GS, PGS ở nước ngoài nhưng về nước vẫn phải xét qua 3 hội đồng gây lãng phí

Nên áp dụng cơ chế công nhận tương đương, hoặc ghi nhận danh vị học thuật, đánh giá hiệu quả thực tế giảng dạy, nghiên cứu để thu hút GS, PGS quốc tế, Việt kiều.

.t1 { text-align: justify; }

Đối với cơ sở giáo dục đại học, việc xây dựng đội ngũ giảng viên chức danh giáo sư, phó giáo sư luôn được đặc biệt chú trọng. Tuy nhiên, quá trình xây dựng đội ngũ này lại đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc từ bản thân ứng viên (về năng lực học thuật, công trình nghiên cứu, giảng dạy,..) cho đến cơ sở giáo dục (về môi trường, cơ chế hỗ trợ, định hướng phát triển,...).

Bên cạnh những điểm tích cực, sau một thời gian triển khai, Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg Quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư cũng bộc lộ một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn. Do đó, việc sửa đổi hoặc thay thế quyết định này trong bối cảnh hiện nay là cần thiết.

Đặc biệt, nếu muốn thu hút đội ngũ giáo sư, phó giáo sư người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài về nước, thì tiêu chuẩn xét duyệt, quy trình bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư cần mang tinh thần hội nhập quốc tế, phản ánh đúng giá trị học thuật thay vì thiên về hình thức, thủ tục hành chính.

Cần bổ sung tiêu chuẩn về đạo đức học thuật trong hồ sơ ứng viên

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoằng Bá Huyền - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức, hiện là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa chia sẻ, việc triển khai thực hiện Quyết định số 37 mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ ứng viên đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư. Điều này được thể hiện qua 2 yêu cầu nổi bật của Quyết định đó là quy định về tiêu chuẩn công bố bài báo khoa học quốc tế và yêu cầu về trình độ ngoại ngữ.

Tuy nhiên, quy định liên quan đến ngoại ngữ, số lượng bài báo khoa học, bằng độc quyền sáng chế, sách chuyên khảo, số giờ giảng,... tại Quyết định số 37 cũng đã và đang làm nảy sinh một số bất cập.

Theo thầy Huyền, thực tiễn triển khai Quyết định số 37 đã đặt ra một số vấn đề liên quan đến liêm chính học thuật. Ví dụ như, để đáp ứng yêu cầu về số lượng bài báo, nhất là bài báo quốc tế đã dẫn đến hiện tượng có ứng viên “sản xuất” bài hàng loạt vào thời điểm cuối, sát thời gian nộp hồ sơ xét duyệt; công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí kém chất lượng, thiếu phản biện học thuật; hay có tác giả đứng tên bài báo khoa học nhưng thực tế không tham gia nghiên cứu, thậm chí là còn có hiện tượng mua - bán bài báo như truyền thông đưa tin thời gian qua.

Ngoài ra, để đáp ứng được yêu cầu về số lượng giờ giảng, đâu đó còn có ứng viên phải tìm nhiều cách để có xác nhận giờ giảng tại các cơ sở giáo dục đào tạo,...

Từ thực trạng trên, thầy Huyền cho rằng, cần có nghiên cứu sửa đổi những quy định theo hướng chuyển từ đánh giá định lượng sang định tính có kiểm chứng; các bài báo khoa học được công nhận cần được đánh giá về chất lượng, uy tín tạp chí, trích dẫn, vai trò tác giả. Danh mục tạp chí quốc tế uy tín được công nhận cần rõ ràng, cập nhật thường xuyên và loại bỏ các tạp chí bị liệt kê trong danh sách tạp chí săn mồi...Bên cạnh đó, cũng cần bổ sung tiêu chuẩn về đạo đức học thuật trong hồ sơ ứng viên.

Cùng bàn về nội dung này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thể dục thể thao thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ, các quy định về ngoại ngữ, số lượng bài báo khoa học, bằng độc quyền sáng chế, sách chuyên khảo, số giờ giảng được đánh giá là những điểm vừa quan trọng vừa nhạy cảm vì có thể dễ bị lạm dụng nếu thiếu cơ chế giám sát minh bạch và đánh giá thực chất.

 Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Website Trường Đại học Thể dục thể thao thành phố Hồ Chí Minh

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Website Trường Đại học Thể dục thể thao thành phố Hồ Chí Minh

“Tiêu chuẩn về ngoại ngữ, số lượng bài báo khoa học, bằng độc quyền sáng chế, sách chuyên khảo, số giờ giảng… đều rất cần thiết để đảm bảo chất lượng đội ngũ ứng viên giáo sư, phó giáo sư. Tuy nhiên, trên thực tế, với những ứng viên không công tác tại các trường đại học, để có xác nhận số giờ giảng là điều không dễ”, cô Linh chia sẻ.

Trong lần sửa đổi Quyết định 37 sắp tới, theo cô Linh, cần có quy định chặt chẽ hơn về tính xác thực và giá trị thực tế của các công trình khoa học, tránh tình trạng “chạy bài”, chia nhỏ nghiên cứu để tăng số lượng công bố. Đồng thời, cũng cần tính đến tính đặc thù của từng lĩnh vực, không nên áp dụng một mẫu chung cho mọi ngành nghề.

Trong khi đó, chủ tịch hội đồng trường của một trường đại học chia sẻ, bất cập trong quá trình triển khai Quyết định số 37 là việc áp dụng cùng một hệ tiêu chí định lượng cho các lĩnh vực khoa học rất khác nhau về bản chất và điều kiện công bố quốc tế, từ đó tạo ra sự mất công bằng giữa các nhóm ngành. Có thể nói, nhiều ngành thuộc khoa học tự nhiên có điều kiện công bố quốc tế thuận lợi hơn so với nhiều ngành thuộc khoa học xã hội. Và ngay trong khoa học tự nhiên, nếu so giữa khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng, thì khoa học ứng dụng thường khó công bố bài quốc tế do gắn với thực tiễn địa phương, doanh nghiệp hoặc dữ liệu nội bộ. Vậy nên, nếu vẫn áp dụng chung một thước đo sẽ thiếu công bằng giữa các ứng viên vì đặc thù ngành, chứ không phải vì họ kém năng lực.

Từ thực tế đó, vị này cho rằng, Quyết định số 37 khi sửa đổi nên đưa ra một chuẩn chung - ngưỡng tối thiểu mà các ứng viên giáo sư, phó giáo sư phải vượt qua. Còn việc xét cụ thể và bổ nhiệm nên trao quyền cho trường đại học, nơi hiểu rõ nhất đặc thù ngành nghề, môi trường học thuật và nhu cầu phát triển đội ngũ của trường.

Nên áp dụng cơ chế công nhận tương đương

Theo quy định hiện hành, để được công nhận đủ tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư, ứng viên cần phải qua 3 vòng bỏ phiếu kín tín nhiệm của ba hội đồng (hội đồng giáo sư cơ sở, hội đồng chuyên ngành, hội đồng giáo sư nhà nước) với số phiếu đồng ý của mỗi hội đồng phải từ hai phần ba (2/3) đến ba phần tư (3/4). Do đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoằng Bá Huyền cho rằng, Nhà nước nên đưa ra tiêu chí, tiêu chuẩn tối thiểu còn cơ sở giáo dục sẽ thực hiện xem xét công nhận và bổ nhiệm.

“Thực tế thời gian qua, nhiều nhà khoa học cũng đã nêu lên các bài học, cách làm của một số nước trên thế giới về việc phong chức danh giáo sư, phó giáo sư. Theo tôi, về lâu dài, chúng ta cũng nên theo hướng nhà nước đưa ra tiêu chí, tiêu chuẩn còn cơ sở giáo dục sẽ thực hiện việc xét công nhận và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư. Làm như vậy sẽ giúp các trường tăng tính chủ động và linh hoạt trong tuyển chọn đội ngũ, thúc đẩy động lực phát triển đội ngũ, gắn kết chặt chẽ giữa người được bổ nhiệm và chiến lược phát triển của trường,...

Tuy nhiên, muốn làm được việc này, điều kiện tiên quyết là cần có quy định, cơ chế chặt chẽ để các cơ sở giáo dục thực hiện một cách nghiêm túc, thực chất, tránh hiện tượng trăm hoa đua nở, và các cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội. Cơ quan quản lý nhà nước phải có cơ chế giám sát và hậu kiểm”, thầy Huyền chia sẻ.

Thực tế, việc thu hút giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc lâu dài tại cơ sở giáo dục trong nước luôn được các đơn vị quan tâm. Tuy nhiên, một trong những rào cản khiến bản thân giáo sư, phó giáo sư người Việt ở nước ngoài không “mặn mà” là vì khi về Việt Nam họ phải xét công nhận lại chức danh giáo sư, phó giáo sư. Thầy Huyền cho rằng, điều này có thể dẫn đến lãng phí thời gian và nguồn lực không cần thiết (phải làm lại hồ sơ, thủ tục xét duyệt dù đã được công nhận ở các cơ sở giáo dục uy tín quốc tế); thể hiện sự thiếu tin tưởng vào hệ thống giáo dục quốc tế, làm giảm sức hấp dẫn của môi trường giáo dục Việt Nam đối với học giả quốc tế; không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Do đó, cũng nên nghiên cứu việc không cần xét công nhận lại chức danh giáo sư, phó giáo sư đối với người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài đã được bổ nhiệm chức danh này tại các cơ sở đào tạo quốc tế uy tín. Thay vào đó, nên áp dụng cơ chế công nhận tương đương, hoặc ghi nhận danh vị học thuật, đánh giá hiệu quả thực tế trong giảng dạy, nghiên cứu để mở đường thu hút giáo sư, phó giáo sư quốc tế, Việt kiều.

Còn theo vị chủ tịch hội đồng trường, mức đãi ngộ, yêu cầu công việc, định hướng nghiên cứu giữa các trường đại học hiện nay không giống nhau, vậy thì tại sao tiêu chuẩn, tiêu chí xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư lại theo một khuôn mẫu chung?

“Việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học trong việc xét và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư sẽ giúp các trường chủ động hơn trong phát triển nhân sự, xây dựng chiến lược nghiên cứu và đào tạo theo thế mạnh riêng. Quyền gắn liền với trách nhiệm. Cơ sở giáo dục đại học nào bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư không đúng năng lực thì chính cơ sở giáo dục đại học đó sẽ phải đối mặt với hệ quả về chất lượng đào tạo, danh tiếng học thuật và cả khả năng thu hút người học”, thầy này chia sẻ.

 Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: NTCC

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: NTCC

Trong khi đó, theo cô Linh, ở nhiều quốc gia, việc bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư là do các trường đại học quyết định, không thông qua hội đồng cấp nhà nước như ở Việt Nam. Thực tế, không ít nhà khoa học được phong hàm ở nước ngoài về nước công tác nhưng để họ gắn bó lâu dài ở trường đại học thì không phải dễ. Một trong những nguyên nhân là do họ phải làm thủ tục xét duyệt, bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư theo quy định của Việt Nam.

“Theo tôi, việc xác định học hàm giáo sư, phó giáo sư của người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài về nước cũng cần có một cơ quan đủ thẩm quyền phụ trách, nhằm phân biệt học hàm thực chất với các danh hiệu danh dự”, cô Linh chia sẻ.

Còn việc giao quyền xét duyệt và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư cho các trường đại học, cô Linh cho rằng đây là mong muốn chính đáng, giúp tăng quyền tự chủ và sự linh hoạt trong phát triển đội ngũ. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng đủ năng lực để thành lập hội đồng xét duyệt nên vẫn cần một chuẩn chung của Nhà nước để đảm bảo sự đồng bộ và minh bạch trong toàn hệ thống.

Ngọc Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/gs-pgs-o-nuoc-ngoai-nhung-ve-nuoc-van-phai-xet-qua-3-hoi-dong-gay-lang-phi-post251470.gd
Zalo