GS Nguyễn Hữu Liêm: Những lưu ý quan trọng nhất khi mời gọi 100 chuyên gia giỏi về nước cống hiến
GS Nguyễn Hữu Liêm, Việt kiều tại Mỹ chia sẻ nhiều trí thức, nhà khoa học giỏi tại Mỹ sẵn sàng về nước cống hiến. Tuy nhiên, muốn thực hiện được chỉ đạo của Tổng Bí thư về thu hút 100 chuyên gia hàng đầu về nước làm việc, cần chính sách cụ thể.

GS Nguyễn Hữu Liêm khi về thăm quên hương
LTS: Tổng Bí thư Tô Lâm vừa giao Bộ Nội vụ chủ trì, trong vòng 2 tháng phải trình cơ chế đãi ngộ “vượt khung” để đưa ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước công tác. Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngày 2/7/2025, Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu “xây dựng cơ chế đãi ngộ đặc biệt” cho đội ngũ “tổng công trình sư”, “kiến trúc sư trưởng”, những người có vai trò then chốt trong triển khai các sáng kiến chiến lược về khoa học công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực mũi nhọn như AI, bán dẫn, vật liệu mới.
Làm thế nào để các chỉ đạo của Tổng Bí thư thành thực hiện, nhằm phát triển đất nước? Tạp chí điện tử VietTimes mở diễn đàn CHỌN VÀ PHÁT TRIỂN NHÂN TÀI.
Trí thức Việt kiều sẵn sàng trở về đóng góp cho quê hương
- Thưa Giáo sư, ông cảm nhận thế nào về chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu Bộ Nội vụ thu hút ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước làm việc với chế độ đãi ngộ đặc biệt? Theo ông, đây có phải là một bước ngoặt về tư duy đối với chính sách nhân tài của Việt Nam?
-Chỉ đạo này của Tổng Bí thư Tô Lâm là một bước ngoặt tư duy thực sự. Trong nhiều năm qua, chính sách thu hút trí thức Việt kiều thường được trình bày bằng những khẩu hiệu khái quát như “trí tuệ Việt Nam ở nước ngoài là tài sản của đất nước”, nhưng lại thiếu những bước đi cụ thể, thiết thực và khả thi.
Lần này, chỉ đạo đã đưa ra một con số cụ thể:100 chuyên gia, và đặt trách nhiệm vào Bộ Nội vụ. Điều đó cho thấy một sự thay đổi từ tư duy biểu tượng sang tư duy thực thi. Nó cũng phản ánh một nhận thức mới của lãnh đạo cấp cao: để phát triển đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục, Việt Nam không chỉ dựa vào nguồn lực trong nước mà phải chủ động “gọi về” trí tuệ toàn cầu mang gốc Việt.
Tuy nhiên, tôi có hai quan ngại:
Thứ nhất là thời hạn quá ngắn, chưa đầy hai tháng, để Bộ Nội vụ có thể xây dựng, triển khai và thẩm định một kế hoạch tuyển chọn và đàm phán với 100 chuyên gia quốc tế.
Thứ hai, con số 100 người về nước trong thời gian ngắn là một tham vọng lớn, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế đang cạnh tranh gay gắt nguồn lực chất xám. Tôi đề nghị nên chia tiến độ ra theo quý, thí điểm 20 người đầu tiên, sau ba tháng đánh giá lại, rồi mới nhân rộng.
Tôi hiểu rằng Tổng Bí thư đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ, nhưng để chuyển hóa quyết tâm thành hiệu quả chính sách, cần một tiến trình minh bạch, linh hoạt và mang tính chuyên môn cao.
- Là người có nhiều gắn bó về mặt tinh thần và học thuật với Việt Nam, Giáo sư đánh giá thế nào về mức độ sẵn sàng của đội ngũ trí thức Việt kiều, đặc biệt tại Mỹ, đối với việc quay về đóng góp trực tiếp cho khoa học công nghệ và giáo dục nước nhà?
-Tôi có thể khẳng định rằng phần lớn chuyên gia Việt kiều, đặc biệt tại Mỹ, vẫn giữ trong lòng một tình cảm sâu đậm với quê hương. Họ sẵn sàng đóng góp, sẵn sàng trở về, nếu môi trường cho phép.
Trong nhiều lần tôi về giảng dạy tại các đại học trong nước, tôi thấy rõ một điều: Việt Nam đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới, sinh học tổng hợp, vi mạch bán dẫn…
Trước nhu cầu cấp thiết ấy, nhiều chuyên gia Việt kiều sẵn lòng chấp nhận mức sống thấp hơn, thậm chí chịu thiệt thòi về môi trường làm việc, miễn là họ được đối xử đúng mực, được tôn trọng chuyên môn, và có điều kiện để cống hiến.
Tuy nhiên, sau nhiều lần thất vọng vì những chính sách thiếu nhất quán, triển khai dở dang hoặc chỉ dừng lại ở lời hô hào, lần này, họ sẽ cẩn trọng hơn. Trước khi đưa ra quyết định, họ cần thấy rõ các tiêu chí tuyển chọn minh bạch, chế độ đãi ngộ cụ thể, quy trình hành chính thuận tiện, các chính sách bảo hiểm cá nhân rõ ràng, và trên hết là sự cam kết thực sự trong việc bảo vệ tiếng nói học thuật và bảo đảm tự do nghiên cứu.
Vì vậy, tôi cho rằng quyết tâm chính trị là điều cần thiết, nhưng để khơi thông dòng chảy chất xám, cần một hệ sinh thái chính sách mang tính thực tế, khả thi và bền vững.
Cần môi trường làm việc và chính sách đãi ngộ tốt
- Theo Giáo sư, đâu là những rào cản chính khiến các nhà khoa học Việt kiều còn e dè hoặc chưa sẵn lòng về nước làm việc lâu dài? Nguyên nhân chính là do chế độ đãi ngộ, thủ tục hành chính, môi trường học thuật… ?
-Rào cản thì nhiều, và chúng không chỉ là tiền lương hay nơi ở. Đầu tiên là cách thức mời gọi. Một chuyên gia tầm quốc tế không thể được “gọi về” bằng một công văn hành chính hay qua kênh tuyên giáo. Họ cần được tiếp cận bằng những thông điệp mang tính cá nhân hóa, trân trọng và đúng chuẩn mực quốc tế.
Thứ hai là môi trường làm việc. Nhiều chuyên gia từng về nước và thất vọng vì suốt ngày đi họp, nghe quán triệt, thay vì được tự do nghiên cứu hay giảng dạy. Nếu chuyên gia về nước mà lại bị “quản lý” bởi người thiếu trình độ chuyên môn, hoặc bị phân công công việc hành chính phiền hà, thì chắc chắn họ sẽ rời đi trong vài tháng.
Thứ ba là chính sách đãi ngộ. Mức lương trung bình cho một chuyên gia công nghệ cao tại Mỹ dao động từ 20.000- 30.000 USD/tháng, chưa kể cổ phiếu và các quyền lợi khác. Trong khi đó, về nước, không phải ai cũng đòi hỏi mức thu nhập tương đương, nhưng ít nhất cũng phải được sống tử tế, có điều kiện cho con cái học tập, và không bị gánh nặng tài chính đè nén. Một chính sách đãi ngộ không chỉ là tiền, mà còn là điều kiện làm việc, cơ hội phát triển cá nhân và khả năng tiếp cận cộng đồng chuyên môn toàn cầu.
Cuối cùng là rào cản văn hóa- thể chế: thái độ nghi kỵ, thiếu cởi mở trong đối thoại học thuật là điều khiến nhiều người “sợ”. Chúng ta phải gỡ từng rào cản bằng sự minh bạch, cởi mở và chuyên nghiệp.

Những "bộ óc" ở thung lũng Silicon: TS Lê Viết Quốc, chuyên gia hàng đầu về AI; TS Trần Việt Hùng, chuyên gia máy tính; Tô Diệu Liên, Ths về quản trị công và Vũ Xuân Sơn, TS về học máy nhận thức quyền riêng tư (Từ trái qua).
- Giáo sư có thể chia sẻ nguyện vọng hoặc yêu cầu cụ thể nào từ phía đội ngũ trí thức Việt kiều đối với Chính phủ Việt Nam để việc thu hút chất xám từ nước ngoài không chỉ là phong trào ngắn hạn mà là chính sách bền vững?
-Nguyện vọng lớn nhất của chúng tôi là Chính phủ thực tâm lắng nghe và hành động với tinh thần đối tác. Đừng xem các chuyên gia về nước như “người được chiếu cố”, mà hãy coi họ là những hạt nhân khai mở đổi mới quốc gia.
Tôi đề nghị các bước cụ thể như sau:
- Mời chuyên gia Việt kiều vào quá trình xây dựng chính sách: Hãy để chính họ tham gia vào quá trình phác thảo chính sách thu hút và đãi ngộ, thay vì chỉ mời họ về sau khi mọi việc đã “an bài trên giấy”.
- Đảm bảo an ninh cá nhân và tự do học thuật: Nhiều người lo ngại khi trở về sẽ bị giám sát, phân loại theo lý lịch, chính kiến. Hãy dẹp bỏ tâm lý nghi ngại, đừng nhìn họ qua lăng kính an ninh hay chính trị. Người làm khoa học cần môi trường tự do học thuật, nghiên cứu.
- Chính thức hóa lời mời bằng thư cá nhân từ cấp cao nhất: Tôi cho rằng, nếu Thủ tướng, Chủ tịch nước, hoặc chính Tổng Bí thư đích thân ký thư mời gửi đến từng cá nhân, thì hiệu ứng sẽ vô cùng lớn. Đó là sự công nhận và tín nhiệm ở mức cao nhất.
- Trao quyền chủ động cho Đại sứ quán: Các sứ quán, đặc biệt ở Mỹ, cần được giao quyền chủ động tiếp cận và mời gọi chuyên gia, không phải chỉ gửi công văn hành chính, mà cần gặp gỡ, trò chuyện, thăm hỏi trực tiếp, làm việc với tinh thần cầu thị.
Làm được như vậy, chính sách này không chỉ là chiến dịch một lần mà sẽ mở ra một chương mới cho mối quan hệ giữa Việt Nam và cộng đồng trí thức toàn cầu gốc Việt.
“Tôi sẵn sàng và luôn muốn đóng góp”
- Việt Nam đang ưu tiên các ngành công nghệ mũi nhọn như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, vật liệu mới… Giáo sư có cho rằng đội ngũ trí thức Việt kiều tại Mỹ đủ mạnh để đóng góp ngay vào các lĩnh vực này không? Và theo ông, nên bắt đầu từ mô hình tổ chức, viện nghiên cứu hay một trung tâm đổi mới cụ thể nào?
- Tôi có thể khẳng định rằng, nguồn lực trí thức Việt kiều tại Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ cao là rất lớn và rất mạnh. Chúng ta có những kỹ sư đầu quân cho Apple, Nvidia, Google, các giáo sư tại MIT, Stanford, Berkeley… Điều đáng tiếc là họ chưa có cơ hội thực sự để cống hiến trực tiếp cho đất nước.
Tôi không kỳ vọng tất cả họ sẽ về nước toàn thời gian, nhưng Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng mô hình “góp sức từ xa” hoặc “bán thời gian”, với các điều kiện tối thiểu: vé máy bay, nơi ở, trợ lý nghiên cứu, và quan trọng nhất là sự tôn trọng chuyên môn.

GS Nguyễn Hữu Liêm trong lần gặp, trao đổi với cố Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Công thức tốt nhất, theo tôi, là: thiết lập các viện nghiên cứu chuyên ngành trong các đại học lớn, do chuyên gia Việt kiều lãnh đạo về chuyên môn, còn hành chính do khoa đại học quản lý. Điều đó sẽ bảo đảm tính hiệu quả và minh bạch. Đồng thời, các viện này nên gắn kết với doanh nghiệp công nghệ trong nước để vừa nghiên cứu vừa chuyển giao.
Đây không chỉ là câu chuyện công nghệ, mà còn là sứ mệnh đạo đức và xã hội. Nhiều bạn trẻ tài năng hiện nay không có môi trường làm việc phù hợp, nên dễ rơi vào con đường lệch lạc, thậm chí vi phạm pháp luật. Nếu Nhà nước Việt Nam từng đưa lý tưởng cách mạng đến với giai cấp nông dân, thì giờ đây, cách mạng công nghệ phải mở đường cho giới trẻ đô thị, giúp họ phát triển tài năng trong môi trường lành mạnh.
- Từ góc nhìn cá nhân, nếu có lời mời chính thức từ Việt Nam nằm trong chương trình “100 chuyên gia hàng đầu”, Giáo sư sẽ cân nhắc ở mức độ nào? Những điều kiện hoặc cam kết nào từ phía Việt Nam là cần thiết để ông và các đồng nghiệp cân nhắc nghiêm túc?
- Tôi luôn sẵn sàng, và thực sự mong muốn đóng góp. Nhưng tôi cũng đã từng trải qua những lần thất vọng. Tôi từng bị mời “làm việc” chỉ vì có những phát biểu học thuật trái với định hướng. Tôi từng bị đối xử thiếu tôn trọng chỉ vì không có “lý lịch chính trị phù hợp”. Những trải nghiệm ấy khiến tôi dè dặt, dù trong lòng vẫn đầy kỳ vọng.
Nếu có lời mời chính thức, tôi sẽ cân nhắc nghiêm túc. Tôi không đòi hỏi đãi ngộ cao, chỉ mong một môi trường làm việc đúng nghĩa, không chính trị hóa, không hình thức, nơi tôi có thể giảng dạy về nguyên lý khoa học thực nghiệm, chia sẻ những phát hiện mới của Tây phương và Trung Quốc về công nghệ.
Tôi sợ tôi chưa đủ tiêu chuẩn để được chọn vào danh sách 100 người đầu tiên. Nhưng tôi tin, nếu Việt Nam thành tâm, thì không chỉ tôi, mà hàng trăm, hàng ngàn trí thức Việt kiều khác sẽ về, dẫu chỉ để góp một phần nhỏ vào hành trình phục hưng dân tộc.
- Xin cám ơn Giáo sư!
Ông Nguyễn Hữu Liêm là giáo sư triết tại San Jose City College. Đến Mỹ năm 1975 sau ngày 30/4, Nguyễn Hữu Liêm đi học cử nhân kinh tế nông nghiệp, rồi học thạc sĩ về quản lý công (ĐH Texas). Về California công tác, ông tiếp tục đi học luật. Nguyễn Hữu Liêm tốt nghiệp tiến sĩ luật khoa năm 1987 tại University of California, Hastings College of the Law, là chủ một hãng luật tư nhân tại Mỹ. Vẫn không dừng lại, Nguyễn Hữu Liêm tiếp tục trở lại trường ĐH, lấy bằng thạc sĩ triết học tại San Jose State University, tiến sĩ triết học tại California Institute for Integral Studies.
Lời mời góp ý với Diễn đàn “CHỌN VÀ PHÁT TRIỂN NHÂN TÀI”
Tạp chí điện tử VietTimes trân trọng mời quý độc giả, chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, trí thức trong và ngoài nước gửi ý kiến, đề xuất chính sách hoặc chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn nhằm góp phần hiện thực hóa các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc thu hút, phát triển đội ngũ nhân tài quốc gia trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Vui lòng gửi bài viết và ý kiến về diễn đàn “CHỌN VÀ PHÁT TRIỂN NHÂN TÀI” theo địa chỉ: toasoan@viettimes.vn