Kỷ lục sốc tại EURO 2024

EURO 2020 và EURO 2024 chiếm 69% số bàn phản lưới nhà được ghi nhận trong lịch sử giải đấu, dù các đội năm nay chỉ mới đá xong vòng 1/8.

Khi hậu vệ Jan Vertonghen của đội tuyển Bỉ cố gắng cản phá cú sút của Randal Kolo Muani, anh đã trở thành cầu thủ thứ 9 đá phản lưới nhà tại EURO 2024. Bàn thắng này đã giúp Pháp vượt qua Bỉ với tỷ số sít sao 1-0 để tiến vào chơi trận tứ kết.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên "những chú gà trống Gô-loa" được hưởng lợi từ một pha đốt lưới nhà tại giải đấu này. 66% số bàn thắng của Pháp cho tới nay đều đến từ đối thủ.

Trong 44 trận đầu tiên (vòng bảng, vòng 1/8) tại EURO năm nay, đã có 9 bàn phản lưới nhà. Tại hai kỳ EURO gần nhất, có tổng cộng 20 bàn phản lưới nhà, trung bình cứ 5 trận lại có một bàn. Con số này cao đáng kể khi xét đến việc chỉ có 9 bàn phản lưới nhà trong 15 kỳ EURO đầu tiên, từ năm 1960 đến năm 2016, trung bình cứ 30 trận mới có một bàn.

 Tổng hợp những pha đốt lưới nhà tại EURO 2024.

Tổng hợp những pha đốt lưới nhà tại EURO 2024.

EURO không có bàn đốt lưới nhà nào cho đến giải đấu thứ năm vào năm 1976, khi đội trưởng của Czechoslovakia Anton Ondrus tự làm tung lưới đội nhà trong trận bán kết với Hà Lan. Phải 20 năm sau đó pha đá phản thứ hai mới xuất hiện tại St James' Park năm 1996, khi tiền đạo Lyuboslav Penev của Bulgaria đốt lưới nhà sau cú đá phạt của Youri Djorkaeff.

EURO ngày càng có nhiều trận hơn, nhưng đó không phải lý do cho sự gia tăng bất thường về số bàn phản lưới nhà tại hai giải đấu gần đây nhất.

Luật bóng đá thay đổi

Luật mới trong cách tính bàn thắng có thể phần nào lý giải cho sự gia tăng các bàn phản lưới nhà.

Trước đây, việc quyết định một bàn thắng có phải là pha đốt lưới nhà hay không là trách nhiệm của từng trọng tài - những người đôi lúc có quan điểm đối lập nhau.

Đến tháng 3/2008, Michel Platini, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) lúc đó, thừa nhận có rất nhiều cuộc tranh luận về bàn thắng chệch hướng (deflected goal) và liệu chúng có nên được trao cho cầu thủ ban đầu sút vào khung thành hay cầu thủ chạm bóng cuối cùng. "Chúng tôi muốn làm rõ vấn đề này và có cùng các quy tắc trong mọi trận đấu", ông Platini nói.

 Bàn phản lưới nhà của Italy trong trận gặp Tây Ban Nha.

Bàn phản lưới nhà của Italy trong trận gặp Tây Ban Nha.

UEFA sau đó quyết định rằng các cầu thủ sẽ được công nhận là ghi bàn "nếu nỗ lực của họ đã hướng về lưới khi bóng bị đổi hướng". Như vậy, các cú sút không trúng đích vào lưới sẽ không được tính cho cầu thủ sút ban đầu mà thuộc về cầu thủ đã làm trái bóng đổi hướng sau đó.

Ông Platini nói rằng các hướng dẫn này vốn đã được hầu hết trọng tài tuân thủ, nay tiếp tục được "mã hóa" chính thức cho tất cả trận đấu của UEFA, bao gồm cả EURO.

Lối chơi thay đổi

Có một số giả thuyết liên quan đến lối chơi của các đội bóng để lý giải cho số bàn phản lưới nhà kỷ lục tại EURO.

Thứ nhất, có phải giải đấu có nhiều bàn phản lưới nhà hơn vì các đội đang tạt bóng nhiều hơn? Lập luận này không thực sự chính xác. Có 32,1 quả tạt bóng/trận tại EURO 2020 và 33,8 quả tạt bóng/trận ở vòng bảng EURO 2024, không cao bằng các giải đấu trước. Trên thực tế, số quả tạt bóng mỗi trận tại hai giải đấu gần đây là thấp nhất kể từ khi số liệu bắt đầu được thống kê vào năm 1980.

Tuy nhiên, số lượng quả tạt ít hơn lại cho thấy các đội bóng ngày nay không còn ưa chuộng những cầu thủ chạy cánh đơn thuần, mà ưu tiên những người chơi thường xuyên chạy cắt vào phía trong. Kiểu chơi này có thể làm rối loạn hàng phòng ngự, khiến đối thủ dễ mắc sai lầm hơn.

Thứ hai, có giả thuyết cho rằng thủ môn đã thay đổi trong những năm gần đây. Họ đấm bóng nhiều hơn và điều này có nguy cơ đẩy bóng vào chân của các hậu vệ, dẫn đến việc dễ mắc lỗi hơn. Nhưng tại EURO 2024, không có bàn phản lưới nhà nào xuất phát từ việc thủ môn quá mạo hiểm hoặc chuyền bóng sai.

 Bàn phản lưới nhà "hài hước nhất" EURO 2024 thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ.

Bàn phản lưới nhà "hài hước nhất" EURO 2024 thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuối cùng là lối chơi phòng ngự với phần đông đội hình lùi về sâu trên phần sân nhà của các đội bóng. Hầu hết bàn phản lưới nhà đều đến từ các cú sút cận thành trong những vòng cấm đông đúc cầu thủ. Ví dụ, có 8 cầu thủ Bỉ phòng thủ trong vòng cấm ở tình huống Vertonghen đá phản lưới nhà. Tương tự, 10 cầu thủ Italy cũng lùi về rất sâu khi họ để thủng lưới trước Tây Ban Nha từ một pha đốt đền.

Hay đơn giản chỉ là chuyện may rủi?

Giả thuyết này có thể thuyết phục được người hâm mộ Bồ Đào Nha và Slovakia. Bồ Đào Nha đã tham dự EURO 2020 với tư cách là nhà đương kim vô địch, nhưng suýt bị loại từ vòng bảng sau khi để thua Đức 4-2. Cay đắng hơn, Ruben Dias và Raphael Guerreiro đều phản lưới nhà.

4 ngày sau đó, tuyển Slovakia cũng có hai cầu thủ "đốt đền" trong trận thua thê thảm 0-5 trước Tây Ban Nha. Sau hai trận đấu này, Bồ Đào Nha và Slovakia cùng nắm giữ kỷ lục về số bàn phản lưới nhà nhiều nhất tại EURO, với 3 bàn/đội.

Tuy nhiên, Bồ Đào Nha đã may mắn hơn ở giải đấu năm nay. Họ đã được hưởng lợi từ một bàn phản lưới nhà "hài hước nhất" của EURO 2024 cho đến nay trong chiến thắng 3-0 trước Thổ Nhĩ Kỳ. Semet Akaydin và thủ môn Altay Bayindir không hiểu ý nhau, dẫn đến bàn thua vô duyên từ một đường chuyền về.

Sau trận đấu, huấn luyện viên trưởng tuyển Thổ Nhĩ Kỳ Vincenzo Montella không đổ lỗi cho các cầu thủ khi được hỏi về tình huống này. "Đã có một sự nhầm lẫn ở đây. Đôi khi điều đó vẫn xảy ra trong bóng đá, và thật không may hôm nay nó lại đến với chúng tôi. Nhưng lần tới rất có thể là với đối thủ của chúng tôi", ông nói.

Lê Vy

Ảnh: Fox Sports, The Guardian

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/ky-luc-soc-tai-euro-2024-post1484804.html
Zalo