Gucci đang đứng trước bước ngoặt lịch sử

Sự ra đi đột ngột của giám đốc sáng tạo Sabato De Sarno làm dấy lên câu hỏi về việc ai sẽ thay thế ông và phải mất bao lâu để đưa Gucci, trụ cột của Kering, trở lại đỉnh cao.

 Gucci hiện chiếm khoảng một nửa doanh thu và 2/3 lợi nhuận của tập đoàn Kering. Ảnh: Charles Platiau/Reuters.

Gucci hiện chiếm khoảng một nửa doanh thu và 2/3 lợi nhuận của tập đoàn Kering. Ảnh: Charles Platiau/Reuters.

Gucci đang bước vào giai đoạn chuyển giao quan trọng khi Sabato De Sarno bất ngờ rời khỏi vị trí Giám đốc Sáng tạo chỉ sau 2 năm tiếp quản thương hiệu.

Thông báo được đưa ra vào ngày 6/2, ngay trước thời điểm Kering, tập đoàn sở hữu Gucci, công bố kết quả kinh doanh năm. Với doanh thu giảm 26% trong quý III/2023 so với cùng kỳ năm trước, thương hiệu tiếp tục lâm vào tình trạng suy giảm kéo dài.

Sự ra đi của De Sarno có hiệu lực ngay lập tức. Những thiết kế của ông sẽ không xuất hiện tại Tuần lễ Thời trang Milan vào cuối tháng này. Thay vào đó, nhà mốt cho biết bộ sưu tập trình diễn vào ngày 25/2 sẽ được thực hiện bởi đội ngũ thiết kế nội bộ, theo Business of Fashion.

Bước ngoặt được báo trước

Dù bất ngờ, việc De Sarno rời ghế không gây ngạc nhiên với giới chuyên môn. Khi được bổ nhiệm, nhà thiết kế gốc Naples được kỳ vọng sẽ đưa Gucci trở lại với phong cách cổ điển và ổn định hơn, đối lập hoàn toàn với thẩm mỹ của giám đốc cũ là Alessandro Michele.

Dưới thời Michele, thương hiệu thời trang mang đậm tinh thần đường phố, mang tính cách táo bạo. Chiến lược này từng giúp thương hiệu bùng nổ doanh số, nhưng đến một thời điểm, thị trường không còn duy trì sức mua mạnh mẽ như trước.

 Sự ra đi của De Sarno đánh dấu giai đoạn cải tổ mạnh mẽ tại Gucci. Ảnh: Claudia Greco/Reuters.

Sự ra đi của De Sarno đánh dấu giai đoạn cải tổ mạnh mẽ tại Gucci. Ảnh: Claudia Greco/Reuters.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu xa xỉ toàn cầu suy giảm hậu đại dịch, phong cách tiết chế của De Sarno không đủ sức tạo nên hiệu ứng bùng nổ như thời Michele hay Tom Ford, người từng đưa Gucci lên đỉnh cao vào thập niên 1990.

“Điều này đã được báo trước. Suốt 30 năm, thương hiệu này luôn gắn với hình ảnh mạnh mẽ, táo bạo. Phong cách trầm lặng của De Sarno không phù hợp với di sản đó”, nhà phân tích Luca Solca của công ty phân tích thị trường Bernstein nhận định.

Bên cạnh chiến lược sáng tạo, hãng thời trang còn đối mặt với những vấn đề trong chuỗi cung ứng. Việc vận chuyển hàng hóa chậm trễ khiến các thiết kế của De Sarno mãi mới có mặt tại cửa hàng, làm giảm cơ hội tiếp cận khách hàng.

Ai là người chèo lái Gucci?

Sự ra đi của De Sarno đánh dấu giai đoạn cải tổ mạnh mẽ tại Gucci. Từ tháng 10/2023, Stefano Cantino đảm nhiệm vai trò CEO và nhanh chóng thay đổi chiến lược tiếp thị, truyền thông. Để lấy lại vị thế, thương hiệu cần một Giám đốc Sáng tạo đủ sức tạo ra cú hích lớn.

Theo Business of Fashion, Hedi Slimane, cựu Giám đốc Sáng tạo của Celine, là ứng viên hàng đầu với phong cách sắc sảo, mang lại hiệu ứng thương mại mạnh. Tuy nhiên, mâu thuẫn với Kering năm 2016 có thể là trở ngại lớn. Kim Jones, người vừa rời Dior Homme, cũng là một nhân vật đáng cân nhắc, nhưng kinh nghiệm thiết kế thời trang nữ của ông vẫn còn hạn chế.

Maria Grazia Chiuri (Dior) có thể trở về Italy dẫn dắt Gucci nếu rời nhà mốt Pháp, nhưng sức hút sáng tạo của bà với thương hiệu này còn là dấu hỏi. Trong khi đó, Jonathan Anderson, người hồi sinh Loewe, lại có khả năng cao sẽ chuyển sang Dior, khiến cơ hội đến với Gucci trở nên mong manh.

 Hedi Slimane, cựu Giám đốc Sáng tạo của Celine, là ứng viên hàng đầu được kỳ vọng sẽ dẫn dắt Gucci đỉnh cao trở lại. Ảnh: Sarah Meyssonnier/Reuters.

Hedi Slimane, cựu Giám đốc Sáng tạo của Celine, là ứng viên hàng đầu được kỳ vọng sẽ dẫn dắt Gucci đỉnh cao trở lại. Ảnh: Sarah Meyssonnier/Reuters.

Không phóng đại khi nói rằng hãng thời trang hàng đầu đang đứng trước một trong những bước ngoặt quan trọng nhất trong lịch sử thương hiệu, và không chỉ riêng Gucci, mà cả Kering cũng bị ảnh hưởng.

"Con cưng" của Kering hiện chiếm khoảng một nửa doanh thu và 2/3 lợi nhuận của tập đoàn. Trong suốt 5 năm qua, sự suy yếu của thương hiệu đã kéo giá cổ phiếu và định giá của tập đoàn đi xuống.

Tuy nhiên, thị trường có vẻ đang đón nhận sự thay đổi này một cách tích cực. Sau thông tin De Sarno rời đi, cổ phiếu Kering đã tăng 3% trong phiên giao dịch ngày 6/2. Nhưng để khôi phục niềm tin của nhà đầu tư, tập đoàn cần chứng tỏ những bước tiến mạnh mẽ cả về mặt sáng tạo lẫn vận hành.

"Tôi không kỳ vọng kết quả kinh doanh sắp tới của Kering sẽ mang lại lý do để ăn mừng, vì cuộc hồi sinh Gucci vẫn đang trong quá trình thực hiện", Luca Solca nói. Chuyên gia phân tích mong chờ Kering sẽ công bố một cái tên lớn để thay thế De Sarno, đồng thời không chắc tập đoàn đã sẵn sàng với show diễn thời trang sắp tới chưa.

Như Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/gucci-dang-dung-truoc-buoc-ngoat-lich-su-post1530302.html
Zalo