Góp phần nâng tầm sản phẩm OCOP
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến cuối tháng 11/2024, toàn tỉnh đã có 553 sản phẩm được công nhận sản phẩm đạt tiêu chí OCOP 3 sao trở lên. Góp phần vào sự phát triển của các sản phẩm OCOP, các chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai nhiều gói vay với lãi suất ưu đãi giúp nhiều hộ gia đình, cơ sở sản xuất, HTX có điều kiện mở rộng sản xuất, xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP, tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Nhiều năm trước đây, gia đình anh Trịnh Quang Ngọc ở xã Yên Phú (Yên Định) chỉ trồng nấm các loại để bán thô nên giá trị kinh tế không cao. Thông qua tín chấp của hội nông dân với Agribank Yên Định - Thanh Hóa, gia đình anh được vay 400 triệu đồng để mở rộng quy mô từ 2 lên 4 nhà trồng nấm, mua thêm máy móc chế biến các loại nấm và thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nấm Ngọc Việt. Hiện công ty đã có 2 sản phẩm là trà túi lọc linh chi và nấm ngân nhĩ Ngọc Việt đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Anh Ngọc cho biết: "Ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, gia đình tôi được vay vốn từ Agribank Yên Định với số tiền chưa đến 100 triệu đồng và đến nay lên tới 400 triệu đồng. Chính nguồn vốn từ ngân hàng đã giúp doanh nghiệp phát triển, đưa thương hiệu sản phẩm của Ngọc Việt có mặt trên kệ siêu thị của các thị trường ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Không chỉ cung cấp nguồn vốn ưu đãi, ngân hàng còn đồng hành trong việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ khác, tư vấn doanh nghiệp sử dụng đồng vốn an toàn, hiệu quả. Chúng tôi rất mong được ngân hàng tiếp tục tạo điều kiện về vốn vay ưu đãi để đầu tư thêm một số sản phẩm mới trong thời gian tới".
Không riêng sản phẩm là trà túi lọc linh chi và nấm ngân nhĩ Ngọc Việt, còn rất nhiều sản phẩm OCOP khác trên địa bàn huyện Yên Định cũng nhận được sự đồng hành của Agribank. Bám sát định hướng, mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP, Agribank Yên Định đã tăng cường giới thiệu, quảng bá các chương trình hỗ trợ về mặt lãi suất đến các cấp chính quyền, chủ thể OCOP trên địa bàn huyện. Qua đó các chủ thể OCOP có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn và các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng. Từ nguồn vốn vay của Agribank, các hộ gia đình, doanh nghiệp, HTX đã đầu tư thêm trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, duy trì và phát triển các sản phẩm OCOP, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần vào sự phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, XDNTM tại địa phương. Đến nay, huyện Yên Định đã có 31 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên.
Xác định nông nghiệp là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, Agribank đã triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách để đồng hành cùng nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Các ngân hàng đã tích cực huy động vốn, cân đối, bố trí ưu tiên nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay đối với các nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM giai đoạn 2021-2025; Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Cải cách thủ tục vay vốn theo hướng đơn giản để người có nhu cầu dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Kết quả, đến cuối tháng 11/2024, các chi nhánh Agribank trên địa bàn tỉnh có dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng tại tất cả các huyện trực thuộc, chiếm gần 75% tổng dư nợ cho vay toàn chi nhánh, với hơn 200.000 khách hàng đang vay vốn. Ngoài việc cho vay hỗ trợ lãi suất theo các chương trình của Chính phủ, Agribank còn là ngân hàng tiên phong trong việc thực hiện giảm lãi suất tiền vay, luôn có mức lãi suất cho vay thấp nhất tại thị trường nông nghiệp, nông thôn theo đúng quy định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Các ngân hàng cũng tích cực đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi dành cho các sản phẩm OCOP, đồng hành cùng doanh nghiệp, HTX, người dân phát triển sản phẩm lợi thế của địa phương, trở thành “bà đỡ” cho nhiều sản phẩm OCOP phát triển. Một số sản phẩm điển hình như giò bò ở huyện Ngọc Lặc, Hậu Lộc; khâu nhục, lạp sườn ở huyện Bá Thước; chè lam Phủ Quảng ở huyện Vĩnh Lộc; nước mắm Lê Gia ở huyện Hoằng Hóa; mắm tép ở thị xã Nghi Sơn; gạo tím quê ở huyện Nông Cống; dưa baby ở huyện Thiệu Hóa...
Để tiếp tục tạo thuận lợi trong phát triển sản xuất, hoàn thiện, nâng hạng các sản phẩm OCOP, các chi nhánh Agribank trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cường công tác cho vay hỗ trợ lãi suất theo các chương trình của chính phủ, các chương trình chính sách cho vay ưu đãi... nhằm hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, góp phần XDNTM trên phạm vi toàn tỉnh. Đồng thời, cam kết sẵn sàng cung ứng nguồn vốn nhanh, kịp thời, với lãi suất ưu đãi đối với những khách hàng tham gia chương trình OCOP, đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp hàng hóa phát triển.