Gruzia, nơi lịch sử đau thương gắn liền cùng bóng đá

Vào thời khắc tiếng còi kết thúc trận đấu với Bồ Đào Nha vang lên, toàn thể đội tuyển Gruzia lao vào sân bóng ăn mừng. Họ biết, chiến công này chỉ là khởi đầu cho một hành trình dài. Đi cùng với họ sẽ có không ít niềm vui và nỗi buồn, cũng như sự xung đột khủng khiếp tương tự những gì quốc gia này đã trải qua.

Chuyện của Kakha Kaladze

Đội tuyển Gruzia lúc này có không ít ngôi sao xuất chúng. Thủ môn Giorgi Mamardashvili, chân chạy cánh Khvicha Kvaratskhelia, tiền đạo Georges Mikautadze đều là những gương mặt nổi tiếng tại châu Âu. Nhưng xét về tầm ảnh hưởng, họ vẫn thua xa đàn anh Kakha Kaladze.

Ông Sagnol tin bóng đá Gruzia có thể tiếp tục vượt qua giới hạn.

Ông Sagnol tin bóng đá Gruzia có thể tiếp tục vượt qua giới hạn.

Khi còn thi đấu, Kakha Kaladze có 15 năm liền khoác áo đội tuyển Gruzia. Anh được xem là một trong những hậu vệ xuất sắc nhất thế giới ở thời kỳ đỉnh cao, nhưng lại chưa thể giúp đội nhà đi tới World Cup hay EURO trước đây. Dù vậy, đó dường như không phải điều Kaladze quá bận tâm.

Khi đội tuyển Gruzia chạm trán Bồ Đào Nha trong trận đấu họ phải thắng bằng mọi giá, Kaladze đang yên vị ở thủ đô Tbilisi, nơi anh đang đảm nhiệm chức vụ Thị trưởng. Không lâu sau khi giải nghệ, Kaladze theo nghiệp chính trị với một ước mơ: Biến Gruzia trở thành đất nước bình yên hơn.

Tháng 1/2001, Kaladze khiến cả Gruzia tự hào. Thương vụ chuyển nhượng sang AC Milan cùng mức giá 16 triệu euro biến anh trở thành một trong những hậu vệ đắt giá nhất thời điểm ấy. Kaladze giúp thế giới biết châu Âu có một quốc gia nhỏ bé như Gruzia, cái nôi sản sinh những ngôi sao tương lai.

Không thể phủ nhận "hiệu ứng Kaladze" đã giúp bóng đá Gruzia sản sinh thêm Mamardashvili, hay Kvaratskhelia của thì hiện tại. Nhưng với cá nhân Kaladze và gia đình anh, câu chuyện ấy lại khởi đầu cho một bi kịch. 4 tháng sau khi Kaladze đầu quân cho Milan, em trai anh bị bắt cóc.

Gia đình Kaladze từng trải qua bi kịch khi anh đến Milan chơi bóng.

Gia đình Kaladze từng trải qua bi kịch khi anh đến Milan chơi bóng.

Vì sao Levan Kaladze, một sinh viên trường Y danh giá tại Gruzia, lại có thể bị bắt cóc giữa thanh thiên bạch nhật? Câu trả lời chỉ có một: Những băng nhóm bắt cóc tống tiền. Chúng phát đi một đoạn video ghi lại cảnh Levan bị bịt mắt, khóc lóc thảm thương và cầu xin mọi người cứu mình.

Sự kiện em trai Kaladze bị bắt cóc đã khiến cả Gruzia chấn động. Đích thân Tổng thống nước này phải lên tiếng trấn an dân chúng, đồng thời khẳng định áp dụng mọi biện pháp có thể nhằm tìm ra Levan. Nhưng mọi nỗ lực tìm kiếm, giải thoát cậu em nhà Kaladze đã khép lại trong vô vọng.

Tháng 6/2005, đúng 4 năm sau khi Levan bị bắt cóc, cảnh sát Gruzia tìm thấy một hố chôn tập thể 8 người. Thi thể của 1 trong 8 người đó được cho là của Levan. Nhưng phải mất thêm 8 tháng, cảnh sát Gruzia, cùng với sự hỗ trợ từ FBI, mới có thể chính thức kết luận em trai Kaladze bị giết chết.

Câu chuyện của gia đình Kaladze chỉ ra sự thật: Gruzia là một đất nước ẩn chứa sự hỗn loạn. Nhiều gia đình không sẵn sàng để con mình chơi bóng đá, vì sợ một lúc nào đó, bi kịch của Kaladze có thể ập tới nhà. Phải đến những năm gần đây, khi kinh tế khá hơn, bóng đá mới dần được chú trọng.

Những Ronaldo xứ Gruzia

Vào thời điểm Cristiano Ronaldo ra sân ở kỳ EURO đầu tiên, Khvicha Kvaratskhelia mới 3 tuổi, tài năng trẻ Gabriel Sigua thậm chí chưa ra đời. Giống những cậu bé Gruzia, Ronaldo sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo khó. Bình yên là cảm giác hiếm hoi, nơi anh phải "chạy ăn" từng bữa.

Sau khi tuyên bố độc lập và tách khỏi Liên bang Xôviết vào đầu thập niên 90, Gruzia rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Quốc gia này có chỉ số phát triển con người ở mức rất cao, nhưng điều đó không đồng nghĩa với quy mô nền kinh tế. Ngay cả khi kinh tế Gruzia dần hồi phục những năm gần đây, mọi thứ vẫn không khá hơn cho phần lớn dân chúng.

Khvicha Kvaratskhelia ngưỡng mộ Ronaldo và trở thành ngôi sao bóng đá.

Khvicha Kvaratskhelia ngưỡng mộ Ronaldo và trở thành ngôi sao bóng đá.

Thống kê từ Ngân hàng Thế giới cho thấy, tỷ lệ người nghèo của Gruzia hiện ở mức 13%. Đây là con số khủng khiếp, trái ngược hoàn toàn so với mức GDP bình quân đầu người trên dưới 9.000 USD. Kinh khủng hơn, quá nửa dân số Gruzia có mức thu nhập thấp hơn 5 triệu đồng mỗi tháng.

Vào thời điểm Gruzia đánh bại Bồ Đào Nha tại EURO, quốc gia này đang phải đối mặt với một tương lai chính trị không chắc chắn vì một đạo luật mới gây tranh cãi. Các cuộc biểu tình ngày càng trở nên bạo lực hơn, các nhà hoạt động thường xuyên bị cảnh sát đối xử tàn bạo. "Giấc mơ Mỹ" của nhiều người Gruzia dần trở thành "bánh vẽ" trước mắt họ.

Gruzia sẽ có những cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 10, nhưng cho đến lúc đó cả nước vẫn đang đứng trước nguy cơ không biết đất nước này sẽ đi về đâu. Giữa tình cảnh ấy, nhiều gia đình có điều kiện chọn cách đưa con em họ chuyển sang quốc gia khác sinh sống. Đó là cách tốt nhất để thế hệ mới có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tiền đạo Georges Mikautadze là một người như thế. Cha mẹ anh rời Gruzia và đến Pháp sinh sống. Georges Mikautadze sinh ra ở Pháp, lớn lên tại Pháp. Mối liên hệ nhỏ bé giữa cầu thủ này và quê hương Gruzia chỉ được níu giữ lại nhờ gia đình, những người luôn truyền cho con trai họ niềm tự hào khi mang trong mình dòng máu Gruzia.

Ngày Georges Mikautadze còn bé, anh nói tiếng Pháp khi đến trường, nhưng phải nói tiếng Gruzia khi ở nhà. Trong mỗi kỳ nghỉ hè, cầu thủ này được gia đình đưa về Gruzia thăm họ hàng, cũng như để không quên đi nguồn gốc bản thân. Vì thế, vào thời điểm biết mình sẽ được gọi lên đội tuyển Gruzia, Georges Mikautadze không đắn đo dù chỉ một giây.

Với Khvicha Kvaratskhelia, một trong những nơi đầu tiên dạy anh chơi bóng đá chuyên nghiệp là Học viện của Ronaldo tại Gruzia. Cầu thủ này vẫn giữ tấm ảnh anh chụp cùng CR7 khi còn nhỏ, cùng mơ ước một ngày nào đó có thể thi đấu cùng thần tượng. Giấc mơ ấy cuối cùng đã trở thành hiện thực.

Không bất ngờ khi Kvaratskhelia đã chủ động xin đổi áo với Ronaldo sau trận đấu. Anh còn vui vẻ nói mình chẳng bao giờ tưởng tượng ra viễn cảnh sẽ được Ronaldo chủ động bắt chuyện. CR7 thậm chí đã chúc Kvaratskhelia thành công nhiều hơn trong tương lai cùng bóng đá.

Mơ làm điều bất khả thi

Sau trận thắng Bồ Đào Nha, HLV Willy Sagnol nói ông chỉ dám chắc mình đã có 3 điểm khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên. Lý do bởi khi còn thi đấu, ông từng chứng kiến một đội bóng tưởng như đã giành chiến thắng, nhưng lại bất ngờ thua ngược chỉ trong phút thi đấu bù giờ: Bayern Munich.

Lasha Talakhadze được kỳ vọng sẽ giành Huy chương vàng Olympic lần thứ 3 liên tiếp.

Lasha Talakhadze được kỳ vọng sẽ giành Huy chương vàng Olympic lần thứ 3 liên tiếp.

Willy Sagnol không phải thành viên Bayern Munich khi đội bóng này giành ngôi Á quân Champions League mùa giải 1998/1999. Nhưng từ lúc chuyển sang khoác áo đội bóng Đức, ông liên tục phải nghe những con người tại nơi đây nhắc lại ký ức về trận thua kinh hoàng đó. Sagnol đã xem lại video trận đấu này, và thực sự cảm thấy không thể hình dung nổi.

Ở một góc độ nào đó, chiến thắng của MU trước Bayern cho thấy, mọi thứ đều có thể xảy ra trong bóng đá. Điều đó cũng đúng với Gruzia của Sagnol vào lúc này. Họ được xem là một trong những đội bóng yếu nhất của EURO năm nay, chỉ được tham dự nhờ một tấm vé vớt từ Nations League.

Chưa đầy 1 năm trước, ở vòng loại EURO, Gruzia đã nhận thất bại 1-7 trước Tây Ban Nha ngay trên sân nhà. Tấm vé dự vòng play-off EURO được trao cho Gruzia nhờ một công thức tính phức tạp của Nations League. Nhưng khi có cơ hội, Gruzia đã lập tức nắm lấy và không để nó vuột khỏi tay mình.

"Ai cũng có quyền mơ ước và chúng tôi cũng thế. Bản thân đội tuyển Gruzia cũng không nghĩ mình có thể tiến xa đến mức này. Vào tháng 3, toàn đội nghĩ việc lọt vào trận play off là cực hạn của chúng tôi rồi. Nhưng cuối cùng, Gruzia đã dự vòng chung kết, và còn lọt tới vòng 1/8", Sagnol nói.

Câu chuyện cổ tích của Gruzia còn chỉ ra một sự thật khác. Bóng đá, dù trong quá khứ hay hiện tại, đều là cuộc chơi của những người mang trong mình ý chí mãnh liệt. Gruzia "quyết tử" đã vượt qua Bồ Đào Nha khi đội bóng này không cần thắng bằng mọi giá. Và tinh thần của các chiến binh sẽ tiếp tục giúp Gruzia làm nên thành công trong tương lai.

Bóng đá không phải thể thao vua

Những thống kê xã hội học tại Gruzia chỉ ra bóng đá là một trong những môn thể thao có nhiều người chơi nhất tại quốc gia này. Tuy nhiên, nếu được chọn một môn làm thể thao vua, đó phải là bóng bầu dục. Đội tuyển bóng bầu dục Gruzia đã liên tục xuất hiện tại 6 kỳ World Cup liên tiếp.

Một trong những nguyên nhân giúp bóng bầu dục phổ biến tại Gruzia là bởi, quốc gia này có một môn thể thao truyền thống rất giống với bóng bầu dục. Ngoài ra, bóng rổ cũng là môn thể thao được yêu thích tại Gruzia. Tổng thống Gruzia từng đích thân đi chuyên cơ ra nước ngoài cổ vũ khi đội tuyển thi đấu một giải thế giới.

Ở hạng mục thể thao thành tích cao, Gruzia nổi tiếng nhờ 3 môn Judo, Cử tạ và Vật. Kể từ Olympic Athens 2004 đến nay, Gruzia đều có ít nhất 1 nhà vô địch ở mỗi kỳ Thế vận hội. VĐV Gruzia được đánh giá rất cao ở những hạng cân lớn trong môn Cử tạ. Ngoài ra, với truyền thống về Vật, Gruzia cũng không thiếu nhân tài ở 2 môn Vật và Judo.

Một trong những biểu tượng đương đại của thể thao Gruzia là Lasha Talakhadze. Ở tuổi 31, anh đang nắm trong tay 2 tấm HCV Olympic Rio, Tokyo, cùng 7 danh hiệu vô địch thế giới. Trong 15 năm thi đấu quốc tế, Lasha Talakhadze có 26 lần phá kỷ lục thế giới. Đô cử này sẽ xuất hiện ở Olympic Paris, và được kỳ vọng lên ngôi vô địch lần thứ 3 liên tiếp.

Đơn Ca

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/gruzia-noi-lich-su-dau-thuong-gan-lien-cung-bong-da-i736260/
Zalo