Google thay đổi chính sách minh bạch của Android khiến các nhà phát triển Trung Quốc lo lắng, HarmonyOS hưởng lợi

Trước thông tin Google không còn phát triển hệ điều hành Android công khai nữa, một số nhà phát triển tin rằng điều này có thể mang lại lợi thế cho HarmonyOS của Huawei.

Hôm 28.3, gã khổng lồ công nghệ Google (Mỹ) đã trấn an các nhà phát triển tại Trung Quốc rằng hệ điều hành di động Android vẫn sẽ là mã nguồn mở, sau khi việc thay đổi cách thức công bố mã nguồn của họ làm dấy lên lo ngại rằng nhiều người có thể mất quyền truy cập.

Google, thuộc sở hữu của Alphabet, đã gửi thông báo tới các đối tác tại Trung Quốc để đảm bảo rằng công ty sẽ tiếp tục tải toàn bộ mã nguồn của các bản cập nhật trong tương lai lên Android Open Source Project (AOSP), mà không giải thích thêm về tần suất cập nhật, tờ China Business News đưa tin hôm 28.3.

AOSP là nền tảng mã nguồn mở của Android. Đây là nơi Google công khai mã nguồn của hệ điều hành này để các nhà phát triển có thể sử dụng, tùy chỉnh và đóng góp.

Mục đích của AOSP

Cung cấp một phiên bản Android mở và miễn phí mà các nhà phát triển, nhà sản xuất thiết bị và cộng đồng có thể sử dụng.

Cho phép các công ty như Samsung, Xiaomi, Oppo... tùy chỉnh Android theo nhu cầu riêng (chẳng hạn như MIUI của Xiaomi hay One UI của Samsung).

Hỗ trợ cộng đồng lập trình viên trong việc phát triển ứng dụng, ROM tùy chỉnh và cải tiến hệ điều hành.

Song dù Android là mã nguồn mở, Google vẫn kiểm soát chặt chẽ các dịch vụ quan trọng như Google Play Store, Google Maps, YouTube và các API (giao diện lập trình ứng dụng quan trọng thông qua Google Mobile Services (GMS). Các thiết bị Android không được cấp phép từ Google (ví dụ smartphone Huawei) có thể sử dụng AOSP nhưng không có GMS.

Động thái này diễn ra sau khi trang Android Authority hôm 26.3 đưa tin Google sẽ phát triển các phiên bản Android trong nội bộ và chỉ chia sẻ mã nguồn khi bản cập nhật lớn đã sẵn sàng phát hành.

Điều đó sẽ đánh dấu sự thay đổi so với cách tiếp cận mà Google thực hiện trước đây, trong đó Android được phát triển công khai với các bản cập nhật thường xuyên có trong kho lưu trữ mã AOSP.

Google không trả lời Android Authority khi được đề nghị bình luận về chuyện này.

Thông tin trên đã gây bất ổn cho cộng đồng nhà phát triển tại Trung Quốc, nơi Android đang vận hành gần như phần lớn smartphone không thuộc Huawei (dùng HarmonyOS) hoặc Apple (dùng iOS).

Các nhà phát triển lo ngại rằng sự thay đổi này có thể làm tăng chi phí và gây nguy hiểm cho việc phát triển ứng dụng, có khả năng phân mảnh hệ sinh thái Android. Một nhà phát triển ứng dụng nói điều này với trang SCMP. Đang làm việc cho một hãng công nghệ lớn của Trung Quốc, nhà phát triển này yêu cầu không nêu tên vì ta không được phép nói chuyện với giới truyền thông.

Việc thay đổi chính sách này làm dấy lên câu hỏi về sự phân mảnh công nghệ trong bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng. Huawei phát triển hệ điều hành HarmonyOS của riêng mình, hiện không còn tương thích với ứng dụng Android, và thu hút được nhiều nhà phát triển Trung Quốc chuyển sang nền tảng này.

Nhà phát triển Trung Quốc nói chuyện với SCMP gần đây đã chuyển sang nhóm HarmonyOS của công ty mình. Anh cho biết quyết định mới nhất của Google có thể thúc đẩy sự phổ biến của HarmonyOS.

Rộ tin Google sẽ phát triển các phiên bản Android trong nội bộ và chỉ chia sẻ mã nguồn khi bản cập nhật lớn đã sẵn sàng phát hành - Ảnh: Shutterstock

Rộ tin Google sẽ phát triển các phiên bản Android trong nội bộ và chỉ chia sẻ mã nguồn khi bản cập nhật lớn đã sẵn sàng phát hành - Ảnh: Shutterstock

Từ khi Apple ra mắt iPhone vào năm 2007, Google đã dành nhiều năm để phát triển một hệ điều hành nguồn mở thay thế iOS, biến Android trở thành hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới, với hệ sinh thái sôi động thu hút các nhà phát triển. Hiện tại, Android vận hành hơn 2,5 tỉ thiết bị hoạt động, gồm smartphone, máy tính bảng và tivi thông minh. Theo công ty phân tích StatCounter, tính đến tháng 2, Android chiếm hơn 71% thị phần hệ điều hành di động toàn cầu.

Thành công của Android một phần đến từ chính sách phát triển mã nguồn mở, cho phép các nhà phát triển toàn cầu duy trì các nhánh riêng của mã AOSP trong khi Google cập nhật phiên bản mới.

Việc Google thay đổi cách tiếp cận khiến cộng đồng nhà phát triển Trung Quốc tranh luận sôi nổi về việc liệu Android có trở nên kém minh bạch và ít mở hơn hay không. Một chủ đề liên quan trên Zhihu (nền tảng hỏi đáp của Trung Quốc tương tự Quora) đã thu hút hơn 2,1 triệu lượt xem.

Tuy nhiên, một số nhà phát triển không hề nao núng trước sự thay đổi này, tin rằng nó không có khả năng ảnh hưởng lớn đến công việc của họ.

"Các nhà phát triển ứng dụng di động thường xây dựng ứng dụng dựa trên phiên bản Android ổn định chứ không phải phiên bản nội bộ. Miễn là Google vẫn duy trì lịch trình phát hành phiên bản Android như kế hoạch thì sẽ không có nhiều tác động", theo Li An, nhà phát triển độc lập sống tại thành phố Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc.

Kết quả nghiên cứu mới nhất từ hãng Counterpoint Research cho thấy HarmonyOS hiện chiếm 19% thị phần tại Trung Quốc đại lục, hơn iOS 2%. Android vẫn là hệ điều hành chiếm ưu thế với 64% thị phần trong quý 4/2024. Đáng chú ý, Huawei đã duy trì vị trí dẫn đầu trước Apple về hệ điều hành trong suốt năm 2024, đánh dấu cột mốc quan trọng cho công ty sau những khó khăn do lệnh trừng phạt của Mỹ.

Huawei đã tham dự AWE 2025 (Triển lãm Thiết bị gia dụng và điện tử tiêu dùng Trung Quốc) cách đây vài này. Tại sự kiện, ông Richard Yu, Chủ tịch mảng Kinh doanh Giải pháp tiêu dùng và Ô tô thông minh của Huawei, cho biết HarmonyOS có khả năng trở thành đối thủ cạnh tranh lớn thứ ba trong thị trường hệ điều hành máy tính cá nhân, vốn đang bị thống trị bởi Apple và Microsoft.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/google-thay-doi-chinh-sach-minh-bach-cua-android-khien-cac-nha-phat-trien-trung-quoc-lo-lang-harmonyos-huong-loi-230933.html
Zalo