GS.TS Nguyễn Huy Bích và hành trình 39 năm gắn bó với ngành Kỹ thuật cơ khí

Là một nhà nghiên cứu, một người thầy, GS.TS Nguyễn Huy Bích luôn mong muốn không chỉ truyền kiến thức mà còn truyền lửa đam mê ngành cơ khí đến thế hệ trẻ.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Cơ khí Nông nghiệp Việt Nam, Giảng viên cao cấp Khoa Cơ khí Công nghệ, Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh là một trong 135 nhà khoa học được công nhận danh hiệu Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024.

 Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Cơ khí Nông nghiệp Việt Nam, Giảng viên cao cấp Khoa Cơ khí Công nghệ, Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Cơ khí Nông nghiệp Việt Nam, Giảng viên cao cấp Khoa Cơ khí Công nghệ, Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Huy Bích cho biết, danh hiệu này là nguồn động viên và khích lệ tinh thần lớn cho thầy trong quá trình làm việc hơn 39 năm qua. Đồng thời đây cũng là động lực để thầy tiếp tục nỗ lực cống hiến hơn nữa trên con đường nghiên cứu và giảng dạy.

39 năm gắn bó với nghề giáo và ngành Kỹ thuật cơ khí

Trước khi được trao tặng danh hiệu “Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu”, năm 2021, Giáo sư Nguyễn Huy Bích đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

“Tôi được sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống dạy học. Sau này, trong quá trình học tập, tôi nhận thấy nghề giáo rất đáng trân trọng và kính mến. Đồng thời tôi cũng nghiệm ra rằng cuộc đời mỗi con người được thành công và phát triển là nhờ kết quả công lao giáo dục giảng dạy của rất nhiều thế hệ thầy cô. Nghề giáo cứ như thế đã ăn sâu trong tâm trí tôi là một nghề cao quý. Bản thân tôi quyết tâm sẽ trở thành nhà giáo để giúp các thế hệ trẻ phát triển và thành công trong cuộc sống”, thầy Bích chia sẻ.

Hiện tại, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Bích đã có hơn 39 năm gắn bó với nghề giáo, với ngành Kỹ thuật cơ khí, Khoa Cơ khí - Công nghệ, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là nơi thầy đã theo học và hiện tại là giảng viên cao cấp. Thầy Bích cho rằng nghề giáo mang lại hạnh phúc cho nhiều người và giúp cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

“Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh là nơi nuôi dưỡng và vun đắp nên thành công của bản thân tôi. Đây là nơi tôi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, được tạo những điều kiện tốt nhất để phát triển nghề nghiệp giảng dạy của mình. Tôi nguyện với lòng mình rằng sẽ gắn bó với nghề giáo đến khi không thể làm việc vì tuổi tác như quy định”, thầy Bích cho biết thêm.

Giáo sư Nguyễn Huy Bích cho rằng cuộc đời làm khoa học và giảng dạy của thầy là một cuộc hành trình với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

“Kỷ niệm khó quên và mãi là một dấu ấn trong cuộc đời nghiên cứu của tôi đó là thời gian làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở nước ngoài. Tôi rất vui và hạnh phúc khi thành công tìm được kết quả nghiên cứu.

Nếu nói tâm đắc nhất, ấn tượng nhất thì có lẽ đó là thời điểm tôi được công bố kết quả nghiên cứu có tính đột phá: Công trình nghiên cứu đã tìm ra được cơ chế di chuyển của vi giọt chất lỏng dưới hiệu ứng mao dẫn nhiệt được công bố trên một trong những tạp chí hàng đầu thế giới về Vật lý lưu chất (Physics of Fluids) do Viện Vật lý Hoa Kỳ (AIP) xuất bản năm 2010. Đến nay, đã có hơn 60 công trình liên quan về vấn đề này”, Giáo sư Nguyễn Huy Bích chia sẻ niềm tự hào.

Dù ở cương vị nào, thầy Bích luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất công việc của mình. Thầy thường xuyên đổi mới về phương pháp, cập nhật về nội dung giảng dạy và đặc biệt chú trọng phát triển khả năng tư duy độc lập, cũng như rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm cho sinh viên. Với vai trò là nhà nghiên cứu khoa học, Giáo sư Nguyễn Huy Bích tham gia nhiều Hội đồng phản biện các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế, tổ chức nhiều hội nghị khoa học quốc tế trong và ngoài nước. Với cương vị là người thầy, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Huy Bích đã hướng dẫn, giới thiệu và giúp đỡ nhiều học trò thành công trên con đường theo đuổi niềm đam mê với cơ khí.

Thành công sẽ đến khi làm việc bằng đam mê và kiên trì

Đến nay, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Bích đã công bố nhiều công trình khoa học, tham gia xuất bản các giáo trình, tài liệu theo các hướng: Kỹ thuật Nhiệt và năng lượng tái tạo: Hiệu ứng mao dẫn nhiệt; truyền nhiệt, truyền chất ở cấp vi mô; Máy và thiết bị trao đổi; Kỹ thuật Năng lượng tái tạo; Máy và thiết bị cơ giới và chế biến trong nông nghiệp; Mô phỏng trong kỹ thuật;…

 Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Bích tại Lễ tôn vinh Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2024. (Ảnh: NVCC)

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Bích tại Lễ tôn vinh Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2024. (Ảnh: NVCC)

Nhiều năm làm nghiên cứu khoa học, thầy Bích cho rằng nếu tri thức chỉ dừng lại trong sách vở, thì đó là một sự khiếm khuyết. Tri thức sẽ có giá trị khi ứng dụng giải quyết được những vấn đề trong đời sống gắn với chuyên môn người học được đào tạo. Để tháo gỡ những vấn đề của thực tiễn sản xuất, Giáo sư Nguyễn Huy Bích đã thực hiện 11 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ các cấp, trong đó có 2 dự án quốc tế với Asean và cộng đồng châu Âu; 8 đề tài cấp bộ và cấp tỉnh, 1 đề tài cấp trường.

 Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Bích chụp cùng Giáo sư Beloev - Hiệu trưởng Đại học Ruse Bulgaria (Bulgaria). (Ảnh: NVCC)

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Bích chụp cùng Giáo sư Beloev - Hiệu trưởng Đại học Ruse Bulgaria (Bulgaria). (Ảnh: NVCC)

Thầy Bích chia sẻ, niềm hạnh phúc của người làm khoa học đó là khi các kết quả nghiên cứu được triển khai và mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Niềm hạnh phúc đó là động lực thôi thúc nhà nghiên cứu khoa học Nguyễn Huy Bích tiếp tục phát triển các dự định trong tương lai.

“Tôi luôn mong muốn tập trung xây dựng nhóm nghiên cứu về công nghệ tính toán mô phỏng kỹ thuật, nhằm góp phần giúp tiết kiệm thời gian và chi phí nghiên cứu phát triển các vấn đề của kỹ thuật cơ khí. Đặc biệt là phát triển vật liệu bán dẫn làm nền cho sản xuất chip và các thiết bị năng lượng khác. Phát triển thiết bị vi lưu ứng dụng trong sinh học và y tế; nghiên cứu ứng dụng và phát triển các thiết bị máy móc trong sản xuất nông nghiệp và chế biến sau thu hoạch; phát triển nguồn năng lượng tái tạo thay thế nhiên liệu hóa thạch. Đây sẽ là những định hướng và kỳ vọng được phát triển ở Việt Nam”, thầy Bích cho biết.

Giảng viên cao cấp Khoa Cơ khí Công nghệ, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh cũng còn nhiều băn khoăn khi hiện tại, thủ tục thanh quyết toán tài chính, thủ tục hành chính phải thực hiện theo quy định hiện hành làm cản trở khá lớn các nhà nghiên cứu. Theo thầy Bích cần có cơ chế nghiệm thu và đánh giá theo kết quả cuối cùng khi thực hiện nghiên cứu khoa học. Điều này sẽ giúp công việc nghiên cứu tại các trường đại học được thuận lợi. Từ đó giảng viên sẽ thoải mái, tập trung toàn tâm toàn ý cho nghiên cứu.

Giáo sư Nguyễn Huy Bích nhấn mạnh, việc triển khai công tác nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tế là một công việc không dễ dàng và đôi lúc dễ nản lòng trong quá trình nghiên cứu. Thành công chỉ đến với mỗi người khi họ làm việc bằng đam mê và kiên trì thực hiện ước mơ đến cùng.

 Nhà giáo ưu tú Nguyễn Huy Bích điều hành hội nghị Khoa học tại Đại học Jeju Korea (Hàn Quốc). (Ảnh: NVCC)

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Huy Bích điều hành hội nghị Khoa học tại Đại học Jeju Korea (Hàn Quốc). (Ảnh: NVCC)

Là một nhà nghiên cứu, đồng thời cũng là một người thầy đứng trên bục giảng, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Huy Bích luôn mong muốn không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn truyền lửa đam mê với ngành cơ khí đến thế hệ trẻ.

“Nghiêm túc với công việc, với bản thân là yêu cầu cần có của việc phát triển sự nghiệp nói chung và học tập làm việc ở ngành Cơ khí nói riêng. Các bạn hãy cố gắng kiên định và tạo cho bản thân tính tự lập, vươn lên trong sự nghiệp”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Bích nhắn nhủ tới các bạn trẻ.

Hà Giang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/gsts-nguyen-huy-bich-va-hanh-trinh-39-nam-gan-bo-voi-nganh-ky-thuat-co-khi-post245702.gd
Zalo