Góp ý dự thảo Đề án 'Chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024 - 2030'

* Bà Nguyễn Quỳnh Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh:

Thực hành lối sống xanh bằng những việc làm cụ thể

Bà Nguyễn Quỳnh Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa.

Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều mô hình, chương trình nhằm thay đổi nhận thức, thói quen, hành động của cán bộ, hội viên phụ nữ cũng như người dân trong việc giữ gìn vệ sinh trong gia đình và cộng đồng, bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa, trồng cây xanh tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Trong đó, triển khai thực hiện Đề án “Phụ nữ Khánh Hòa tham gia phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 - 2025”; Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch góp phần vun đắp gia đình Việt Nam”; xây dựng các mô hình “Phụ nữ sống xanh”… Đây là tiền đề để góp phần thực hiện lối sống xanh được đề cập tại Đề án “Chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024 - 2030”.

Qua tìm hiểu đề án, tôi thấy nội dung lối sống xanh đã được phân tích rõ, đầy đủ về thực trạng với những kết quả đạt được trong sử dụng năng lượng và tham gia giao thông, tiêu dùng và sản xuất, quản lý chất thải sinh hoạt, công tác giáo dục và nhận thức cộng đồng… Đề án cũng đưa ra 5 nhóm giải pháp cụ thể theo lộ trình, thiết thực và hoàn toàn phù hợp để thực hiện mục tiêu đề ra.

Để những nội dung liên quan đến lối sống xanh đạt được hiệu quả, theo tôi cần thực hiện từ những việc làm cụ thể. Theo đó, cùng với việc khuyến khích sử dụng pin năng lượng mặt trời sản xuất điện thì cần có giải pháp cụ thể xử lý nguồn pin này sau khi sử dụng. Việc vận chuyển, phân loại rác tại nguồn phải được thực hiện một cách đồng bộ từ thu gom, phân loại rác tại hộ gia đình tới các điểm tập trung phân loại rác thải; có điểm tập kết trung chuyển rác thải; xây dựng các dịch vụ thu gom rác và nhân rộng các mô hình xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình để giảm thiểu rác thải ra môi trường. Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm và giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến môi trường. Đồng thời, có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm túi đựng thân thiện với môi trường; hạn chế sản xuất và cung ứng sản phẩm nhựa dùng một lần. Bên cạnh đó, đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, nâng cao ý thức của các tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ môi trường, thực hành tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; thực hiện các chiến dịch truyền thông sát thực tế, hiệu quả về lối sống xanh trong cộng đồng dân cư, đơn vị, địa phương, trường học.

CHÂU TƯỜNG (Ghi)

* Ông Bùi Thế Hợi (Tổ dân phố Nghĩa An, phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh):

Tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân

Ông Bùi Thế Hợi.

Qua nghiên cứu Đề án Chuyển đổi xanh tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2024 - 2030, tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề lối sống xanh. Hiểu một cách đơn giản, lối sống xanh là lối sống bền vững, với những hành động cụ thể, như: Sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, các vật dụng sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày; trồng cây xanh xung quanh không gian sống, môi trường làm việc…

Hiện nay, thực trạng đáng lo ngại là tình trạng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, đòi hỏi sự hành động mạnh mẽ từ mỗi cá nhân và cộng đồng. Do đó, để những nội dung liên quan đến lối sống xanh đạt hiệu quả cao, các tổ chức chính trị - xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; kêu gọi cộng đồng nâng cao nhận thức về những tác hại của ô nhiễm môi trường hiện nay. Từ đó dần thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần chuyển qua dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường; tổ chức tổng vệ sinh môi trường thường xuyên tại khu dân cư, địa điểm công cộng; tổ chức thu gom và xử lý triệt để rác thải; đảm bảo vệ sinh nơi công cộng; khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, nạo vét kênh mương. Đồng thời, vận động người dân tăng cường trồng cây xanh, chăm sóc bồn hoa, tôn tạo cảnh quan sạch đẹp trong từng hộ gia đình, khu dân cư. Cùng với đó, tăng cường hỗ trợ nguồn vốn để người dân đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; đầu tư hệ thống thu gom xử lý nước thải sinh hoạt; giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải công nghiệp, chăn nuôi gây ra; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về công tác bảo vệ môi trường và biểu dương, khen thưởng kịp thời những tấm gương “người tốt, việc tốt” trong công tác bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, vận động người dân phân loại rác thải tại nguồn theo quy định để tái chế được dễ dàng hơn. Để giảm thiểu thải rác ra môi trường, chúng ta phải phân loại rác tại nguồn, sau đó mang những loại rác hữu cơ có thể phân hủy dùng làm phân bón cho cây; những chai nhựa tái chế thành những món đồ trang trí khác trong nhà... Ngoài ra, cần tuyên truyền để người dân dùng nước hợp lý, tiết kiệm, bởi nước sạch là một trong những nguồn tài nguyên quý giá...

K.HÀ (Ghi)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chuyen-doi-xanh/202408/gop-y-du-thao-de-an-chuyen-doi-xanh-tinh-khanh-hoa-giai-doan-2024-2030-40f2f0e/
Zalo