GS. Nguyễn Mại: Phải có chính sách để FDI hợp tác với doanh nghiệp Việt thay vì để họ cạnh tranh

Việt Nam đang thiếu chính sách kết nối theo chuỗi để doanh nghiệp tư nhân có thể bắt tay hợp tác thay vì bị cạnh tranh từ những 'gã khổng lồ' về vốn và công nghệ.

Mặc dù, khu vực kinh tế tư nhân hiện đang tạo ra khoảng 51% GDP của nền kinh tế, đóng góp khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động, là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.

Tuy nhiên, sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa được như kỳ vọng khi phần lớn vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ công nghệ chưa cao. Trong bối cảnh kinh tế biến động, chịu tác động bởi các cú sốc từ bên ngoài, doanh nghiệp tư nhân càng dễ chịu tổn thương.

Vì vậy, phát triển kinh tế tư nhân càng trở thành nhiệm vụ quan trọng để khu vực này trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế và là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng.

Phân tích về những nguyên nhân khiến doanh nghiệp tư nhân chưa phát triển được như kỳ vọng, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE).

Thưa ông, một số ý kiến cho rằng môi trường kinh doanh chưa thuận lợi, doanh nghiệp tư nhân gặp tình trạng phân biệt đối xử về đất đai, vốn, thị trường và gặp bất lợi về thuế, hải quan so với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI dẫn đến khu vực này kém phát triển, ông đánh giá sao về quan điểm này?

Thay vì đánh giá các FDI đang lấn lướt doanh nghiệp tư nhân chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, Việt Nam đang thiếu chính sách kết nối theo chuỗi để doanh nghiệp tư nhân có thể bắt tay hợp tác thay vì bị cạnh tranh từ những "gã khổng lồ" về vốn và công nghệ.

Một trong những lợi ích khi thu hút các doanh nghiệp FDI đến đầu tư tại Việt Nam ngoài giải quyết bài toán lao động, tạo giá trị gia tăng còn có tác dụng lan tỏa đến các doanh nghiệp trong nước để cùng phát triển. Tác dụng lan tỏa của FDI hiện nay không phải là không có mà chưa thực sự như mong muốn bởi vì hiện nay chúng ta chưa có chính sách kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân.

Đáng lẽ ra, các doanh nghiệp FDI có vender là doanh nghiệp Việt Nam phải được hưởng ưu đãi cao hơn so với các doanh nghiệp mang vender của họ sang Việt Nam.Chúng tôi đã đề nghị nhiều lần với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và bây giờ là Bộ Tài chính nhưng đáng tiếc là hiện vẫn chưa có những chính sách như vậy.

Chúng ta phải tìm ra mô hình để doanh nghiệp FDI bắt buộc phải tạo cơ hội cho doanh nghiệp nội tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất của họ, đồng thời cũng để nâng dần trình độ của các doanh nghiệp trong nước.

Tập đoàn Samsung khi đầu tư vào Thái Nguyên và Bắc Ninh, thời gian đầu họ đã đưa 87 vender cấp 1 của họ vào Việt Nam và chỉ sử dụng 4 - 5 doanh nghiệp vender cấp 2, cấp 3 trong các khâu đóng gói bao bì, vận chuyển. Những khâu này không đáng bao nhiêu giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất của họ.

Nhưng đến khi Samsung mở nhà máy sản xuất điện tử, điện lạnh tại TP HCM, họ đã lựa chọn 9 doanh nghiệp Việt Nam, mỗi doanh nghiệp cử ba chuyên gia sang Hàn Quốc để học tập và làm việc ba tháng để học hỏi cách vận hành, quản lý của họ để làm sao đáp ứng 18 tiêu chí trở thành vender cấp 1 cho Samsung.

Nhà máy của Samsung tại Việt Nam. (Ảnh: TTXVN).

Nhà máy của Samsung tại Việt Nam. (Ảnh: TTXVN).

Trong vòng ba tháng, 9 doanh nghiệp Việt Nam này đã chuyển đổi cách quản trị, sắp xếp lại dây chuyền, tìm kiếm công nhân, người lao động tay nghề cao và họ đã đáp ứng được yêu cầu của Samsung. Cả 9 doanh nghiệp này đều chưa đầu tư thêm mà chỉ thay đổi cách quản trị, dây chuyền mà đã nâng cao năng lực sản xuất lên 50%.

Sau đó, Samsung đã phối hợp với Bộ Công Thương làm các lớp tập huấn cho chuyên gia Việt Nam để nhóm chuyên gia này lại tư vấn cho các doanh nghiệp. Vì vậy, từ 9 vender là doanh nghiệp Việt Nam, hiện nay Samsung có hơn 300 vender là doanh nghiệp nội, trong đó có trên 100 doanh nghiệp cấp 1.

Chỉ có đưa các chính sách vừa yêu cầu vừa ưu đãi, khuyến khích thì doanh nghiệp nội mới có cơ hội hợp tác với các FDI thay vì cạnh tranh hay đối đầu.

Các doanh nghiệp tầm trung của Việt Nam hoàn toàn đủ sức làm vender của các doanh nghiệp FDI nhưng họ không có điều kiện, tiếp cận và cần sự hỗ trợ từ Nhà nước.

Cũng không cần cử chuyên gia đi học ở Nhật Bản hay Hàn Quốc mà nên học từ chính các FDI trong nước để chuyển giao, đổi mới, công nghệ, quản trị. Chỉ có nâng cao được năng suất lao động và trình độ công nghệ, các doanh nghiệp mới tăng trưởng bền vững và không phụ thuộc quá nhiều về tài nguyên đất đai hay vốn.

Như ông đã phân tích, những bất cập về chính sách, khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng, đất đai của doanh nghiệp tư nhân dẫn đến thực trạng số doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ chiếm tới 66,8%, trong khi doanh nghiệp công nghiệp lại rất ít ỏi. Vậy phải làm sao để phát triển khu vực này, bởi các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc đều phải có một nền công nghiệp rất vững chắc?

Công nghiệp hóa, phát triển khoa học công nghệ là quá trình tất yếu để đột phá và trở thành nước phát triển. Quá trình công nghiệp hóa của Hàn Quốc được tiến hành từ năm 1961 đến năm 1991. Trong ba thập niên đó, Hàn Quốc từ một nước nghèo nàn trở thành một trong những cường quốc đứng đầu Đông Á.

Tương tự, Nhật Bản cũng có một nền công nghiệp phát triển với khoa học kỹ thuật tiên tiến bởi đây là gốc của quá trình tăng năng suất lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn

.Tại Việt Nam, mới đây Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết 57 về khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, đang tiến hành Tổng kết Nghị quyết của Trung ương về Kinh tế tư nhân để ra định hướng và giải pháp nhằm đưa khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực tăng trưởng quan trọng. Đây là một định hướng rất đúng đắn.

Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn và Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp tục phát triển mạnh với tinh thần dám nghĩ, dám làm, phát huy trí tuệ, bản lĩnh của người Việt Nam; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp hạng 44/132, tăng 4 bậc so với năm 2022.

Định hướng của Chính phủ đã có, hệ thống chính sách đang dần được hoàn thiện. Đặc biệt là cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của Hiệp hội nghề nghiệp.

Ở Việt Nam đang có hàng nghìn hiệp hội doanh nghiệp theo các ngành nghề nhưng hiện vẫn hoạt động theo kiểu chia sẻ thông tin với nhau chứ chưa có cơ chế hợp tác theo kiểu doanh nghiệp lớn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và dần dần lan tỏa ra. Đồng thời, Chính phủ cũng chưa có những cơ chế để hỗ trợ các hiệp hội này.

Bên cạnh đó, văn hóa hợp tác của Việt Nam cũng chưa thực sự tốt, các doanh nghiệp khi phát triển hơn một chút thì "cá lớn nuốt cá bé" hoặc ra thị trường nước ngoài thì cạnh tranh nhau, phá giá để giành thị phần.

Ở góc độ vĩ mô, xu hướng này sẽ làm giảm tốc độ phát triển của cả khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân. Người Nhật hơn chúng ta ở một điểm, họ rất đoàn kết khi ra thị trường nước ngoài, có tính cộng đồng cao.

Nếu một doanh nghiệp Nhật đã đàm phán với một đối tác nước ngoài khác sẽ không có bất kỳ doanh nghiệp Nhật nào khác cạnh tranh, hạ giá để phá mối làm ăn của doanh nghiệp kia, bởi tính tự tôn và cộng đồng của họ rất cao. Khi ra nước ngoài, các doanh nghiệp lớn cũng ưu tiên sử dụng các doanh nghiệp nhỏ làm nhà cung cấp, người dân Nhật Bản và cả Hàn Quốc cũng ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa.

Vì vậy, phải khơi dậy tinh thần dân tộc, đoàn kết trong hợp tác với thế giới, đồng thời nâng cao vị trí, vai trò của các hiệp hội nghề nghiệp để tránh các doanh nghiệp bán phá giá, gây lợi cho các đối tác nước ngoài. Thà là để cho doanh nghiệp cùng nước họ hưởng lợi chứ người Nhật không bao giờ để doanh nghiệp nước ngoài hưởng lợi.

Người Hoa có cộng đồng kinh doanh người Hoa, người Hàn, người Nhật có cộng đồng của họ thì Việt Nam vốn đã nhiều doanh nghiệp nhỏ càng phải đoàn kết.

Cộng đồng doanh nghiệp cần kiến nghị căn cứ đường lối của Đảng, Quốc hội sớm ban hành Luật về Tổ chức xã hội, trong đó quy định hành lang pháp lý đối với Hiệp hội ngành nghề làm căn cứ để từng Hiệp hội hình thành quan hệ hợp tác và phân công đối với từng loại hình doanh nghiệp, tạo thành hợp lực của từng Cộng đồng doanh nghiệp trong cuộc cạnh tranh trên thị trường trong nước và thị trường thế giới.

Vậy với các doanh nghiệp tư nhân, cần làm gì để nắm bắt cơ hội đổi mới, bứt phá trong bối cảnh mới?

Với doanh nghiệp tư nhân, tôi cho rằng cần thực hiện ngay mấy giải pháp. Thứ nhất là, đổi mới công nghệ, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao, để chuyển nhanh sang kinh tế số, kinh tế tuần hoàn

Doanh nghiệp cần có quan điểm, nhận thức về việc chuyển sang kinh tế số, doanh nghiệp số, sản xuất và kinh doanh xanh là giải pháp quan trọng trong bối cảnh mới.

Bởi vì, nếu không thay đổi mô hình tăng trưởng của mình thì không bảo đảm tạo ra lợi thế khai thác tiềm năng của từng loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo xu hướng mới lấy khoa học và công nghệ, nhân lực tạo ra năng suất và chất lượng cao, hiệu quả kinh tế của sản xuất, kinh doanh, thậm chí bị đào thải không những trên thị trường thế giới, mà cả thị trường trong nước.

Thứ hai là điều chỉnh chiến lược kinh doanh và đầu tư. Từ cách tiếp cận mới, sửa đổi, bổ sung chiến lược kinh doanh trên cơ sở chuyển sang quản trị doanh nghiệp theo xu hướng số, AI, Blochain, Fintech để đáp ứng với đòi hỏi của FTAs thế hệ mới trong hợp tác và đầu tư, tham gia có hiệu quả với các doanh nghiệp trong thương mại và đầu tư với đối tác nước ngoài.

Cũng như, nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, giảm thiểu khi phát thải hướng tới Net 0 vào năm 2050.

Cuối cùng là chủ động tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách đổi mới công nghệ, sản xuất, kinh doanh thông minh đáp ứng đầy đủ tiêu chí của các doanh nghiệp FDI để gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa, từng bước xây dựng thương hiệu có uy tín trên thị trường trong nước, thị trường khu vực và thế giới.

Các doanh nghiệp lớn, tập đoàn kinh tế trong nước làm đầu tàu trong việc hợp tác và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm theo hướng nâng dần quy mô vốn, đổi mới công nghệ, nhân lực, quản trị doanh nghiệp để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam làm chủ thị trường trong nước, tiến tới gia tăng thị phần từng loại sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng ngày càng cao.

Xin cảm ơn ông!

Hạ An

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/gs-nguyen-mai-phai-co-chinh-sach-de-fdi-hop-tac-voi-doanh-nghiep-viet-thay-vi-de-ho-canh-tranh.html
Zalo