'Gót chân Achilles' của bà Harris

Kinh nghiệm làm công tố viên của bà Kamala Harris giờ đây lại trở thành 'điểm gợn' trong cách tiếp cận báo giới, khiến ứng viên đảng Dân chủ gặp khó trong cuộc tranh cử tổng thống.

Trong cuộc phỏng vấn một mình đầu tiên trên sóng truyền hình với đài MSNBC hôm 25/9 (giờ Mỹ), câu hỏi đầu tiên dành cho bà Kamala Harris là một tình huống giả định: bà sẽ nói gì với những người Mỹ cảm thấy đường lối kinh tế của bà không đem lại lợi ích gì cho họ?

“Nếu họ làm việc chăm chỉ, nếu họ có hoài bão và ước mơ, và tôi tin rằng họ có những thứ đó, thì họ nằm trong kế hoạch của tôi”, bà Harris vừa nói vừa lắc đầu, sau đó dừng lại và mỉm cười.

“Tôi rất yêu mến và cảm thấy tràn đầy năng lượng khi nghĩ về tinh thần và phẩm chất của người Mỹ”, bà Harris nói, đôi mắt nhắm hờ và nâng tay lên.

Phong cách của bà Harris

Trong hành trình trở thành đại diện đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống, bà Harris đã chứng minh bản thân là một nhà hùng biện cừ khôi và cũng là một nhà vận động tranh cử không biết mệt.

Tuy nhiên, các cuộc phỏng vấn đơn lẻ với giới truyền thông từ lâu bị xem là điểm cần cải thiện trong những lá bài chính trị của bà Harris, tờ New York Times nhận định.

 Bà Harris chứng minh khả năng hùng biện cừ khôi qua màn đối đầu ông Trump ở Pennsylvania. Ảnh: New York Times.

Bà Harris chứng minh khả năng hùng biện cừ khôi qua màn đối đầu ông Trump ở Pennsylvania. Ảnh: New York Times.

Bà Harris có xu hướng trả lời các câu hỏi khi được phỏng vấn trên truyền hình một cách chậm rãi, sử dụng nhiều biệt ngữ và lặp lại một số cụm từ được chuẩn bị sẵn.

Lối trả lời trên của bà Harris bị tờ New York Times ví von như meringue, món bánh tráng miệng được chế biến bằng cách đánh tơi lòng trắng trứng lên cùng một số nguyên liệu khác, ngụ ý rằng những câu trả lời của bà Harris đôi khi có phần lộn xộn và không chắc chắn, tựa như kết cấu của bánh meringue.

Trong vai trò là ứng viên tranh cử tổng thống, bà Harris đã tránh phần lớn các cuộc phỏng vấn đơn lẻ. Phó tổng thống chủ yếu tập trung vào các cuộc mít tinh và hoạt động trên mạng xã hội để tiếp cận cử tri, tránh xa rủi ro từ những buổi phỏng vấn truyền hình.

Tuy nhiên, sự tránh né này cũng phản ánh nỗi lo hữu hình của bà Harris khi phải ngồi đối diện với một phóng viên phỏng vấn trên sóng truyền hình.

Với nền tảng là một công tố viên và là thành viên của Ủy ban Tư pháp Thượng viện, bà Harris được đào tạo để đặt những câu hỏi hóc búa trong các cuộc trao đổi khó nhằn. Do đó, phó tổng thống có ít kinh nghiệm hơn khi ở vị trí của người trả lời.

Điều đó mở ra một điểm sơ hở để các đối thủ của bà khai thác. Họ cho rằng việc bà Harris né các cuộc phỏng vấn cho thấy bà đang che giấu điều gì đó.

Giới truyền thông Mỹ cũng chỉ ra rằng một ứng viên tranh cử tổng thống nên sẵn sàng trả lời những câu hỏi đến từ các nhà báo trung lập xoay quanh kế hoạch tái thiết đất nước.

 Bà Harris thường là người đặt ra câu hỏi chứ không quen đưa ra câu trả lời. Ảnh: New York Times.

Bà Harris thường là người đặt ra câu hỏi chứ không quen đưa ra câu trả lời. Ảnh: New York Times.

Những phóng viên và công tố viên quen biết bà Harris trong nhiều năm nói rằng phó tổng thống vẫn luôn lịch sự nhưng thận trọng trước giới truyền thông, ngay cả trong môi trường thân mật.

“Bà Harris có thể rất tập trung và nhạy bén, bà ấy cũng dí dỏm và hay giao tiếp bằng mắt”, Dan Morain, phóng viên chính trị gốc California đã đưa tin về bà Harris từ năm 2010, nhận xét.

“Bà ấy chuẩn bị kỹ và hiểu sâu về các vấn đề”, ông Morain nói thêm. “Bà ấy giỏi trả lời các câu hỏi và cũng rất xuất sắc trong việc né tránh các câu hỏi”.

Vết gợn trong quá khứ

Bà Harris nhận thức sâu sắc về hậu quả từ những phát ngôn lỡ lời. Trong cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình Lester Holt của NBC vào năm 2021, bà Harris đã chật vật trả lời khi được hỏi về cuộc khủng hoảng nhập cư ở biên giới phía nam.

Sự kiện này được cho là đã ảnh hưởng đến sự tự tin của bà Harris trong việc trả lời phỏng vấn truyền hình.

Trong 12 tháng sau đó, bà Harris đã né tránh các cuộc phỏng vấn đơn lẻ và trở nên lo lắng rằng bản thân sẽ lỡ lời gây ảnh hưởng tiêu cực đến Nhà Trắng.

Những ngày này, khi trả lời phỏng vấn, câu trả lời đầu tiên của bà Harris thường không được mạch lạc. Tương tự nhiều chính trị gia khác, bà Harris có xu hướng trả lời câu hỏi mà bà hướng tới chứ không phải câu hỏi nhận được từ người phỏng vấn.

Mặc dù có những ý tưởng rõ ràng, bà Harris có xu hướng sử dụng những từ ngữ không rõ nghĩa để trả lời, tờ New York Times nhận định.

Trong buổi phỏng vấn với MSNBC hôm 25/9, khi được hỏi về cách cải thiện khủng hoảng giá nhà ở, bà Harris đã sử dụng từ “toàn diện” tới ba lần trong một câu.

Bà Harris có thể là một diễn giả xuất sắc khi phát biểu trước đám đông hoặc khi có một mục tiêu để nhắm vào như khi đối đầu với ông Trump trong màn tranh luận ở Pennsylvania. Tuy nhiên, khi phỏng vấn truyền hình lại là chuyện khác.

 Nỗi lo về việc lỡ lời có thể là vết gợn khó xóa trong sự nghiệp chính trị của bà Harris. Ảnh: New York Times.

Nỗi lo về việc lỡ lời có thể là vết gợn khó xóa trong sự nghiệp chính trị của bà Harris. Ảnh: New York Times.

Căn nguyên của nỗi sợ mà bà Harris phải đối mặt với giới báo chí có lẽ xuất phát từ quá khứ là công tố viên của bà, theo New York Times.

Cụ thể, với vai trò là công tố viên, khi trả lời truyền thông, bà Harris cần đưa ra những câu trả lời gọn gàng, chính xác và nằm trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

Tuy nhiên, các ứng viên tranh cử chức thị trưởng hoặc tổng thống lại không có cơ sở để trả lời một cách gọn ghẽ và thẳng thắn, vào trọng tâm như một công tố viên.

Do đó, các ứng viên này trải qua một loại đào tạo truyền thông khác với những công tố viên. Điều này lý giải cho điểm bất lợi của bà Harris trong chiến dịch tranh cử tổng thống, đặc biệt là trước một đối thủ có lối tiếp cận báo giới một cách mạnh mẽ như ông Trump.

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/got-chan-achilles-cua-ba-harris-post1500558.html
Zalo