Góp phần đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống nơi cuối trời Tây Bắc (bài 2)

Song song với việc phát triển kinh tế, tỉnh Lai Châu chú trọng phát triển văn hóa, xã hội và đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Bài 2: Văn hóa - xã hội phát triển đồng bộ

Công tác giáo dục đạt nhiều thành tựu

Cùng với học sinh cả nước, học sinh trên địa bàn tỉnh Lai Châu đang phấn khởi bước vào đầu năm học mới với tâm thế mới để đón nhận những tri thức mới. Đến Trường Trung học phổ thông (THPT) Chuyên Lê Quý Đôn thành phố Lai Châu vào ngày sau khai giảng, chúng tôi thấy một không khí học tập hăng say đang diễn ra. Đây là ngôi trường có nhiều học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia nhất trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Năm học 2023-2024, tỉnh Lai Châu có 13 thí sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia THPT đều là học sinh của trường.

Đồng chí Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh (thứ 5, từ phải sang) trao Bằng khen của UBND tỉnh Lai Châu cho các giáo viên và học sinh đạt thành tích cao trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023-2024. Ảnh: Kim Anh

Đồng chí Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh (thứ 5, từ phải sang) trao Bằng khen của UBND tỉnh Lai Châu cho các giáo viên và học sinh đạt thành tích cao trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023-2024. Ảnh: Kim Anh

Em Lê Thị Thảo, học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn thành phố Lai Châu chia sẻ: "Em rất yêu thích môn Lịch sử và đã dành thời gian học, tìm hiểu kiến thức về môn học. Qua đó, giúp em hiểu sâu sắc hơn về đất nước, con người Việt Nam. Em mong rằng sẽ có nhiều học sinh yêu thích môn Lịch sử".

Thực hiện lời Bác dạy “Vì lợi ích mười năm trồng cây/Vì lợi ích trăm năm trồng người”, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đưa ra nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Do vậy, công tác giáo dục và đào tạo được tỉnh Lai Châu chú trọng thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỉnh đã giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học cơ sở mức độ 1 trở lên. Đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh Lai Châu cơ bản đáp ứng được yêu cầu, tỷ lệ đạt chuẩn gần 87% (tăng 20,1% so với năm 2020). Năm học 2023-2024, tỉnh Lai Châu có 10 giáo viên được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú”.

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, giáo viên Trường Trung học cơ sở Đoàn Kết, thành phố Lai Châu, là một trong 10 nhà giáo vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” cho biết: "Tôi là một giáo viên ở ngoại thành Hà Nội lên Lai Châu công tác vào năm 2007. Với mong muốn mang thật nhiều tri thức đến cho học sinh, tôi luôn trau dồi kiến thức, tìm tòi phương pháp dạy để các em hiểu bài nhanh và hiệu quả nhất".

Trao đổi với chúng tôi về công tác giáo dục trên địa bàn tỉnh Lai Châu, đồng chí Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết: "Thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng, đổi mới căn bản, phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo. Chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh được nâng lên. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, Lai Châu là một trong 34 tỉnh, thành phố của cả nước đạt phổ cập Tiểu học mức độ 3 - mức độ cao nhất. Ngày càng có nhiều tấm gương giáo viên và học sinh điển hình tiêu biểu trong dạy và học. Sau 20 năm chia tách và thành lập tỉnh, lần đầu tiên, tỉnh Lai Châu có học sinh đạt giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT. Nhiều học sinh tiêu biểu ở các cấp học được Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Lai Châu tặng Bằng khen và nhiều phần thưởng xứng đáng khác".

Bảo tồn bản sắc văn hóa tốt đẹp

Đến với Lai Châu, ngoài được thưởng thức những đặc sản như thịt treo gác bếp thơm ngon, gạo dâu mềm dẻo, rượu men lá cay nồng..., mọi người sẽ được xem các tiết mục văn nghệ đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện nay, phong trào văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh Lai Châu phát triển sâu rộng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân vùng biên viễn.

Nhiều lễ hội được tổ chức góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Ảnh: Kim Anh

Nhiều lễ hội được tổ chức góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Ảnh: Kim Anh

Với 20 dân tộc cùng sinh sống, song song với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Lai Châu quan tâm chỉ đạo phát triển toàn diện. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định một trong 4 chương trình trọng điểm của tỉnh là bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17/2/2021 về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030.

Do vậy, nhiều lễ hội đặc sắc trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã được khôi phục và phát huy, nhất là ở các huyện biên giới, trong đó, 10 lễ hội đã được phục dựng; duy trì tổ chức 34 lễ hội ở 8 huyện, thành phố; đã triển khai thực hiện 4 đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh về nghiên cứu, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc.

Là một huyện biên giới, những năm qua, Phong Thổ là một trong những địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực thực hiện công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc. Đồng chí Mai Thị Hồng Sim, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: "Huyện đã khôi phục nhiều lễ hội truyền thống như Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu, Áp hô chiêng... Cùng với đó, huyện đã và đang đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng. Một trong những địa danh được khách du lịch yêu thích, đó là bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ đạt “Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3”...

Phong trào văn hóa, văn nghệ trong quần chúng của tỉnh Lai Châu không ngừng phát triển. Toàn tỉnh có 975 đội văn nghệ thôn bản (tăng 20 đội so với năm 2020). Duy trì hiệu quả hoạt động của 946 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố, 95 nhà văn hóa cấp xã.

Cùng với đó, tỉnh Lai Châu đã tăng cường công tác quảng bá hình ảnh về văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh với bạn bè trong và ngoài nước bằng việc tham gia các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức và tỉnh đã đăng cai tổ chức các ngày hội quy mô toàn quốc.

Nhờ thực hiện tổng thể các giải pháp, lượng khách du lịch đến Lai Châu tăng qua các năm, trong giai đoạn 2021-2023, tổng lượt khách ước đạt gần 2 triệu lượt, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 39,6%/năm (cao hơn mục tiêu của Nghị quyết đã đề ra là 19,6%). Lai Châu đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.

Việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, tỉnh Lai Châu đã góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo; bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được giữ gìn và phát huy, tạo điểm nhấn cho du lịch Lai Châu ngày càng khởi sắc.

Bài 3: Chú trọng công tác xây dựng Đảng và đối ngoại

Kim Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/gop-phan-dua-nghi-quyet-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-vao-cuoc-song-noi-cuoi-troi-tay-bac-bai-2-post481521.html
Zalo