Gửi gắm kỳ vọng

Các đoàn giám sát đã ghi nhận khó khăn, đề xuất giải pháp, từ đó ngành GD, địa phương có chính sách phù hợp, hỗ trợ GD, nhà giáo tốt hơn.

Học sinh khối lớp 7, Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) với Hoạt động trải nghiệm Tham quan đài khí tượng thủy văn thuộc phân môn Địa lý. Ảnh: PV

Học sinh khối lớp 7, Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) với Hoạt động trải nghiệm Tham quan đài khí tượng thủy văn thuộc phân môn Địa lý. Ảnh: PV

Chương trình GDPT 2018 đi được nửa chặng đường. Và từ thực tế cơ sở, đoàn giám sát các địa phương xây dựng báo cáo với những thông điệp để tác động tới chính sách tầm quốc gia, để giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu.

Rượu mới, bình cũng phải mới

Cô Đỗ Thị Bích Thủy - Tổ trưởng Tổ Vật lý, Trường THPT Thái Phiên (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) - nhận xét: “Môn Vật lý lớp 10 của Chương trình GDPT 2018 có nội dung kiến thức trong mỗi bài dạy nhẹ nhàng, gần gũi với đời sống hơn so với chương trình cũ; các hoạt động dạy – học giúp phát huy được năng lực của học sinh. Chương trình GDPT 2018 cũng bắt buộc thầy và trò tổ chức thực hành nhiều hơn trước. Từ đây, nảy sinh nhiều khó khăn, bất cập do chưa được trang bị kịp thời các thiết bị, đồ dùng dạy học theo chương trình mới”.

Cô Đỗ Thị Bích Thủy lấy ví dụ: Sách giáo khoa (SGK) mới yêu cầu dùng máng ngang và viên bi để làm thí nghiệm. Thế nhưng, hiện nhà trường chỉ có máng nghiêng và cân. Giáo viên buộc phải sử dụng thiết bị cũ cho học sinh làm quen nhưng kết quả thí nghiệm không phù hợp với SGK. Theo SGK mới, tốc độ tức thời của viên bi khi đi qua 2 cổng quang điện gần bằng nhau. Thế nhưng, với bộ thí nghiệm cũ lại cho kết quả thực hành độ tức thời của quả cân khi đi qua 2 cổng quang điện chênh nhau rất nhiều.

Sĩ số học sinh/lớp quá đông khiến việc tổ chức các hoạt động nhóm gặp không ít khó khăn. Đây là thực trạng chung diễn ra ở nhiều trường học khu vực đô thị khi triển khai dạy – học với Chương trình GDPT 2018. “Bàn ghế đã kê sát cả bục giảng và tường cuối phòng học, rất khó tạo không gian đủ rộng khi tổ chức các hoạt động nhóm. Vì vậy, giáo viên chủ yếu vẫn tổ chức cho học sinh thảo luận nhóm trong cùng 1 dãy bàn”, cô Bích Thủy kể.

Ngoài rào cản về cơ sở vật chất, thiết bị để đổi mới phương pháp dạy học, cô Trần Thị Kim Vân, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), cho biết, nhà trường gặp khó khăn trong sắp xếp thời khóa biểu ở môn học Khoa học tự nhiên.

“Hiện nay, với môn Khoa học tự nhiên, nhà trường sử dụng giải pháp tình thế là bài nào có khối lượng kiến thức của phân môn nào nhiều nhất thì giáo viên được đào tạo chuyên môn giảng dạy. Dù là giải pháp tình thế nhưng lại hiệu quả vì giáo viên được dạy đúng chuyên môn, không phải vừa dạy vừa nghiên cứu, soạn giảng cho chương trình mới”, cô Vân phân tích.

Tuy nhiên, theo cô Kim Vân, về lâu dài, cách làm này không thể duy trì được vì không đúng với mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 là tích hợp để hình thành kỹ năng, giúp học sinh có thể vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết những vấn đề của cuộc sống.

“Giáo viên sẽ quá tải trong một thời điểm nhất định. Ví dụ, 9 tuần đầu các khối lớp chủ yếu học về kiến thức liên quan đến môn Hóa thì giáo viên môn này có số lượng tiết dạy vượt quá định mức, thậm chí là không đủ người để phân công. Nhưng thời gian sau đó lại trống tiết. Do đang dạy song song hai chương trình nên việc sắp xếp thời khóa biểu vẫn chưa “căng” lắm, nhưng khi thực hiện cuốn chiếu đến lớp 8 sẽ rất khó khăn”, cô Trần Thị Kim Vân nêu ví dụ.

Cô Lê Thị Tuyết Nhung - Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS Lý Thường Kiệt - nhận xét: “Học sinh lớp 7 hỏi rất nhiều kiến thức rộng và chuyên sâu liên quan đến bài học. Điều này chứng tỏ các em hiểu bài và có khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế đời sống. Tuy nhiên, điều này lại khiến cho giáo viên đứng lớp rất “hồi hộp”. Có câu hỏi của học sinh, thầy, cô giáo phải “nợ” để trả lời vào tiết sau”. Khi Chương trình GDPT mới được triển khai đến lớp 8, 9, khối lượng kiến thức chuyên sâu nhiều hơn thì giáo viên được đào tạo đơn môn không thể đảm nhiệm “3 trong 1” được.

Trong khi đó, giáo viên các môn Lý – Hóa – Sinh ở các trường THCS quận Hải Châu (Đà Nẵng) đang vừa dạy học vừa tự bồi dưỡng, nghiên cứu kiến thức của 2 phân môn còn lại trong môn Khoa học tự nhiên để đáp ứng yêu cầu dạy học.

Từ thực tế này, cô Trần Thị Kim Vân đề xuất ngành GD-ĐT các địa phương phối hợp với trường sư phạm tổ chức các lớp đào tạo sâu cho giáo viên đơn môn đủ kiến thức, năng lực để đáp ứng yêu cầu dạy học tích hợp. “Các trường đại học sư phạm đang đào tạo giáo viên cho môn Khoa học tự nhiên. Nhưng chúng tôi băn khoăn liệu có được mấy trường học trong 2 - 3 năm học tới sẽ tiếp nhận lứa giáo viên này khi chỉ tiêu biên chế của ngành Giáo dục rất hạn chế. Nếu số giáo viên này được phân về trường thì những giáo viên đơn môn Lý - Hóa - Sinh hiện nay sẽ bố trí như thế nào cho phù hợp?”.

Vì vậy, theo cô Kim Vân, không chỉ dừng ở lớp bồi dưỡng giáo viên tích hợp với khóa học ngắn hạn như hiện nay, mà phải có chương trình đào tạo đủ sâu để từ giáo viên đơn môn trở thành đa môn, đủ tự tin để làm chủ các tình huống dạy – học.

Giáo viên Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội) phát biểu trong buổi giám sát triển khai Chương trình, SGK giáo dục phổ thông của đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh: Thế Đại

Giáo viên Trường THCS Bế Văn Đàn (Đống Đa, Hà Nội) phát biểu trong buổi giám sát triển khai Chương trình, SGK giáo dục phổ thông của đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh: Thế Đại

Địa phương cùng gỡ khó

Ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam - đề xuất, các tỉnh, thành cần bố trí nguồn kinh phí để thực hiện bồi dưỡng giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý ở THCS. Theo nhận xét của ông Tường, cơ cấu giáo viên từng bộ môn ở các trường THPT hiện nay còn cứng theo chương trình cũ.

Do đó, lựa chọn môn học ở THPT cũng gặp khó khăn. Học sinh ở vùng miền núi thường tập trung vào môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Nếu đáp ứng triệt để nguyện vọng của trò thì các trường thiếu giáo viên môn Khoa học xã hội và thừa giáo viên Khoa học tự nhiên vì không có nhiều học sinh lựa chọn.

Tình trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ khi tổ chức cho học sinh THPT đăng ký tổ hợp môn lựa chọn xảy ra ở nhiều trường học. Thầy Nguyễn Quang Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), cho hay, những giáo viên dôi dư ở một số bộ môn được nhà trường phân công dạy Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp. Vì vậy, trước mỗi năm học, sở GD&ĐT cần tổ chức tập huấn cho số giáo viên này để đáp ứng yêu cầu của môn học mới trong Chương trình GDPT 2018.

Một giải pháp khác được ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, gợi ý là cần xây dựng cơ chế để điều tiết đội ngũ giáo viên giữa các trường, địa phương với nhau để khắc phục tình trạng thừa – thiếu cục bộ theo từng năm học. Nếu chỉ bó hẹp đội ngũ cứng trong từng trường sẽ rất khó vì học sinh chọn nhóm môn học lựa chọn mỗi năm mỗi khác, nên phải xây dựng cơ chế để có sự liên kết giữa các trường.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, ông Bùi Văn Kiệm, mong muốn, thành phố chỉ đạo các địa phương bố trí đủ quỹ đất dành cho GD-ĐT để đáp ứng yêu cầu chuẩn quốc gia và điều kiện xây dựng cơ sở vật chất phục vụ Chương trình GDPT 2018.

Khi thực hiện chương trình mới, nhiều trường học ở Hải Phòng thiếu rất nhiều phòng bộ môn, phòng chức năng và các công trình phụ trợ. Vì vậy, lãnh đạo ngành GD-ĐT Hải Phòng kiến nghị thành phố chỉ đạo ngành tài chính và UBND quận/huyện bố trí ngân sách đầu tư công để xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường; bố trí ngân sách hàng năm để mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu theo thông tư của Bộ GD&ĐT.

Ông Bùi Văn Kiệm đồng thời đề xuất UBND TP Hải Phòng chỉ đạo Trường Đại học Hải Phòng tăng cường đào tạo sư phạm để có nguồn tuyển dụng giáo viên đáp ứng cho Chương trình GDPT 2018, đặc biệt với môn học mới, môn tích hợp. Bởi với cấp tiểu học và THCS trên địa bàn phụ thuộc phần lớn vào nguồn đào tạo của Trường Đại học Hải Phòng. Nhiều quận, huyện có chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên nhưng hồ sơ ứng tuyển rất ít, đặc biệt là các trường thuộc khu vực ngoại thành, trường học hải đảo.

Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, ông Kiệm mong thành phố nghiên cứu tháo gỡ cơ chế đặt hàng đào tạo. Bởi Nghị định 116 của Chính phủ cho phép đào tạo giáo viên theo cơ chế đặt hàng bằng nguồn ngân sách Nhà nước nhưng đầu ra lại vướng các quy định tại Nghị định số 115 ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. “Sinh viên được đào tạo theo Nghị định 116 sau khi ra trường phải có cơ chế đặc thù của thành phố để tuyển dụng họ”, ông Kiệm nhấn mạnh.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Khắc phục khó khăn về điều kiện thực hiện

Là người trong cuộc, cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Lương Tài (Lương Tài, Bắc Ninh), đại biểu Quốc hội khóa XV, đánh giá cao Chương trình GDPT 2018 mang lại những đổi mới tích cực cho giáo dục. Tuy nhiên, chương trình vẫn tồn tại một số hạn chế về chuẩn bị điều kiện thực hiện, trong đó có cơ sở vật chất, tài liệu giáo dục, nguồn nhân lực.

Hy vọng thời gian tới, những khó khăn, tồn tại trong thực hiện đổi mới chương trình GDPT sẽ được khắc phục, cô Nguyễn Thị Hà cho rằng, giải pháp căn cơ trước hết chính là tăng cường tuyên truyền sâu rộng về triển khai Chương trình GDPT 2018 tới mọi tầng lớp nhân dân, để toàn xã hội hiểu, chia sẻ và đồng hành với Bộ GD&ĐT trong quá trình đổi mới. Khi xã hội hiểu đúng, có cái nhìn toàn diện về Chương trình GDPT mới và chia sẻ khó khăn trong quá trình triển khai, những vướng mắc mới nhanh được tháo gỡ.

Về phía ngành Giáo dục, Bộ GD&ĐT cần tham mưu với Chính phủ, Quốc hội trong hoàn thiện thể chế, chính sách để phát triển chương trình GDPT; rà soát điều kiện bảo đảm chất lượng, về cơ sở vật chất và tài chính dành cho giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Cùng với đó, kiên trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, tham mưu, đề xuất bổ sung biên chế để khắc phục việc thiếu giáo viên cục bộ, đặc biệt đối với giáo viên giảng dạy môn học mới như Mỹ thuật, Âm nhạc, môn tích hợp. Đồng thời, công tác tập huấn đội ngũ thực hiện chương trình với môn học và hoạt động giáo dục mới cần được tăng cường hơn nữa.

Tham gia đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị giám sát thực hiện chương trình, SGK GDPT, đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh, Phó ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, nhận thấy, cho tới thời điểm này, Chương trình GDPT 2018 đã trải qua lúng túng, bỡ ngỡ ban đầu và dần đi vào nền nếp. Bước đầu, chương trình cho thấy tác động tích cực.

Tuy nhiên, khó khăn khi triển khai ở Quảng Trị và có lẽ cũng là điểm chung tại nhiều địa phương trên cả nước là điều kiện thực hiện: Thừa thiếu giáo viên cục bộ, trong đó thiếu giáo viên các môn học mới (Tin học, Tiếng Anh ở tiểu học; Khoa học tự nhiên ở THCS; Âm nhạc, Mỹ thuật ở THPT…); cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu thốn.

Đợt giám sát lần này là cơ hội để nhìn nhận đầy đủ, chi tiết những thuận lợi cũng như khó khăn, bất cập trong triển khai chương trình mới. Từ đó, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để phát huy điểm tích cực, khắc phục hạn chế, khó khăn nhằm triển khai tốt hơn trong thời gian tiếp theo.

Nhấn mạnh lại quan điểm “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, bà Hồ Thị Minh cho rằng, điều quan trọng là cần có chính sách để tạo động lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên yên tâm công tác. Do đó, xây dựng Luật Nhà giáo là vô cùng cần thiết. Đưa kiến nghị cụ thể, theo bà Hồ Thị Minh, Quốc hội cần ưu tiên phân bổ ngân sách và giám sát việc thực hiện ngân sách cho giáo dục.

Chính phủ tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của các bộ ngành, địa phương về đổi mới Chương trình, SGK GDPT và vai trò của nhà giáo. Chỉ đạo, ban hành đầy đủ, kịp thời các nghị định, văn bản hướng dẫn liên quan đến thực hiện Luật Giáo dục 2019 và Nghị quyết 88. Tiếp tục chỉ đạo, báo cáo việc thực hiện Đề án đổi mới Chương trình, SGK GDPT. Bố trí các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ địa phương khó khăn.

Bộ GD&ĐT cần phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên phù hợp với đặc thù của ngành Giáo dục. UBND cấp tỉnh thực hiện đúng thẩm quyền, trách nhiệm trong lựa chọn SGK; tổ chức biên soạn, thẩm định Tài liệu giáo dục địa phương. Đồng thời, chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện triển khai Chương trình GDPT 2018 (cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, thiết bị dạy học)…

Quan điểm của đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị là giám sát không phải để đánh giá thành tích mà cùng ngành Giáo dục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Do đó, mong muốn ngành có cái nhìn thẳng thắn, cả ưu điểm và hạn chế. Ưu điểm thì cùng phát huy; hạn chế, đặc biệt là vướng mắc ở đa số địa phương cùng lên tiếng thì Chính phủ, Bộ GD&ĐT cần có hướng chỉ đạo khắc phục, sửa đổi. - Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh

Hải Bình - Nguyên Hà - Linh An

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gui-gam-ky-vong-post629559.html
Zalo