Góp ý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi): Gỡ nút thắt cho phát triển các dự án nguồn điện
Ngày 30/9, tại TP Cần Thơ, Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo Tham vấn ý kiến đại biểu Quốc hội và chuyên gia về Dự án Luật Điện lực (Sửa đổi). Tại hội thảo có nhiều ý kiến đóng góp, xây dựng liên quan đến tháo gỡ các nút thắt cho các dự án nguồn điện, đảm bảo phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và an ninh năng lượng quốc gia.
Chủ trì Hội thảo gồm ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Trương Thanh Hoài – Thứ trưởng Bộ Công Thương và bà Phạm Thị Thanh Huyền – Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân; cùng sự tham dự của các chuyên gia, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội.
Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tham dự Hội thảo có ông Phạm Tuấn Anh, Thành viên HĐTV Tập đoàn; ông Phan Tử Giang – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn.
Đảm bảo tính đồng bộ, toàn diện
Ông Tạ Đình Thi cho biết, Hội thảo nhằm tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học phục vụ cho thẩm tra, chỉnh lý dự án Luật Điện lực (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 sắp tới.
Ông nhấn mạnh, đây là đạo luật khó, phức tạp; về nội dung là kinh tế kỹ thuật chuyên ngành, chuyên môn sâu, nhưng phạm vi điều chỉnh lại rất rộng, có tính liên ngành, liên kết lớn, có tác động lớn đến kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng…
Do đó, rất nhiều yêu cầu đặt ra với Dự thảo Luật lần này như: Thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng; đáp ứng được tính đồng bộ, toàn diện; khắc phục được những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; không chồng chéo với các Luật khác; không hợp thức hóa các sai phạm; mang tính quốc tế; vừa phải giải quyết ngay những vấn đề thực tiễn mang tính cấp bách nhưng vừa đảm bảo tính dự báo, giải quyết được các vấn đề phát sinh trong thời gian tới; vừa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường điện;…
Với các yêu cầu và tính cấp thiết đó, ông Tạ Đình Thi đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận vào vấn đề chính, trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và mang tính xây dựng, để góp phần giúp cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra hoàn thiện dự thảo Luật với chất lượng cao nhất.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Phạm Thị Thanh Huyền đề cập đến tính cấp thiết phải sửa đổi Luật Điện lực nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng của nước ta được Quy hoạch điện VIII dự báo tăng nhanh đáng kể lên gần gấp đôi và gấp 5 lần nhu cầu năm 2023 tương ứng vào các năm 2030 và 2050; đồng thời đáp ứng mục tiêu và cam kết của Việt Nam với quốc tế về phát triển bền vững liên quan đến môi trường. Theo Bà Huyền, Luật Điện lực (sửa đổi) cần tạo ra khung pháp lý đồng bộ, minh bạch, khuyến khích đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và đáp ứng các mục tiêu về bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng quốc gia. Bên cạnh đó, các quy định trong dự thảo Luật cần phải khả thi, phù hợp với thực tế của Việt Nam, tránh đưa ra những quy định quá phức tạp hoặc chưa đủ cơ sở để thực hiện, gây khó khăn cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các dự án nguồn điện
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đưa ra để xây dựng Luật nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong đầu tư vào các dự án nguồn điện, đặc biệt là trong bối cảnh, các dự án điện, đặc biệt là điện khí/LNG và điện gió ngoài khơi, chiếm cơ cấu lớn và vai trò quan trọng trong hệ thống điện theo Quy hoạch điện VIII nhưng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và không thu hút được đầu tư.
Ông Phan Xuân Dương, chuyên gia tư vấn năng lượng độc lập cho biết, với các dự án nguồn điện theo Quy hoạch điện VIII, từ nay đến 2030 mỗi năm cần 12 tỷ USD và từ 2030 - 2050 mỗi năm cần khoảng 18 tỷ USD cho đầu tư phát triển nguồn. Các doanh nghiệp nhà nước chủ đạo trong lĩnh vực này chỉ có EVN, Petrovietnam, TKV không kham nổi, do đó phải thu hút đầu tư, đa dạng hóa các nguồn vốn, các hình thức đầu tư.
Về điện gió ngoài khơi, ông Dương cho rằng, nên mạnh dạn tiến hành thí điểm, để có những dự án tiên phong, rút kinh nghiệm, bài học mở đường cho các dự án khác, giao cho các tập đoàn nhà nước có kinh nghiệm liên quan như Petrovietnam triển khai thí điểm, trên cơ sở đó có thực tế để phát triển, nhân rộng ra.
Là một nhà đầu tư độc lập các dự án nguồn điện, hiện chiếm 8% tổng công suất lắp đặt của cả nước, ông Phan Tử Giang, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) nêu ý kiến, trong bối cảnh các nguồn giá rẻ như thủy điện, điện than đã không còn dư địa phát triển do yếu tố vật lý cũng như các yêu cầu về môi trường thì việc phát triển các dự án nguồn điện như điện khí/LNG, điện gió ngoài khơi đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo nguồn. Do đó cần có cơ chế chính sách phù hợp để thu hút đầu tư.
Trong đó, với điện LNG cần có cơ chế bao tiêu (Qc) dài hạn để có thể có phương án mua LNG theo hợp đồng dài hạn bởi giá mua dài hạn tốt hơn rất nhiều so với mua ngắn hạn. Theo tính toán hiện nay, giá mua dài hạn so với ngắn hạn có thể chênh lệch đến 73% nếu cam kết mua dài hạn chỉ 20%, so với cam kết mua dài hạn 90%. Bên cạnh đó, mua dài hạn còn đảm bảo được vấn để về ổn định nguồn cung khi thị trường khó khăn, biến động.
Cùng với đó, việc xây dựng các kho cảng LNG trung tâm (LNG Hub) cũng sẽ giảm đáng kể chi phí đầu tư xây dựng; các vấn đề liên quan đến quy hoạch, đầu tư, xây dựng sẽ tập trung, tiết kiệm chi phí, thời gian.
Nhà đầu tư Petrovietnam cũng đề xuất tăng cường huy động tối đa với điện khí thiên nhiên trong nước, không chỉ để đảm bảo hiệu quả các dự án điện khí trong nước mà còn đóng góp vào nguồn thu ngân sách quốc gia từ các dự án thượng nguồn. “Nếu khí thiên nhiên trong nước được huy động năm 2024 đạt 90 – 100% lượng khí khai thác dự kiến thì thu ngân sách nhà nước với thượng nguồn từ khí tăng 1,75 – 2,14 nghìn tỷ đồng/năm. Trường hợp có thêm nguồn khí Lô B từ năm 2027, nếu lượng khí được huy động hết theo khả năng khai thác thì ngân sách nhà nước sẽ thu được khoảng 24 nghìn tỷ đồng/năm trong giai đoạn bình ổn. Mỗi kWh giá điện khí trong nước nhà nước thu tổng cộng khoảng 45%/đơn giá điện.” ông Giang cho hay.
Đối với các dự án điện gió ngoài khơi, ông Trần Hồ Bắc, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong triển khai các dự án điện gió ngoài khơi. Dựa trên kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt ở các quốc gia lân cận, ông Bắc đề nghị có chính sách về phân kỳ đầu tư, tăng cường phân cấp, phân quyền, chính sách về giao khu vực biển, giao đất;… Đặc biệt, ông Bắc đề nghị chính sách ưu tiên sản xuất điện gió ngoài khơi để xuất khẩu, vừa giải quyết vấn đề giá điện còn cao, đồng thời thực hiện các mục tiêu về kinh tế, môi trường, tạo công ăn việc làm, an ninh biển đảo,….
“Dự thảo Luật dành một chương cho năng lượng tái tạo nhưng không có đề cập gì đến nguồn quỹ cho phát triển, nên chăng Luật này phải thể chế hóa nguồn vốn phát triển, xây dựng quỹ phát triển năng lượng tái tạo chuyên biệt, từ nhiều nguồn”, Đại biểu Thạch Phước Bình, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh nêu ý kiến.
Đại biểu Phạm Xuân Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, “Cơ chế thực hiện thí điểm điện gió ngoài khơi là cần thiết, doanh nghiệp nhà nước thực hiện thí điểm nhưng phải có cơ chế hỗ trợ tài chính, sự giúp sức của nhà nước”.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng trao đổi nhiều vấn đề về cơ chế giá điện, cơ chế thị trường điện, chính sách phát triển điện ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn về hạ tầng, phát triển dự án điện song song với mục tiêu bảo vệ môi trường,…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài đã tiếp thu và giải trình các ý kiến của các đại biểu, chuyên gia tại Hội thảo. Ông khẳng định cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa trên tinh thần cầu thị cao nhất để hoàn thiện bản dự thảo tốt nhất.
Kết luận Hội thảo, ông Tạ Đình Thi nhấn mạnh, đây là đạo luật khó, phức tạp cần thời gian nghiên cứu, để tiếp tục đóng góp ý kiến hoàn thiện. Ông mong rằng, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia đối với cơ quan chủ trì soạn thảo Bộ Công Thương cũng như cơ quan chủ trì thẩm tra dự án là Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Ông khẳng định, tất cả các ý kiến sẽ được tiếp thu hoặc giải trình, để làm sao khi trình ra Quốc hội đạt sự đồng thuận và chất lượng cao nhất.