GS.TS Nguyễn Khắc Thuần: Văn hóa ngày tết của tổ tiên ta rất tinh tế
Trong thời đại công nghệ số, có ý kiến lo lắng tết Việt đang dần phai nhạt. Trò chuyện với GS.TS Nguyễn Khắc Thuần, người dành cả đời nghiên cứu lịch sử văn hóa, với 328 đầu sách đã xuất bản và nhiều khảo cứu, trước tác, ông lại khá lạc quan và tin rằng, những kết tinh trong văn hóa tết cổ truyền của tổ tiên ta rất tinh tế, được giữ gìn, lan tỏa theo một cách thức phù hợp.
* Thưa giáo sư, tết Việt có những phong tục cơ bản nào, ông có thể chia sẻ rõ hơn về ý nghĩa của những phong tục này?
- Trước tiên cho tôi gửi lời chúc xuân, chúc mừng năm mới an khang, thịnh vượng đến quý độc giả Báo Phú Yên và những người dân Phú Yên chân tình mến khách!
Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy có nhiều thuần phong mỹ tục trong ngày tết truyền thống, nhưng tựu trung lại có những phong tục cơ bản sau:
Ngày tết, người Việt thường đi chùa lễ Phật đầu năm, cầu mong năm mới thuận buồm xuôi gió, nhiều may mắn, thành công, con cái học hành tinh tấn…
Trong ngày nguyên đán (mùng một), người Việt có tục hái lộc, không phải hái trong vườn nhà mà phải ở những nơi linh thiêng của cộng đồng như đình, đền, chùa, miếu mạo. Nhận được lộc biếc đầu năm, người ta có niềm tin cả năm may mắn. Sức mạnh tinh thần ấy có giá trị rất lớn. Đúng phong tục thì hái lộc nhẹ nhàng vừa đủ, chọn những cây nhiều cành, nhiều lộc, ngắt đi một lộc non, lộc lại sinh lộc.
Một phong tục rất hay trong ngày tết là lì xì cho trẻ con. Phong tục này hay ở chỗ muốn hiểu một con người trước hết cứ nhìn vào cách sử dụng đồng tiền của họ. Đối với con người, tiền tài và chức quyền là hai tham vọng lớn nhất. Con nít thì chưa biết đến chức quyền, nhưng tiền thì các cháu biết. Có nhiều cháu cầm bao lì xì lập tức chạy ra ngõ mua cái gì đó để ăn, để chơi. Có trẻ mở bao lì xì đếm xem tết này mình được bao nhiêu tiền. Cũng có những cháu cầm phong bao lì xì chạy tới đưa ba má cất giùm, chẳng quan tâm có bao nhiêu. Lại có những cháu cầm phong bao lì xì, rồi lại lì xì lại cho các em nhỏ hơn… Nhìn thái độ con trẻ trước đồng tiền có thể hiểu được tính cách, cha mẹ theo đó mà uốn nắn, dạy bảo.
Chúc tết đầu năm cũng là phong tục không thể thiếu. Trong nhà, con cháu chúc tết ông bà, cha mẹ và nhận được lì xì, mừng tuổi; sau đó là chúc tết các bậc trưởng thượng, chức sắc trong làng, hàng xóm. Ngoài ra còn nhiều phong tục hay khác trong ngày tết của người Việt.
* Nói đến ngày tết là nói đến văn hóa ẩm thực, ông có thể cho biết về những món ăn truyền thống trong ngày tết của người Việt?
- Người Việt ăn tết là phải có bánh chưng, bánh tét. Nhiều người nhầm tưởng bánh tét xuất hiện sau, hay bánh tét thì ở miền Nam, còn bánh chưng ở miền Bắc. Điều này chưa chính xác, theo các tài liệu nghiên cứu của tôi thì bánh tét xuất hiện trước bánh chưng. Nhưng vấn đề bánh chưng hay bánh tét chỉ là hình thức, quan trọng ở chỗ nguyên liệu của nó vẫn là gạo nếp. Chúng ta cần hiểu một cách ngọn nguồn về đặc trưng của người Việt rằng, từ xa xưa, khởi thủy, tổ tiên ta ăn gạo nếp chứ không phải gạo tẻ. Vì vậy khi nhớ đến tổ tiên là nhớ đến những người ăn gạo nếp.
Tết đến, người ta làm những món ăn đặc biệt, khác ngày thường. Ở miền Bắc, ngày tết phải có nồi thịt đông, miền Nam thì có nồi thịt kho tàu. Miền nào cũng có dưa hành củ kiệu (dưa món). Đây là những món có thể để ăn lâu ngày (ít nhất là trong 3 ngày tết). Tổ tiên ta không nói nhiều về giải phóng phụ nữ, về bình đẳng giới, nhưng qua hành động ăn uống trong ngày tết đã cho thấy rất sinh động điều này. Tết phụ nữ không phải vào bếp, ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu, đó chính là giải phóng phụ nữ.
Hay phong tục chiều 30 tết người ta kiêng không quét tước, dọn dẹp nhà cửa, cho đến mùng hai tết. Có người cho tục lệ kiêng cữ này là mê tín. Bản chất nó không phải vậy. Ai là người quét nhà? Chính là các bà, các mẹ, phụ nữ làm công việc này. Và khi không quét nhà thì tất nhiên mọi người phải giữ vệ sinh chung.
Những việc kiêng kỵ cần mang màu sắc tâm linh, ngỡ như là mê tín nhưng kỳ thực là rất khoa học và chiều sâu ý nghĩa, nhằm giúp mọi người có ý thức chấp hành một cách tự nguyện, nghiêm cẩn. Ông bà ta tinh tế là vậy, chứ đừng vội phán xét.
* Có ý kiến cho rằng, thời công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), những phong tục, văn hóa truyền thống ngày tết nhạt dần trong giới trẻ?
- Tôi không nghĩ như vậy. Đó là một sự phán xét vội vàng.
Tôi đi nhiều nơi, gặp nhiều người trẻ, họ luôn có ý thức giữ gìn văn hóa Việt. Tết đến, các bạn trẻ đi làm, đi học xa đều cố gắng trở về nhà. Các gia đình trẻ ở nước ngoài, không có điều kiện gói bánh chưng, bánh tét, nhưng trên bàn thờ, trong mâm cúng ngày tết luôn có các loại bánh này. Đó chính là hướng về cội nguồn, dù anh đang làm gì, ở đâu.
Tết của người Việt ý nghĩa quan trọng nhất là đoàn tụ. Trong sâu thẳm tâm hồn người Việt thì tết là dịp để quay về với gia đình với ông bà, cha mẹ, anh em và đấng thiêng liêng tiên tổ.
Điều nên nhận thức rõ là quay về ở đây không có nghĩa là có mặt ngay tại không gian gia đình. Trong điều kiện mới sẽ có thể hiện diện bằng nhiều hình thức khác nhau: thư chúc mừng, lời chúc tết, video call; kể cả việc lì xì, mừng tuổi đầu năm cũng có thể trực tuyến… Như vậy, biểu hiện của sự quay về là rất rõ.
Văn hóa ngày tết của tổ tiên ta rất ý nghĩa và tinh tế. Tôi tin, và thực tế cũng đã chứng minh như vậy, sẽ vẫn tồn tại trong tâm thức mỗi người Việt, chỉ là mỗi thời kỳ xã hội sẽ có những tiếp biến, thay đổi cho phù hợp mà thôi.