Góp phần thực hiện mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội
Cùng với ngân sách nhà nước dành cho y tế, bảo hiểm y tế đã tạo ra nguồn tài chính công đáng kể cho việc khám bệnh, chữa bệnh, góp phần thực hiện mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội.
Thực hiện Kế hoạch của Ban Tuyên giáo Trung ương về triển khai Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới" (Đề án), sáng 19/9, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế toàn dân trong giai đoạn mới”.
Đồng chủ trì Tọa đàm có các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án; Trần Văn Thuấn, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án; Nguyễn Đức Hòa, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Thành viên Ban Chỉ đạo Đề án.
Tham gia Tọa đàm có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ Biên tập Đề án; đại diện một số ban, bộ, ngành Trung ương, bệnh viện tuyến Trung ương và Hà Nội; các chuyên gia trong lĩnh vực y tế, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH) cùng đại diện Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam.
ĐẾN NĂM 2023 CẢ NƯỚC CÓ 93,6 TRIỆU NGƯỜI THAM GIA BHYT
Phát biểu khai mạc và Đề dẫn Tọa đàm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai nhấn mạnh, BHYT là một trong những chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước, mang ý nghĩa nhân đạo và tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. BHYT là một mảng lớn trong hệ thống bảo hiểm xã hội là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Chính sách BHYT được Đảng và Nhà nướcta lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện từ năm 1992. Từ đó đến nay đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác bảo hiểm y tế như Chỉ thị số 38-CT/TW, Luật BHYT số 25/2008/QH12 và lấy ngày 1/7 hằng năm là “Ngày Bảo hiểm Y tếViệt Nam”...
Theo đồng chí Vũ Thanh Mai, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, công tác bảo hiểm y tế đạt được nhiều kết quả tích cực; nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và xã hội được nâng cao; tổ chức bộ máy, chính sách, nguồn lực, được tăng cường. Số người tham gia và tỷ lệ bao phủ BHYT năm sau luôn cao hơn năm trước, đến năm 2023 có 93,6 triệu người tham gia BHYT, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008, thời điểm chưa có Chỉ thị số 38-CT/TW, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,35% dân số. Việc tiếp cận dịch vụ y tế của người nghèo và các đối tượng hưởng chính sách xã hội đã được cải thiện rõ rệt. Quyền lợi trong khám bệnh, chữa bệnh của những người tham gia BHYT từng bước được mở rộng. Cùng với ngân sách Nhà nước dành cho y tế, BHYT đã tạo ra nguồn tài chính công đáng kể cho việc khám bệnh, chữa bệnh, góp phần thực hiện mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội.
Đồng chí Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, thực hiện sự phân công của Ban Bí thư về việc tổng kết 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan ban hành Kế hoạch, hướng dẫn các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn trực thuộc Trung ương tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW; Thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án; Tổng hợp báo cáo của 72 đơn vị, địa phương để bổ sung vào Đề án; Tổ chức các cuộc khảo sát...
Tọa đàm khoa học “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế toàn dân trong giai đoạn mới” nhằm xin ý kiến tham gia, đóng góp của các đồng chí trong Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án, chuyên gia, nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế về các sản phẩm của Đề án.
“Sau Tọa đàm này, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng với Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo Tổng kết và Tờ trình Ban Bí thư về tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW”, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai nêu.
PHẤN ĐẤU TỪ NĂM 2025 ĐẠT TRÊN 95% DÂN SỐ THAM GIA BHYT, TIẾN TỚI BHYT TOÀN DÂN
Tại Tọa đàm này, các đại biểu đã nghe báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương về quá trình triển khai Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, trong đó nhấn mạnh và làm rõ những nội dung kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW và các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh công tác BHYT trong giai đoạn mới, đặc biệt là BHYT toàn dân.
Trên cơ sở báo cáo và định hướng của chủ trì Tọa đàm, nhằm triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHYT và đẩy mạnh công tác BHYT toàn dân, các chuyên gia và đại diện cơ quan, đơn vị liên quan tham gia Tọa đàm đã thảo luận, phân tích, đề xuất nhiều ý kiến, tập trung vào những nhóm vấn đề trọng tâm sau:
Một là, bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến công tác BHYT trong giai đoạn mới.
Hai là, các nhiệm vụ giải pháp, các nguồn lực để phấn đấu từ năm 2025 trở đi đạt trên 95% dân số tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân. Nâng cao tỷ lệ người dân hoặc người sử dụng lao động mua BHYT, nâng cao tỷ lệ mua BHYT hộ gia đình, mở rộng các loại hình bảo hiểm như BHYT dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu và dịch vụ nâng cao sức khỏe cá nhân...
Ba là, các hoạt động triển khai hiệu quả các đề án, chương trình, kế hoạch cải cách thủ tục hành chính, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ; mở rộng cơ sở khám chữa bệnh BHYT, các dịch vụ và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT đặc biệt là tại tuyến y tế cơ sở.
Bốn là, thảo luận phương án tính đúng, tính đủ dịch vụ khám chữa bệnh BHYT, Quản lý quỹ BHYT, phương thức chi trả. Việc hỗ trợ trực tiếp vào việc điều trị cho người bệnh khi điều trị. Xem xét việc nâng mức nộp BHYT đối với người lao động tự do và đảm bảo phù hợp với tình hình hiện nay.
Năm là, thảo luận cho ý kiến về văn bản trình Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, vẫn còn hạn chế, bất cập như: Một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác BHYT, đặc biệt về kiểm tra, giám sát và giải quyết các vướng mắc; Hệ thống các văn bản hướng dẫn dưới Luật chưa đầy đủ, một số văn bản còn chồng chéo, thiếu thực tế, chưa đồng bộ, thống nhất; Sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan có nơi còn hình thức, thiếu chặt chẽ, chưa thường xuyên; Tỷ lệ bao phủ BHYT chưa bền vững; Tình trạng trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT còn tiếp diễn; Công tác giám định BHYT còn vướng mắc; Chất lượng khám chữa bệnh BHYT tại tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu...
Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế, yếu kém, bất cập là do nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, của một bộ phận nhân dân, người lao động, doanh nghiệp về nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm đối với BHYT còn hạn chế; Cơ quan quản lý BHYT, một số cơ sở y tế chưa phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp công tác; Tổ chức bộ máy quản lý về BHYT tại địa phương còn mang tính kiêm nhiệm; Cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng lực chuyên môn của cơ sở y tế ở tuyến cơ sở còn khó khăn; Mức đóng BHYT của người dân còn thấp...
Phát biểu kết luận Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, những kết quả, thành tựu đạt được đến nay sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, trong đó có tinh thần thực hiện nghiêm túc, đồng bộ giữa các bộ, ngành Trung ương liên quan và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, của Sở Y tế, các đơn vị, cơ sở y tế từ Trung ương đến địa phương trong toàn ngành y tế. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện công tác về BHYT.
Vì vậy trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị các bộ, ngành liên quan và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Sở Y tế, các đơn vị, các cơ sở y tế cần tiếp tục tiếp tục triển khai chất lượng, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện tốt chính sách, pháp luật về BHYT. Bộ Y tế sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về BHYT, đặc biệt là xây dựng và trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và xử lý kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách BHYT./.
Tin, ảnh: MINH THẾ