GS. Mạch Quang Thắng: Phải có tâm thế mới, cách tiếp cận mới về hội nhập quốc tế
Để tạo động lực mới cho quá trình hội nhập quốc tế của đất nước, phải có tâm thế mới, vị thế mới và tư duy, cách tiếp cận mới...

Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết với tiêu đề "Vươn mình trong hội nhập quốc tế". (Nguồn: VGP)
GS.TS. Mạch Quang Thắng, nguyên Giảng viên Cao cấp, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã chia sẻ góc nhìn với Báo Thế giới và Việt Nam xung quanh bài viết "Vươn mình trong hội nhập quốc tế" của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Tạo động lực mới cho quá trình hội nhập quốc tế
Bài viết “Vươn mình trong hội nhập quốc tế” của Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh sự chuyển đổi trong tư duy và cách tiếp cận hội nhập quốc tế của Việt Nam, từ "tiếp nhận" sang "đóng góp", từ "hội nhập sâu rộng" sang "hội nhập đầy đủ". Theo ông, những thay đổi cốt lõi này mang lại cơ hội và thách thức gì cho Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới hướng tới thịnh vượng và hùng cường?
Đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm đã viết trong bài Vươn mình trong hội nhập quốc tế: “Đứng trước thời điểm lịch sử, đất nước cần những quyết sách lịch sử”. Những quyết sách lịch sử lần này xuất phát từ những cơ hội và thách thức lớn.
Về cơ hội, chúng ta thấy có ba điểm chủ yếu: Trong gần 40 năm đổi mới, đất nước ta tạo được thêm sức mạnh lớn, trong đó có sức mạnh từ thành quả của quá trình hội nhập quốc tế.
Toàn cầu hóa vốn là xu thế khách quan, tạo ra cạnh tranh cho sự phát triển giữa các nước. Việt Nam đã và đang ở thế chủ động, tích cực, hội nhập vừa sâu rộng vừa toàn diện, đầy đủ hơn và thu được những kết quả tốt, đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển tiến bộ của nhân loại, đặc biệt là có đà và nhịp độ phát triển khá trong lúc thế giới gặp không ít khó khăn.
Điều đó tạo ra cái thế phát triển nhanh và bền vững để tiếp tục đấy mạnh hơn nữa việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong kỷ nguyên phát triển mới của nước ta.
Còn thách thức, vẫn còn đó những vấn đề ở giai đoạn trước, nay xuất hiện thêm những vấn đề mới. Nó cũng thể hiện ở ba điểm lớn: Thế giới biến chuyển nhanh hơn, sâu sắc hơn cả về tự nhiên và xã hội. Đó là sự gia tăng ngày càng xấu đi nhanh chóng của biến đổi khí hậu và môi trường sinh thái (yếu tố tác động của an ninh phi truyền thống).
Đó là sự chuyển dịch sâu sắc về mọi mặt về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học-công nghệ, nhất là tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (có cả thời cơ, nhưng có thách thức làm kéo căng ra xa hơn về doãng cách tụt hậu. Việt Nam có thể tiến được nhiều bước nhưng ngắn, chất lượng hiệu quả hạn chế, trong khi nhiều nước tuy có thể bước ít hơn nhưng lại tiến được xa hơn do vận dụng được tốt hơn những thành quả tiến bộ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư).
Bên cạnh đó, thế giới đang định hình và xác lập một trật tự mới, nếu không có bản lĩnh, trí tuệ vượt bậc thì Việt Nam rất khó định vị đất nước ở vào vị trí ưu thế quốc tế. Đồng thời, vẫn còn đó những rủi ro của sự phát triển bởi các lực cản cả ở bên trong lẫn bên ngoài. Xu thế của các lực cản này ngày càng phức tạp hơn, tinh vi hơn và quyết liệt hơn, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải đồng sức đồng lòng, có đủ bản lĩnh chính trị và trí tuệ sáng suốt.
Nghị quyết 59-NQ/TW được đánh giá là quyết sách đột phá, định vị hội nhập quốc tế là động lực quan trọng cho kỷ nguyên phát triển mới. Những yếu tố then chốt nào trong Nghị quyết này thể hiện tính đột phá và làm thế nào nó tạo ra động lực mới cho quá trình hội nhập của đất nước, theo ông?
Riêng về hội nhập quốc tế, Nghị quyết này đã nêu lên quyết sách đột phá; đánh dấu bước ngoặt có tính lịch sử trong quá trình hội nhập của đất nước với tư duy hội nhập quốc tế chuyển từ tiếp nhận sang đóng góp, từ hội nhập sâu rộng sang hội nhập đầy đủ, từ vị thế một quốc gia đi sau sang trạng thái một quốc gia vươn lên, tiên phong vào những lĩnh vực mới như Tổng Bí thư đã nêu rõ.
Những yếu tố then chốt mà chúng ta thấy ở Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 24/01/2025 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới thể hiện rõ trên bốn điểm: Một là, hội nhập quốc tế giai đoạn tới là sự kế thừa và phát triển những kết quả của quá trình hội nhập quốc tế ở các giai đoạn trước.
Hai là, hội nhập quốc tế, đặt đất nước vào dòng chảy của thời đại, nó vẫn là một yếu tố quan trọng đóng góp vào nền văn minh, tiến bộ của nhân loại, giữ được bản sắc dân tộc, không bao giờ được phép hòa tan.
Ba là, cùng với phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt; văn hóa là nền tảng của xã hội; quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, thì lần này trong kỷ nguyên mới, cái mới là nên coi đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế cũng phải là nhiệm vụ nằm trong cụm “trọng yếu, thường xuyên”.
Bốn là, để tạo động lực mới cho quá trình hội nhập quốc tế của đất nước, phải có tâm thế mới, vị thế mới và tư duy, cách tiếp cận mới.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. (Ảnh: Tuấn Anh)
Nguồn lực con người
Bài viết của Tổng Bí thư đã đề cập việc Việt Nam chuyển từ vị thế "quốc gia đi sau" sang trạng thái "quốc gia vươn lên, tiên phong" trong một số lĩnh vực mới. Theo ông, những lĩnh vực cụ thể nào nước ta có tiềm năng và lợi thế để tiên phong trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay? Chúng ta cần có những chiến lược và nguồn lực gì để hiện thực hóa điều này?
Không đơn giản trong việc chuyển vị thế của đất nước trong cấp độ chính trị so sánh với các nước khác trên thế giới. Nhưng nhìn một cách tích cực và với khát vọng cũng như niềm tin đang mạnh mẽ, chúng ta có thể thấy được chiến lược và nguồn lực như sau:
Thứ nhất, chất lượng tăng lên của con người Việt Nam với hệ giá trị mới của chủ nghĩa yêu nước, của sự đổi mới sáng tạo, năng động khi bước vào giai đoạn mới của toàn cầu hóa và ở kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nhất là con người Việt Nam có đủ đức, đủ tài, khôn khéo và đầy trí thông minh nắm bắt và đáp ứng được những yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ hai, nguồn lực từ thành quả của cả cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội gần 100 năm nay, đặc biệt là thành quả từ giai đoạn gần 40 năm đổi mới.
Thứ ba, nguồn lực từ chất lượng của Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, cầm quyền và của cả hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh với khát vọng thôi thúc vươn lên, với bản lĩnh chính trị cao, với trí tuệ mẫn tiệp, với tư duy mới và hành động quyết liệt cho sự phát triển, với sự kiên trì và kiên cường đạp bằng mọi trở ngại, mọi lực cản, kể cả lực cản trong nội bộ (như “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến”).
Chính nguồn nội lực đó là căn nguyên, là cơ sở vững chắc để kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; biến ngoại lực thành nội lực, tạo nên sức mạnh tổng hợp cho sự vươn mình; đến lượt nó góp phần vào sự tiến bộ nhân loại tạo thành sức mạnh quốc tế, quay trở lại bồi bổ cho sức mạnh nội lực. Đó là sự “xoáy trôn ốc” bất tận cho sự phát triển.
Để đạt được mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và phức tạp, những yếu tố nội tại nào của Việt Nam cần được củng cố và phát huy, thưa ông?
Trước hết, hãy bắt đầu từ bản thân Đảng, vì Đảng có vị trí, vai trò lãnh đạo. Nhân dân và cả toàn dân tộc tin tưởng trao cho Đảng vị trí, vai trò đó. Đảng phải luôn luôn trong sạch, vững mạnh, phấn đấu để đạt mục tiêu cao cả đó. Đảng phải là Đảng của đạo đức, của văn minh như Bác Hồ đã nói, trong đó có cả yêu cầu về về trí tuệ cao.
Chính là Đảng, hoặc trước hết là Đảng, chứ không phải là tổ chức chính trị nào hết, phải là người kiến tạo cho sự phát triển nhanh và bền vững của dân tộc để trong khoảng thời gian 20 năm nữa làm cho đất nước Việt Nam trở thành nước phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Phải khẩn trương, quyết liệt, cố gắng vượt bậc mới đạt mục tiêu. Đồng thời, các tổ chức khác trong hệ thống chính trị cũng phải trong sạch, vững mạnh. Nhà nước phải làm tốt vai trò quản trị quốc gia trong điều kiện mới. Các tổ chức chính trị-xã hội phải làm tốt chức trách của mình.
Hơn thế, phải củng cố và phát triển mạnh hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong kỷ nguyên vươn mình để hội nhập quốc tế tốt hơn, trong đó tạo ra ngày càng tốt hơn sự đồng thuận xã hội và hòa giải, hòa hợp dân tộc. Nói kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại trước hết phải là với cộng động người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài.
Đồng lòng, đồng sức, đồng tâm được, nếu người Việt Nam thành tâm đến với nhau, hạn chế sự khác biệt để hướng đến cái đích cho một Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Theo GS. Mạch Quang Thắng, phải củng cố và phát triển mạnh hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong kỷ nguyên vươn mình. (Nguồn: VOV)
Phải coi hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân
Trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động khó lường, việc hội nhập quốc tế đầy đủ và đóng góp tích cực vào các vấn đề toàn cầu đặt ra yêu cầu gì đối với Việt Nam trong việc xây dựng năng lực đối ngoại và khả năng ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh mạng?
Yêu cầu đầu tiên là nội lực phải mạnh. Không có nội lực mạnh thì khó mà đóng góp tích cực cho việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. Từ nội lực mạnh đó mới xây dựng được năng lực đối ngoại và có khả năng tốt ứng phó với các thách thức phi truyền thống.
Muốn thế, tất cả mọi tổ chức và mọi người Việt Nam yêu nước phải “Nói thì phải làm” như Bác Hồ đã viết vào trang đầu tiên cuốn sách Đường cách mệnh (năm 1927) hoặc “Hãy xắn tay áo làm đi” như Bác Hồ đã nói với cán bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa tháng 2/1947 trước khi Người trở lại Tân Trào ở tỉnh Tuyên Quang cùng Trung ương Đảng và Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Yêu cầu nữa tôi muốn đề cập tới toàn bộ tư duy và năng lực thực hành của công tác đối ngoại là: Phải luôn luôn nắm bắt được yêu cầu phát triển của dân tộc và quốc tế trong từng thời kỳ, từng giai đoạn. “Mặt trận” ngoại giao/đối ngoại, hội nhập quốc tế luôn luôn nóng bỏng.
Trong kỷ nguyên phát triển mới, “mặt trận” này lại càng nóng bỏng hơn, gặp nhiều khó khăn hơn bởi vì thế giới tuy vận hành theo quy luật của tự nhiên và xã hội nhưng vẫn là điều khó lường đối với nhận thức có hạn của tổ chức chính trị và bộ óc con người.
Vậy vai trò của các chủ thể khác nhau trong xã hội là gì trong việc thực hiện thành công định hướng "vươn mình trong hội nhập quốc tế" theo tinh thần bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm và Nghị quyết 59-NQ/TW? Dưới góc nhìn của ông, cần có những cơ chế phối hợp và tạo điều kiện như thế nào để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc trong quá trình này?
Đảng ta có vai trò đưa ra những quyết sách đúng đắn về mở cửa hơn nữa đối với hợp tác quốc tế, trong đó hội nhập quốc tế là hình thức, trình độ phát triển cao của quá trình tiếp tục tích cực hội nhập đó. Đó là vai trò khép đất nước vào dòng chủ lưu của thời đại, đập cùng nhịp đập, thở cùng hơi thở của thời đại. Đó là vai trò của chủ thể hệ thống chính trị nói chung của nước ta trong việc đưa đất nước hội nhập vào nền chính trị, nền kinh tế quốc tế và nền văn minh nhân loại. Đó là vai trò thúc đẩy một cách mạnh mẽ hơn nữa hội nhập quốc tế, coi đó là động lực quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Đó là vai trò Đảng và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị phải quyết tâm cởi "nút thắt" đang cản trở sự phát triển, vượt qua sự cạnh tranh không công bằng, tăng trưởng không bền vững, gia tăng khoảng cách giàu nghèo, ô nhiễm môi trường, nguy cơ “chệch hướng”, “xâm lăng văn hóa”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “xói mòn niềm tin” của nhân dân.
Về cơ chế phối hợp và tạo điều kiện để phát huy sức mạnh tổng hợp dân tộc vươn mình trong hội nhập quốc tế, trước hết phải coi hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, động lực, lực lượng chủ công và là những chủ thể được thụ hưởng các lợi ích của hội nhập quốc tế. Phải bảo đảm tính đồng bộ, toàn diện, sâu rộng, trong đó nổi rõ vai trò và trách nhiệm của ngành Ngoại giao. Phải gắn kết chặt chẽ, bổ sung cho nhau trong một chiến lược tổng thể, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình và bước đi phù hợp. Các tổ chức chính trị-xã hội đẩy mạnh việc thực hiện các cam kết, thỏa thuận quốc tế; phải tăng cường giám sát thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật và các cam kết về hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, phải thể chế hóa về mặt Nhà nước, cụ thể hóa các chiến lược hội nhập quốc tế theo ngành, lĩnh vực, nhất là xây dựng, hoàn thiện pháp luật liên quan đến kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, thế giới số, giảm phát thải cácbon, không gian vũ trụ... Đồng thời, xây dựng được đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập quốc tế đủ đức đủ tài. Họ cần có phẩm chất chính trị tốt, có chuyên môn, kỹ năng cao, ngang tầm quốc tế, có khả năng tham gia hòa giải, giải quyết tranh chấp quốc tế. Bên cạnh đó, đổi mới, nâng cao tính chủ động, sáng tạo của địa phương, người dân và doanh nghiệp trong tham gia hội nhập quốc tế.