Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013: Đề nghị giữ nguyên quyền chất vấn Chánh án TAND

Các đại biểu kiến nghị giữ nguyên khoản 2 điều 115 về quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân và giữ nguyên khoản 3, Điều 110 về lấy ý kiến nhân dân.

Phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013 do Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội tổ chức ngày 19/5, các đại biểu cơ bản thống nhất chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, sắp xếp tinh gọn bộ máy Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, xây dựng tổ chức Đảng ở địa phương và chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2023.

TS. Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiến nghị giữ nguyên khoản 2 Điều 115 "Đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân".

TS. Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (áo trắng ngồi giữa)

TS. Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ (áo trắng ngồi giữa)

Cho rằng, nếu đại biểu HĐND mà không có quyền chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân là không thỏa đáng. Khi đơn vị hành chính không còn cấp huyện nữa thì Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân được tổ chức theo khu vực, đại biểu HĐND sẽ chất vấn cả Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và cấp khu vực để đảm bảo tính dân chủ không bị thụt lùi.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Các đại biểu tham dự hội nghị

Hơn nữa, đại biểu HĐND là đại diện của nhân dân, có quyền nói tiếng nói của nhân dân. Chưa kể, các vụ án đều xảy ra ở các địa phương và liên quan đến người dân. Người dân và đại biểu HĐND cần có tiếng nói trong lĩnh vực Tư pháp.

Đối với khoản 3, Điều 110 về xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia tách đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, đa số các đại biểu kiến nghị giữ nguyên theo Hiến pháp 2013.

Ông Phạm Ngọc Thảo - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật, Ủy ban MTTQ TP. Hà Nội

Ông Phạm Ngọc Thảo - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật, Ủy ban MTTQ TP. Hà Nội

Cụ thể, nhiều đại biểu cho rằng, điều này là rất cần thiết, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, đây cũng là quyền dân chủ của nhân dân đã được quy định từ Hiến pháp 1946 và dân chủ đã, đang và sẽ là xu thế tất yếu của thế giới thời đại.

Ông Vũ Hồng Khanh - Nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội phát biểu

Ông Vũ Hồng Khanh - Nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội phát biểu

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Lan Hương đánh giá, các ý kiến đóng góp tại hội nghị rất chất lượng, sâu sắc, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ.

Các ý kiến đều khẳng định cần phải sửa đổi Hiến pháp 2013 để bảo đảm bám sát việc Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo trong thời gian gần đây và đây là bước thể chế hóa chỉ đạo của Đảng, hướng tới việc sắp xếp tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội.

Bà Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội

Bà Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội

Bà Nguyễn Lan Hương cho biết, việc lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2013 do tính chất "vừa chạy, vừa xếp hàng" nên qui định về việc chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tới đây sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến, điều chỉnh các nội dung để đồng bộ với mô hình mới.

Cao Thắng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/gop-y-du-thao-sua-doi-hien-phap-2013-de-nghi-giu-nguyen-quyen-chat-van-chanh-an-tand-post1200584.vov
Zalo