Góp ý sửa đổi Ðiều 84 và 110 Hiến pháp 2013

BPO - Thay đổi hay sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là việc làm bình thường từ xưa đến nay và không chỉ tại Việt Nam mà còn ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Bởi lẽ, cuộc sống của con người luôn thay đổi theo thời gian và mọi sự vật, hiện tượng cũng thay đổi, nên Hiến pháp không thể là vĩnh hằng. Thực tế lịch sử nền tư pháp của nhân loại đã chứng minh rằng, một văn bản quy phạm pháp luật đúng trước đây, nhưng có thể không còn phù hợp cho hiện tại và tương lai. Vì thế, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đang tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tạo cơ sở pháp lý thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Dịp này, cá nhân tôi có ý kiến về nội dung sửa đổi các điều 84 và 110 như sau:

Tại khoản 1 Điều 84 Hiến pháp năm 2013 có quy định: “Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận có quyền trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội”. Tuy nhiên, tại vế thứ hai của khoản 1 Điều 9 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: “tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân”... Đồng thời, “thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân đến các cơ quan nhà nước”.

Vì vậy, ở khoản 1 Điều 84, tôi đề nghị bỏ nội dung “và cơ quan Trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận” ngay trước nội dung: “có quyền trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội”. Vì tại khoản 1 Điều 9 đã quy định rõ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm thực hiện “giám sát, phản biện xã hội; phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân đến các cơ quan nhà nước”, nên việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm thay mặt “cơ quan Trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận” trong việc “trình dự án luật trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội” là phù hợp. Bên cạnh đó, với việc bỏ thẩm quyền trình dự án luật đối với các tổ chức là thành viên của Mặt trận Tổ quốc còn tránh được sự chồng chéo nhiệm vụ giữa Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên.

Hơn nữa, tại khoản 2 Điều 9 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013 có quy định: “Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Một khi đã là thành viên trực thuộc thì các tổ chức thành viên phải có trách nhiệm cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng các dự án luật và Mặt trận là cơ quan quản lý các tổ chức thành viên có trách nhiệm tổng hợp và đại diện trình dự án luật lên cấp có thẩm quyền. Do đó, việc quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm đại diện cho các tổ chức thành viên trong việc trình dự án luật là hoàn toàn hợp lý.

Tại khoản 1 Điều 110 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tỉnh chia thành huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh; thành phố trực thuộc Trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương; huyện chia thành xã, thị trấn; thị xã và thành phố thuộc tỉnh chia thành phường và xã; quận chia thành phường”. Tôi thống nhất với ban soạn thảo dự thảo Hiến pháp sửa đổi về việc bỏ toàn bộ nội dung nêu trên, đồng thời thay vào đó là nội dung: “Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Vì như vậy là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng.

Theo đó, tại Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12-4-2025, Ban Chấp hành Trung ương đã nêu rõ: “Đồng ý chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1-7-2025”. Thực hiện nghị quyết này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 74/NQ-CP, trong đó nêu rõ: “...Kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm sau sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động thông suốt, không gián đoạn, không có khoảng trống pháp lý từ ngày 1-7-2025”. Như vậy, việc bỏ đơn vị hành chính và sáp nhập cấp xã đã được thống nhất từ Ban Chấp hành Trung ương đến Chính phủ, việc còn lại là chờ Quốc hội thông qua. Và điều quan trọng hơn là chủ trương lớn này đã nhận được sự đồng thuận cao của cử tri cả nước.

Tại khoản 2 Điều 110 của Hiến pháp hiện hành có quy định: “Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định”. Quy định này không còn phù hợp với tình hình thực tế của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hội nhập và vươn mình của dân tộc. Vì thế, tôi nhất trí với ban soạn thảo bổ sung nội dung: “Việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trình tự, thủ tục” vào trước cụm từ “thành lập, giải thể, nhập...”. Đồng thời, bỏ nội dung: “phải lấy ý kiến nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định” và bổ sung cụm từ “do Quốc hội quy định” vào phần cuối của khoản này. Vì ở nước ta, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước. Trong khi đó, Quốc hội do nhân dân bầu ra và là cơ quan nhà nước cao nhất thực hiện quyền lực của nhân dân. Do đó, việc bổ sung cụm từ “do Quốc hội quy định” là hoàn toàn hợp lý và hợp hiến.

Luật gia Diệp Viên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/173082/gop-y-sua-doi-dieu-84-va-110-hien-phap-2013
Zalo