Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Đảm bảo quyền chất vấn của đại biểu HĐND

Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 là cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới, nhưng vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về một số nội dung Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Bà Ung Thị Xuân Hương, Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại Hội nghị.

Bà Ung Thị Xuân Hương, Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại Hội nghị.

Đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 do Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sáng 21/5.

Đề nghị giữ quyền chất vấn của đại biểu đại diện nhân dân

Chung quan điểm với nhiều đại biểu, bà Ung Thị Xuân Hương, Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị giữ quy định đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tại khoản 2 Điều 115 của Hiến pháp hiện hành, vì đây là một cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước và nội dung này hiện nay chưa phát sinh vướng mắc.

Theo bà Ung Thị Xuân Hương, lý giải trong Tờ trình của Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp về việc, tuy không quy định về thẩm quyền chất vấn nhưng đại biểu HĐND vẫn thực hiện quyền giám sát là chưa thuyết phục, vì “giám sát” và “chất vấn” là 2 hoạt động khác nhau. Việc tổ chức chất vấn riêng sẽ tạo điều kiện để đại biểu trao đổi, làm rõ các nội dung đại biểu và cử tri quan tâm một cách chính thức, công khai đối với người được chất vấn. Vì vậy, đại biểu cho rằng nên quy định HĐND cấp tỉnh có quyền chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân khu vực và cấp tỉnh.

Phân tích kỹ hơn, Luật sư Tô Văn Chung, thành viên Hội đồng Tư vấn dân chủ pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố nhấn mạnh, theo quy định của Hiến pháp, đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương; liên hệ chặt chẽ với cử tri…, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo... Chất vấn là hình thức giám sát trực tiếp, công khai, yêu cầu người bị chất vấn trả lời trực tiếp và chịu trách nhiệm về nội dung trả lời của mình trước đại biểu, cử tri. Nếu không được quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, đại biểu HĐND sẽ khó có thể trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri liên quan đến hoạt động của Tòa án, Viện Kiểm sát, đặc biệt là trường hợp oan sai hoặc quyết định tố tụng của Tòa án, Viện Kiểm sát mà cử tri bức xúc, đồng thời việc thực hiện giám sát của đại biểu HĐND sẽ không đầy đủ, chưa làm tròn nhiệm vụ với cử tri. Vì vậy, theo Luật sư Tô Văn Chung, cần giữ nguyên quy định đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân.

Đảm bảo tính chất Hiến pháp là đạo luật gốc

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại Hội nghị.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại Hội nghị.

Nhấn mạnh tính chất, vai trò quan trọng của Hiến pháp với tư cách là đạo luật gốc, có giá trị cao nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam, các đại biểu dự hội nghị đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, chính lý Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 theo hướng dễ đọc, dễ hiểu và nội dung mang tính khái quát, tập trung vào các vấn đề quan trọng, đảm bảo Hiến pháp có giá trị sử dụng lâu dài.

Theo bà Lê Thị Thu Trà, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tân Bình, với tư cách là “Luật gốc”, không nên đưa những quy định mang tính cá biệt vào Hiến pháp. Vì vậy, không nên đưa nội dung tại khoản 3, Điều 2 của Dự thảo Nghị quyết (về hiệu lực và điều khoản chuyển tiếp) vào Hiến pháp vì nội dung này chỉ có giá trị trong giai đoạn kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Nội dung của quy định này nên đưa vào tiêu chí “đặc biệt” để Quốc hội ra Nghị quyết để thực hiện.

Ông Lê Minh Đức, Ban Pháp chế HĐND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nội dung khoản 3, Điều 2 Dự thảo Nghị quyết quy định về vấn đề kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính… không nên đưa vào trong Hiến pháp mà giao Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thực hiện nội dung này. Bên cạnh đó, quy định Thường trực HĐND cấp tỉnh chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã là chưa phù hợp với nguyên tắc quản lý hành chính mà nên quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã.

Làm rõ hơn vai trò của tổ chức chính trị - xã hội

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Các đại biểu đánh giá cao nội dung Dự thảo Nghị quyết liên quan đến MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội đã góp phần khẳng định vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị của đất nước, nhưng vẫn còn một số ý kiến khác biệt về những điều khoản liên quan đến nội dung quy định các tổ chức chính trị - xã hội “trực thuộc” MTTQ Việt Nam (khoản 2, Điều 9 Dự thảo Nghị quyết).

Các luật sư Trương Thị Hòa, Nguyễn Văn Hậu của Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, quy định 5 tổ chức chính trị xã hội (Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam) là các tổ chức chính trị - xã hội ”trực thuộc” thể hiện sự thống nhất trong hành động, tinh gọn trong bộ máy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khắc phục sự chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ giữa các tổ chức chính trị-xã hội và MTTQ Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Năng, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố lại cho rằng, quy định các tổ chức chính trị - xã hội “trực thuộc” Ủy ban MTTQ Việt Nam là không phù hợp với tính chất MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện... quy định tại khoản 1 Điều 9 của Dự thảo Nghị quyết; cần có sự phân biệt giữa quy định về bộ máy hành chính và nhiệm vụ, chức năng của tổ chức chính trị - xã hội. Các tổ chức chính trị-xã hội có vị trí độc lập, hoạt động theo điều lệ của từng tổ chức. Vì vậy, ông Năng cho rằng, cần nghiên cứu chỉnh lý điều khoản này theo hướng các tổ chức chính trị - xã hội là “tổ chức thành viên” của MTTQ Việt Nam, để đảm bảo tinh gọn theo xu thế chung, nhưng không làm mất đi hiệu quả, vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội.

Cũng về vấn đề này, bà Võ Thị Dung, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần làm rõ một số nội dung liên quan đến vai trò, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, khi hiện nay, việc sắp xếp Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức quần chúng là để tinh gọn, nhưng các chức năng, nhiệm vụ vẫn giữ nguyên. Về phương thức phối hợp, thống nhất hành động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội là ngang nhau (với MTTQ Việt Nam), nhưng nếu quy định “trực thuộc” thì các tổ chức chính trị - xã hội sẽ là cấp dưới của MTTQ Việt Nam. Vì vậy, bà Võ Thị Dung đề nghị Dự thảo Nghị quyết quy định các tổ chức chính trị - xã hội “là tổ chức thành viên nòng cốt” của MTTQ Việt Nam để đảm bảo vai trò, tính chất của các tổ chức chính trị - xã hội.

Tin, ảnh: Xuân Khu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/gop-y-sua-doi-hien-phap-dam-bao-quyen-chat-van-cua-dai-bieu-hdnd-20250521125349001.htm
Zalo