để suy luận – phải là hoạt động đối ngoại của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng không có trong thời kì kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Hoặc ý d) của câu 2 (phần II) đánh giá thí sinh ở cấp độ tư duy vận dụng, yêu cầu phải trải qua từ ba nấc thang tư duy trở lên để xâu chuỗi các kiến thức có liên quan, sau đó đưa ra lựa chọn.

 Nội dung câu 2 phần II đề tham khảo Lịch sử.

Nội dung câu 2 phần II đề tham khảo Lịch sử.

Như vậy, cả 40 câu/ý hỏi trong đề tham khảo (bao gồm 24 câu hỏi ở phần I và 4 câu hỏi chùm tương ứng 16 ý ở phần II) đều đánh giá năng lực thí sinh dựa trên ba cấp độ tư duy là biết, hiểu và vận dụng, thông qua sử dụng nhiều cách hỏi khác nhau.

Vậy nên, nếu thầy cô không hướng dẫn học sinh học tập và ôn luyện nghiêm túc theo định hướng phát triển năng lực, tư duy thì không thể có kết quả tốt.

“Có thể thấy rằng, đề tham khảo môn Lịch sử có sự thách thức đối với những thí sinh không nghiêm túc và chủ quan trong việc học tập lịch sử.

Với những thí sinh đã có kế hoạch và phương pháp học tập khoa học, dành thời gian thỏa đáng cho việc ôn luyện lịch sử để hướng tới mục tiêu xét tuyển đại học thì việc đạt điểm khá, giỏi sẽ thuận lợi hơn nhiều.

Đề thi có 16 câu hỏi đánh giá thí sinh ở mức độ nhẹ nhàng, bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình với nhiều câu hỏi nhẹ nhàng, cho điểm dễ dàng nhưng không dễ dãi. Tuy nhiên, nếu thí sinh không học cẩn thận, không biết vận dụng kiến thức lịch sử đã học và cuộc sống thì sẽ không đạt được yêu cầu.

Với những câu hỏi mang tính phân hóa cao, hướng tới mục tiêu chọn ra những thí sinh đạt điểm từ 7.5 trở lên, làm cơ sở cho các viện, đại học và trường đại học chọn lọc thí sinh để xét tuyển dù có tính thách thức nhưng không thách đố thí sinh nếu các em có nền tảng tốt.

Với đề thi này, thí sinh phải biết cách nhận diện và phân biệt từ khóa của câu hỏi để không nhầm lẫn tên gọi, thuật ngữ, đơn vị kiến thức khác.

Thứ hai cần có tư duy lịch sử, ghi nhớ tốt từng sự kiện, hiện tượng đã học ở cùng thời điểm hoặc khác giai đoạn lịch sử nhưng có mối liên hệ mật thiết để làm cơ sở cho việc đối sánh. Từ đó dễ dàng hệ thống hóa kiến thức theo vấn đề.

Để có thể đạt kết quả cao, thí sinh cần biết cách tổng hợp và xâu chuỗi lại các kiến thức theo vấn đề để đối sánh, tìm ra những điểm tương đồng/ khác biệt, những điểm mới hoặc sáng tạo.

Cuối cùng là kỹ năng loại trừ phương án nhiễu không đúng hoặc chỉ đúng một phần, sau đó ra quyết định lựa chọn đáp án đúng duy nhất.

Điểm khác biệt trong mỗi phương án gây nhiễu ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao so với cấp độ biết và hiểu là đáp án và các phương án gây nhiễu không sử dụng nguyên văn các cụm từ trong ba bộ sách giáo khoa hiện hành mà sử dụng từ ghép và dùng phương án gây nhiễu dài kết nối các đơn vị kiến thức để tăng nấc thang tư duy.

Do đó, những thí sinh có kiến thức lịch sử vững chắc, biết tổng hợp, tư duy logic giữa các giai đoạn, thời kỳ lịch sử, biết kết nối kiến thức lịch sử với bài học và cuộc sống sẽ dễ dàng chinh phục điểm cao”, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hưởng cho hay.

HIỀN MAI

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/gv-danh-gia-de-tham-khao-ngu-van-dep-hoc-tu-de-su-co-thach-nhung-khong-do-post246475.gd
Zalo