'Góp nhặt' của người thầy một đời gắn bó với môn sử

Sách 'Góp nhặt - Tìm hiểu lịch sử Việt' giúp người đọc có cái nhìn thấu đáo hơn và tỏ tường những nhân vật, đồng thời góp phần tái hiện lại sự kiện lịch sử của dân tộc ta thời xưa đã trải qua quá khứ hào hùng như thế nào.

Sách Góp nhặt - Tìm hiểu lịch sử Việt của tác giả Trần Viết Ngạc là tập hợp những bài viết về từng sự kiện, nhân vật hay vấn đề lịch sử, bằng tư liệu hoặc mới phát hiện hoặc có từ lâu nhưng được tác giả đọc và phân tích theo nhãn quan riêng, soi lại hiện thực dưới góc nhìn mới.

 Sách Góp nhặt - Tìm hiểu lịch sử Việt. Ảnh: QM.

Sách Góp nhặt - Tìm hiểu lịch sử Việt. Ảnh: QM.

Thêm tư liệu mới, góc nhìn mới

Tác giả Trần Viết Ngạc tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế và Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Ông có hơn 50 năm dạy sử, nghiên cứu sử. Các bài viết tập hợp trong Góp nhặt - Tìm hiểu lịch sử Việt là kết quả nghiên cứu nhiều năm của ông trong quá trình giảng dạy, có những đề tài đã theo ông, và có những đề tài ông đã theo đuổi nó từ rất lâu. Điều thú vị là các bài viết của ông đều có phát hiện mới và khác biệt nổi bật là cách ông tiếp cận hiện thực lịch sử và trình bày kết quả nghiên cứu của mình.

Các tài liệu tác giả sử dụng trong sách cũng rất đa dạng, từ thư tịch Hán Nôm đến ảnh chụp, văn bản gốc từ lưu trữ của Việt Nam, của Pháp. Ngoài ra, tác giả còn dày công điền dã, hoặc kế thừa kết quả nghiên cứu điền dã của đồng nghiệp. Điều này cho phép các nghiên cứu của tác giả có độ thuyết phục cao, có chứng lý rõ ràng, giúp chúng ta tỏ tường những sự kiện, nhận diện những con người, và suy xét lại, ngẫm nghĩ thêm về những vấn đề.

Góp nhặt - Tìm hiểu lịch sử Việt gồm 35 bài viết về các sự kiện mà chúng ta tưởng chừng biết rõ vì đã có nhiều người tường thuật, nhưng tác giả cho thêm tư liệu mới, góc nhìn mới, làm rõ khía cạnh mới, giúp hiểu đúng và sâu hơn. Chẳng hạn như các hiệp ước ký giữa triều đình Nguyễn và Pháp, các cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Kỳ, sự kiện “bốn tháng ba vua”, các hoạt động Đông Du, Duy Tân, cuộc dân biến ở Trung Kỳ năm 1908, trận Điện Biên Phủ.

Hay sự kiện ít người biết về lá quốc kỳ Việt Nam đầu tiên tung bay trong cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917; Côn Lôn ký, quyển sử tù Côn Lôn đầu tiên do tù nhân viết. Tác giả còn đính kèm ảnh minh họa lá cờ - sai, vì được vẽ theo hình dung của chính ông, để dạy học - và lá cờ đúng, mà do duyên may về sau ông mới được tiếp cận ảnh đen trắng của một hiện vật liên quan, để hiểu ra và tự sửa.

Tích lũy từ một đời học sử và dạy sử

Tác giả cũng giúp chúng ta nhận diện - kể cả hiểu theo nghĩa đen, vì nhiều nhân vật được kèm ảnh chân dung - rõ hơn nhiều nhân vật quan trọng như Nguyễn Hoàng, Trịnh Kiểm, Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh, các vua Thiệu Trị, Tự Đức cùng cận thần như Tôn Thất Thuyết và đặc biệt là Nguyễn Văn Tường, những yếu nhân của Đông Du - Duy Tân như Nguyễn Thượng Hiền, Tăng Bạt Hổ, Ngô Đức Kế.

 Nhà giáo Trần Viết Ngạc có hơn 50 năm dạy sử, nghiên cứu sử. Ảnh: NXBTHTP.HCM.

Nhà giáo Trần Viết Ngạc có hơn 50 năm dạy sử, nghiên cứu sử. Ảnh: NXBTHTP.HCM.

Ông cũng giúp chúng ta hiểu tường tận, thấu đáo hơn quan hệ Phan Bội Châu - Trần Quý Cáp, Phan Bội Châu - Cường Để và quan trọng nhất, quan hệ Phan Bội Châu - Phan Châu Trinh. Chân dung người yêu nước có thêm những khuôn mặt sinh động: Huỳnh Thúc Kháng như sử gia của phong trào Duy Tân, và cả Đỗ Đăng Tuyển, Châu Thượng Văn hay Nguyễn Hữu Tuệ, chất vàng ròng “giữa đám than tro” (Phan Bội Châu).

Đặc biệt cảm động và để lại cho chúng ta nhiều bài học là hai đàn tế chiến sĩ trận vong của Nguyễn Phúc Hiệp dùng cùng một lễ thái lao cho tử sĩ cả Đàng Trong, Đàng Ngoài; là tư tưởng của chí sĩ khởi xướng dân quyền Phan Châu Trinh, mà tác giả Trần Viết Ngạc đề nghị khắc trên khu lưu niệm nhà chí sĩ: “Độc lập mà không có dân chủ chẳng phải là hạnh phúc”.

Theo TS Bùi Trân Phượng “Ai cũng nhìn nhận sự việc, con người và phân tích, đánh giá vấn đề trên cơ sở nhận thức và giá trị của mỗi người chúng ta vào thời điểm nào đó. Khi có thêm tư liệu mới, dữ kiện mới, trải nghiệm mới chúng ta chắc chắn phải xem xét thêm, cân nhắc lại. Và ai cũng có thể thay đổi nhận thức, quan điểm của mình khi thấy đủ cơ sở, đủ lý do thay đổi. Chỉ có điều, người học sử có tư duy khoa học thì luôn cần mẫn thu thập tư liệu và nghiêm túc trong lập luận, chân thành, cẩn trọng trong nhận định của mình.

Tích lũy từ một đời học sử và dạy sử như vậy, nhà giáo Trần Viết Ngạc đã chia sẻ một phần hiểu biết của ông qua quyển sách này, như một món quà đầy tâm huyết gởi đến độc giả. Là đồng nghiệp, là người đọc, xin trân trọng cám ơn công sức và tấm lòng của ông”.

Cũng theo TS Bùi Trân Phượng, sách Góp nhặt - Tìm hiểu lịch sử Việt mà nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc khiêm tốn dùng từ Góp nhặt là một quyển sách sử Việt xứng đáng được đưa vào nhiều thư viện, nhất là các thư viện trường học, tủ sách gia đình. Nó giúp người ta học sử, dạy sử và thêm hiểu, thêm yêu lịch sử Việt Nam, không phải một cách hồn nhiên, bản năng hay theo quan điểm chính thống nào, mà từ hiểu biết lý trí, từ cảm xúc chân thật.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://znews.vn/gop-nhat-cua-nguoi-thay-mot-doi-gan-bo-voi-mon-su-post1551608.html
Zalo