Góp phần hồi sinh những trái tim lầm lỗi

Giữa đại ngàn hùng vĩ, Trại giam Đắk Trung (xã Ea KPam, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) hiện lên như một ốc đảo biệt lập.

Nơi đây, những cánh cổng sắt lạnh lẽo giam giữ số phận của những con người lầm lỡ. Nhưng đằng sau những bức tường kiên cố ấy, có một người đàn ông đã dành 40 năm cuộc đời mình để thắp lên ngọn lửa hy vọng, dẫn lối cho những mảnh đời lầm lạc trở về với lương thiện. Đó là Đại tá Lê Trọng Ngà, Phó giám thị phụ trách Phân trại số 1.

Chứng nhân của những đổi thay

Gặp Đại tá Lê Trọng Ngà trong một buổi chiều muộn, khi ánh nắng cuối ngày đang dần tắt, tôi cảm nhận được sự ấm áp và gần gũi từ người đàn ông có khuôn mặt hiền hòa, mái tóc đã điểm bạc. Gần một thập kỷ gắn bó với công tác quản lý giáo dục phạm nhân, Đại tá Lê Trọng Ngà đã vượt qua nhiều gian nan, thử thách và chứng kiến bao thăng trầm, đổi thay của Trại giam Đắk Trung.

Năm 1985, tròn 18 tuổi, Lê Trọng Ngà tạm biệt quê hương, gia đình để thực hiện nghĩa vụ công an. Đến năm 1988, Trọng Ngà được điều động về công tác tại Trại giam Đắk Trung. Với tinh thần kỷ luật và nhiệt huyết của tuổi trẻ, Trọng Ngà nhanh chóng trưởng thành trong môi trường khắc nghiệt. Năm 22 tuổi, Ngà vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, mở ra một hành trình dài cống hiến và phục vụ nhân dân.

Nhớ lại những ngày đầu đặt chân đến nơi này, ông không khỏi bàng hoàng. Trại giam lọt thỏm giữa những cánh rừng ngút ngàn, mọi thứ còn hoang sơ. Cơ sở vật chất của đơn vị nghèo nàn, lạc hậu, đường sá đi lại rất khó khăn. Những khu giam giữ chỉ là nhà tranh, vách lá, điều kiện làm việc của cán bộ cũng vô cùng gian khổ. Trong khi đó, phạm nhân đa dạng về thành phần, tính cách, lại mang trong mình những vết thương lòng sâu sắc, rất khó để cảm hóa.

“Lúc mới vào ngành, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhưng khó khăn nhất không phải là điều kiện sống mà chính là tâm lý của những người đứng sau song sắt. Tôi luôn xác định là một người đảng viên phải cống hiến và hy sinh hơn bao giờ hết, vì đây là nghề cao quý, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự nên dù khó khăn đến đâu cũng phải kiên trì, không ngại khó, ngại khổ, quyết tâm cùng đồng đội chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”, Đại tá Lê Trọng Ngà tâm sự.

Đại tá Lê Trọng Ngà (bên phải) trò chuyện với các phạm nhân Trại giam Đắk Trung.

Đại tá Lê Trọng Ngà (bên phải) trò chuyện với các phạm nhân Trại giam Đắk Trung.

Từ năm 1995 đến 1996, được sự quan tâm của Bộ Công an, cơ sở giam giữ của Trại giam Đắk Trung từng bước được xây dựng kiên cố, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý phạm nhân. Thế nhưng số lượng phạm nhân ngày càng tăng, tội phạm cũng manh động, phức tạp hơn. Có phạm nhân mang đến 8 tiền án, bước vào trại với thái độ bất cần, chống đối quyết liệt. Nhiều người không tin vào pháp luật, không tin vào công tác giáo dục trong trại giam.

“Trại giam như một xã hội thu nhỏ, rất phức tạp. Phạm nhân ở đây đủ mọi thành phần, người phạm tội do phút nóng giận, kẻ sa ngã vì cám dỗ, có cả những trường hợp tái phạm nhiều lần. Nếu nhìn họ bằng con mắt của người thi hành luật pháp, ta sẽ chỉ thấy lỗi lầm. Nhưng nếu nhìn họ với sự bao dung, ta sẽ thấy họ vẫn còn cơ hội sửa sai”, Đại tá Lê Trọng Ngà chia sẻ.

40 năm trong ngành công an thì 38 năm Đại tá Lê Trọng Ngà gắn bó với Trại giam Đắk Trung, trải qua nhiều vị trí công tác đã tôi luyện cho ông sự gan dạ, can trường khi nhiều lần đối diện với nguy hiểm trong lúc thực hiện nhiệm vụ. Trầm ngâm, ông kể lại khoảng thời gian khi tham gia công tác trinh sát của đơn vị, có những chuyến công tác kéo dài 8 tháng, một mình ông lặn lội khắp các tỉnh, thành phố để truy bắt tội phạm truy nã.

Có nhiều đêm ông thức trắng để lần theo dấu vết đối tượng. Trong một lần truy bắt tội phạm tại tỉnh Gia Lai, ông suýt mất mạng khi đối mặt với một đối tượng hung hãn, có vũ khí. Mặc dù vậy, ông luôn giữ vững bản lĩnh, tinh thần thép của một chiến sĩ Công an nhân dân và chưa từng có ý nghĩ bỏ cuộc. Đó cũng là lần ông lập chiến công khi một mình bắt được 8 đối tượng truy nã, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương.

Người thầy tận tụy giúp phạm nhân hoàn lương

Ở trại giam, Đại tá Lê Trọng Ngà không chỉ là đảng viên gương mẫu, giám thị nghiêm khắc mà còn như người cha, người thầy, người anh, người bạn với những số phận lầm lỡ. Với phương châm “lấy tình thương để cảm hóa”, ông đã xây dựng mối quan hệ gần gũi, tin tưởng với phạm nhân. Ông thuộc tên hàng trăm phạm nhân, hiểu từng câu chuyện phía sau mỗi bản án. Có người vào tù khi còn trẻ, có người chỉ còn vài năm để sống, có những người phụ nữ lỡ lầm mà mất đi cơ hội làm mẹ, ở bên con.

Trong quá trình công tác, Đại tá Ngà luôn trăn trở làm thế nào để giúp phạm nhân thay đổi nhận thức, hành vi để trở thành người có ích cho xã hội. Ông đã cùng các cán bộ trong đơn vị xây dựng nhiều chương trình giáo dục, dạy văn hóa, dạy nghề và tổ chức các chương trình cải tạo tư tưởng. Những lớp học chữ, học nghề mộc, đan lát, trồng rau ra đời, giúp hàng trăm phạm nhân có kỹ năng lao động sau khi mãn hạn tù. “Tôi luôn tâm niệm giáo dục phạm nhân không chỉ là giúp họ chấp hành án phạt mà còn giúp họ thay đổi nhận thức, hành vi để trở thành người có ích cho xã hội. Vì vậy, chúng tôi luôn chú trọng giáo dục pháp luật, đạo đức, kỹ năng sống cho phạm nhân”, Đại tá Ngà cho biết.

Nhờ sự tận tâm, nhiệt huyết của Đại tá Ngà và các cán bộ Trại giam Đắk Trung, hàng nghìn phạm nhân đã được cảm hóa, giáo dục. Nhiều người sau khi ra tù đã tìm được việc làm ổn định, xây dựng gia đình hạnh phúc, trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Đại tá Ngà đã chứng kiến biết bao câu chuyện cảm động về sự hoàn lương của phạm nhân. “Tôi còn nhớ một phạm nhân tên T, khi vào trại rất ngang bướng, bất cần. Nhưng sau một thời gian tôi và các cán bộ của trại quan tâm, giúp đỡ, T đã thay đổi hoàn toàn. Khi ra tù, nhờ học tốt nghề mộc, T đã tìm được việc làm, rồi lập một xưởng mộc và xây dựng gia đình hạnh phúc. Mỗi khi có dịp, T lại đến thăm tôi và mọi người. T coi chúng tôi như người thân trong gia đình”, Đại tá Lê Trọng Ngà xúc động kể lại.

Những câu chuyện như vậy là nguồn động lực lớn lao giúp Đại tá Lê Trọng Ngà tiếp tục gắn bó với công việc đầy khó khăn, thử thách này. Ông tin rằng, mỗi phạm nhân đều có cơ hội để hoàn lương, chỉ cần có sự quan tâm, giúp đỡ chân thành. Vì lẽ đó, trại giam dưới sự quản lý của ông luôn có tỷ lệ tái phạm thấp. Hằng năm, nhiều phạm nhân cải tạo tốt được xét đặc xá, trở về đoàn tụ với gia đình và trở thành những công dân có ích.

Lặng lẽ một đời cống hiến

Giờ đây, dù sắp đến tuổi nghỉ hưu, Đại tá Lê Trọng Ngà vẫn ngày ngày đi kiểm tra từng khu giam giữ, trò chuyện với từng phạm nhân; chia sẻ, động viên các giám thị trẻ. Ông bảo, công việc này không chỉ là nhiệm vụ mà là sứ mệnh, là nhân duyên của đời ông.

Cuộc đời ông là một hành trình lặng lẽ nhưng đầy ý nghĩa. Trên hành trình ấy, ông luôn cảm ơn gia đình, đặc biệt là người bạn đời đã luôn đồng hành, hy sinh và chia sẻ với đặc thù công việc của chồng, công việc mà thời gian ở trại nhiều hơn ở nhà. Nhà ông cách Trại giam Đắk Trung hơn 20km, một tuần ông chỉ về tranh thủ được hai đêm. Có những đợt phải trực thường xuyên nên cả tháng không được về nhà. Một mình vợ ông chăm lo nhà cửa, nuôi dạy hai con để ông yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt hơn, con gái ông cũng có niềm đam mê, cùng chung chí hướng và trở thành đồng chí, đồng đội với ông, thắp lên ngọn lửa hy vọng cho hàng nghìn phạm nhân, giúp họ tìm lại con đường lương thiện.

Khi được hỏi về những thành tích, khen thưởng mà ông được nhận trong suốt quá trình công tác, Đại tá Ngà xua tay mỉm cười đôn hậu nhìn về phía cánh cổng trại giam với đôi mắt ánh lên niềm hy vọng mới: “Tôi cũng như các anh em ở đây, đã là người đảng viên chỉ mong được cống hiến cho tổ chức, cho đơn vị. Hơn nữa, tôi mong rằng những người từng lầm lỡ sẽ có cơ hội làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho xã hội. Đó là thành quả và niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi”.

Đại tá Lê Trọng Ngà nguyện dành cả cuộc đời để cống hiến và gieo mầm thiện lương. Và ngọn lửa hy vọng mà ông thắp lên vẫn đang cháy sáng, soi đường cho những mảnh đời lầm lỡ.

Bài và ảnh: LÊ THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/gop-phan-hoi-sinh-nhung-trai-tim-lam-loi-824738
Zalo