Greenland tuyên bố sẽ mời Trung Quốc đầu tư khai khoáng nếu Mỹ, châu Âu thờ ơ
Về phần mình, ông Trump đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ tiếp quản Greenland, một lãnh thổ bán tự trị của Đan Mạch...

Một góc Greenland - Ảnh: Reuters.
Các công ty khai mỏ Mỹ và châu Âu nên nhanh tay đầu tư vào Greenland, nếu không lãnh thổ này sẽ phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ nơi khác như Trung Quốc để khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào của mình - một quan chức Greenland nói với tờ báo Financial Times.
Bà Naaja Nathanielsen, Bộ trưởng Bộ Kinh doanh và tài nguyên khoáng sản Greenland, phát biểu: “Chúng tôi muốn phát triển và đa dạng hóa các lĩnh vực kinh tế của mình, và việc này đòi hỏi vốn đầu tư từ bên ngoài”.
Khi được hỏi về việc gọi vốn đầu tư từ Trung Quốc, bà Nathanielsen trả lời: ‘‘Chúng tôi muốn hợp tác với các đối tác châu Âu và Mỹ. Nhưng nếu họ không xuất hiện, tôi nghĩ chúng tôi cần tìm đối tác khác”.
Theo Financial Times, những phát biểu này chứng minh mong muốn của Greenland trong việc nhận được sự giúp đỡ của phương Tây để phát triển nền kinh tế trong lĩnh vực khai thác mỏ và du lịch, nhất là khi hãng hàng không Mỹ United Airlines dự kiến sẽ bắt đầu khai thác đường bay từ New York đến Nuuk - thủ phủ của Greenland - từ tháng tới.
Hòn đảo rộng lớn này là nơi có các mỏ khoáng sản lớn nhưng khá khó tiếp cận, bao gồm vàng và đồng, và có vị trí địa chính trị quan trọng ở Bắc Cực.
Bà Nathanielsen cho biết một bản ghi nhớ (MoU) hiện tại về khai thác khoáng sản với Mỹ - được ký trong nhiệm kỳ trước của Tổng thống Donald Trump - sắp hết hạn. Thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, Greenland đã cố gắng để tìm hiểu xem liệu Washington có muốn gia hạn MoU này hay không, nhưng không có kết quả.
Về phần mình, ông Trump đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ tiếp quản Greenland, một lãnh thổ bán tự trị của Đan Mạch, thậm chí bằng biện pháp mạnh.
“Chúng tôi hy vọng rằng chính quyền ông Trump sẽ sẵn lòng tham gia đối thoại hơn với Greenland về sự phát triển của ngành khoáng sản. Chúng tôi đã nhận được mối quan tâm nhiều hơn những gì chúng tôi mong muốn, bởi vì chúng tôi không muốn trở thành một phần của nước Mỹ”, bà Nathanielsen nói thêm.
Vị Bộ trưởng cũng nói với FT rằng bà thấy lời đe dọa của ông Trump về việc giành quyền kiểm soát Greenland là “thiếu tôn trọng”. Phát biểu này cho thấy người dân Greenland không đồng tình với cách tiếp cận của ông Trump đối với hòn đảo 57.000 dân này.
Bà Nathanielsen cho rằng Trung Quốc không mấy quan tâm đến các thỏa thuận khai thác mỏ ở Greenland, vì hiện tại chỉ có hai công ty khai khoáng của Trung Quốc hoạt động tại Greenland và cả hai đều là cổ đông thiểu số trong các dự án không hoạt động. Bà suy đoán rằng các nhà đầu tư Trung Quốc có thể đang thận trọng.
Greeland hiện chỉ có hai mỏ khoáng sản đang hoạt động, một mỏ vàng và một mỏ anorthnosiste, nhưng việc khai thác thậm chí chưa thực sự bắt đầu. Ngoài ra có hai mỏ khác mới nhận được giấy phép khai khoáng.
Bà Nathanielsen cho biết chính phủ liên minh bốn đảng mới ở Nuuk coi “cam kết tạo ra sự phát triển cho Greenland và người dân Greenland là ưu tiên cao nhất” và muốn hợp tác với “các đồng minh và đối tác có cùng chí hướng”. Nhưng bà nói thêm rằng Greenland “đang gặp khó khăn trong việc tìm chỗ đứng” trong bối cảnh liên minh phương Tây đang có sự thay đổi về bản chất.
“Chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu xem trật tự thế giới mới sẽ như thế nào? Đầu tư của Trung Quốc tất nhiên là có vấn đề, nhưng ở một mức độ nào đó, đầu tư của Mỹ cũng vậy. Bởi vì có một câu hỏi là Mỹ có mục đích gì?”, bà nói. Châu Âu là nhà đầu tư “phù hợp” với Greenland vì bản thân châu lục này có ít khoáng sản đồng thời có sự nhất quán với Greenland trong các thông số về môi trường, bà nhấn mạnh.