GS.TS Trần Xuân Bách nhận Giải thưởng Lãnh đạo Đổi mới Y tế Toàn cầu 2025
Giảng viên Trường Đại học Y - Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) - GS.TS Trần Xuân Bách vừa nhận Giải thưởng Lãnh đạo Đổi mới Y tế Toàn cầu 2025.
Giải thưởng Lãnh đạo Đổi mới Y tế Toàn cầu là giải thưởng của Hiệp hội các Đại học Sức khỏe Toàn cầu. Giải thưởng nhằm tôn vinh những nhà khoa học có đóng góp xuất sắc trong việc phát triển và triển khai các sáng kiến đổi mới mang lại tác động tích cực đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt tại các quốc gia có thu nhập thấp.
Năm nay - tại Hội nghị thường niên lần thứ 16 năm nay được tổ chức tại TP Atlanta (Hoa Kỳ) trong các ngày 20-23/2, GS.TS Trần Xuân Bách (Giảng viên Trường Đại học Y - Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã vinh dự nhận Giải thưởng Lãnh đạo Đổi mới Y tế Toàn cầu 2025.

Thông tin về cá nhân GS.TS Trần Xuân Bách tại hội nghị (Ảnh: NVCC).
Giải thưởng này của năm nay được Hiệp hội các Đại học Sức khỏe Toàn cầu trao cho GS.TS Trần Xuân Bách nhằm ghi nhận những đóng góp quan trọng của ông trong lĩnh vực đổi mới y tế, bao gồm nghiên cứu về kinh tế y tế, hệ thống y tế và các công nghệ y tế số nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhóm dễ bị tổn thương.
GS.TS Trần Xuân Bách cũng là người tiên phong trong việc tích hợp các mô hình y tế có tính chi phí-hiệu quả cao nhằm tối ưu hóa hệ thống y tế, nâng cao năng lực ứng phó với các thách thức về sức khỏe toàn cầu và phòng chống đại dịch tại các quốc gia đang phát triển.
Việc GS.TS Trần Xuân Bách nhận được giải thưởng này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp khoa học của ông, đồng thời khẳng định vị thế của các nhà khoa học Việt Nam trên trường quốc tế.
Trước đó, GS.TS Bách cũng đã được Hiệp hội lớn nhất thế giới về đánh giá kinh tế y tế ISPOR trao Giải thưởng Nghiên cứu xuất sắc năm 2023.
Trong những năm qua, Giải thưởng Lãnh đạo Đổi mới Y tế Toàn cầu đã liên tục được trao cho các giáo sư xuất sắc từ các trường đại học hàng đầu tại Hoa Kỳ, ghi nhận những đóng góp quan trọng của họ trong việc giải quyết các thách thức y tế toàn cầu.

GS.TS Trần Xuân Bách, giảng viên Trường Đại học Y - Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận Giải thưởng Lãnh đạo Đổi mới Y tế Toàn cầu 2025. (Ảnh: NVCC).
Năm 2024, giải thưởng vinh danh GS. Quentin Eichbaum, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục, Hiệp hội Bệnh học Lâm sàng Hoa Kỳ kiêm Giám đốc Trung tâm Y học Truyền máu của Đại học Vanderbilt, và GS. Rajiv Chowdhury, Trưởng Khoa Sức khỏe Toàn cầu, Đại học Florida, vì những nỗ lực suốt 20 năm trong việc lãnh đạo và phát triển các chương trình giảng dạy về sức khỏe toàn cầu tại nhiều cơ sở đào tạo y khoa hàng đầu thế giới.
Trước đó, vào năm 2023, giải thưởng được trao cho GS. Brittany Seymour, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nha khoa Harvard, nhằm ghi nhận những đóng góp quan trọng của bà trong lĩnh vực sức khỏe răng miệng toàn cầu và việc vận động đưa sức khỏe răng miệng vào chương trình nghị sự y tế toàn cầu suốt nhiều năm.
Năm 2022, GS. Karin B. Ulstrup, Đại học Northwestern, Hoa Kỳ, được vinh danh nhờ những sáng kiến về sức khỏe phụ nữ và y học hành vi.
Năm 2021, GS. Carolyn Audet, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chất lượng Lâm sàng của Đại học Vanderbilt, đã được trao giải thưởng này nhờ những nghiên cứu tiên phong về khoa học triển khai trong y tế toàn cầu.

GS.TS Trần Xuân Bách, giảng viên Trường Đại học Y - Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: NVCC).
Việc vinh danh các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực không chỉ khẳng định tầm quan trọng của đổi mới trong y tế mà còn thúc đẩy sự phát triển của các giải pháp bền vững nhằm nâng cao sức khỏe cho các cộng đồng dễ bị tổn thương trên thế giới
Hiệp hội Các Đại học Sức khỏe Toàn cầu (The Consortium of Universities for Global Health – CUGH) là một tổ chức có trụ sở tại Washington, DC, quy tụ gần 200 trường đại học và tổ chức giáo dục trên toàn thế giới cùng hợp tác nhằm giải quyết các thách thức về y tế toàn cầu.
Được thành lập cách đây 35 năm với tên gọi ban đầu là Hiệp hội Giáo dục Sức khỏe Toàn cầu, CUGH đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một mạng lưới kết nối các trường đại học, tổ chức nghiên cứu và đối tác quốc tế nhằm thúc đẩy sự đổi mới và hợp tác trong lĩnh vực sức khỏe toàn cầu, cùng với sự tham gia của các Đại học hàng đầu thế giới như Đại học Harvard, Johns Hopkins, Stanford, Yale, Cornel, Duke, Columbia, Viện Karolinska, Đại học London...