Gồng mình ứng phó với nắng hạn
Dưới tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt và nắng nóng kéo dài trong nhiều tháng qua khiến mực nước tại các sông, suối, ao, hồ, đập dâng trong tỉnh Gia Lai giảm mạnh, nguy cơ xảy ra hạn hán trên diện rộng là rất lớn.
Bà con nông dân các địa phương đang phải gồng mình ứng phó với nắng hạn. Đặc biệt, nhiều diện tích cà phê đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới.
Nguy cơ thiếu nước tưới
Dù chỉ mới bước vào đợt tưới thứ 3 cho cây cà phê nhưng hồ chứa nước làng Ku Tong (xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) đã trơ đáy. Để có nước tưới cho vườn cà phê của mình, nhiều hộ dân phải đào mương, rãnh dẫn lượng nước ít ỏi còn lại bơm tưới cho cây trồng. Thế nhưng, do mạch nước ngầm giảm sâu nên cũng chỉ đủ tưới trong vài giờ đồng hồ thì cạn, phải nghỉ chờ nước lên.
Ông Lê Văn Hường (tổ 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) cho hay: “Nắng hạn ngày càng diễn biến phức tạp, năm sau gay gắt hơn năm trước, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. 2 ha cà phê của gia đình tôi ở làng Ku Tong mới bắt đầu tưới đợt 3 nhưng lượng nước trong hồ Ku Tong đã cạn kiệt. Trong khi đó, cà phê đang trong giai đoạn nuôi quả nên rất cần nguồn nước. Tôi đã túc trực ở đây 4-5 ngày rồi nhưng cũng chỉ mới tưới được khoảng 1 ha.
Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, chỉ vài ngày nữa, lượng nước trong hồ sẽ không còn. Không chỉ gia đình tôi mà hầu hết người trồng cà phê ở khu vực này cũng mới tưới được 3 đợt, giờ chỉ trông chờ mùa mưa đến sớm để cứu vườn cây, nếu không nguy cơ mất mùa vụ là rất cao”.

Hồ Ku Tong (xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) đã gần cạn kiệt nguồn nước. Ảnh: Q.T
Cách đó không xa, ông Nguyễn Thanh Liêu (tổ 4, thị trấn Ia Kha) cũng đang tìm mọi cách để lấy nước từ hồ Ku Tong tưới cho vườn cà phê của mình. “Năm nay, thời tiết khắc nghiệt hơn, mực nước tại hồ Ku Tong giảm nhanh hơn những năm trước. Để có nước tưới đợt 3 cho 500 cây cà phê của gia đình, tôi phải nạo vét mương dẫn nước từ giữa lòng hồ về máy bơm. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài thì nguy cơ thiếu nước tưới cho vườn cà phê ở khu vực này rất cao”-ông Liêu lo lắng.

Ông Nguyễn Thanh Liêu phải đào, vét rãnh để dẫn nước về máy bơm tưới cho vườn cà phê đang giai đoạn nuôi quả. Ảnh: N.D
Hiện nay, mực nước suối Ia Brêng (xã Bar Măih, huyện Chư Sê) đã gần như khô cạn sau 2 đợt tưới cà phê. Những ngày này, người dân đang tận dụng những vũng nước còn sót lại trên con suối này để tưới đợt 3 cho diện tích cà phê của mình. Trong khi đó, mạch nước ngầm giảm sâu cũng khiến các giếng nước trên địa bàn khô cạn, phải chờ chực cả đêm mới tưới được 15-20 cây cà phê.
Anh Huin (làng Phăm Ó, xã Bar Măih) rầu rĩ nói: “Nắng hạn kéo dài, mực nước suối Ia Brêng cạn rất nhanh do nhiều hộ dân ở thượng nguồn bơm tưới. Mình phải chuyển sang sử dụng giếng nhà để tưới nhưng nước cũng rất ít, chờ nước ngầm cả đêm nhưng cũng chỉ tưới được 20 cây cà phê. Với 1.000 cây cà phê thì mình phải tưới giáp vòng. 3 sào lúa nước đang giai đoạn làm đòng cũng vì không đủ nước tưới nên mất trắng”.
Theo anh Nhet-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phăm Ó: Hầu hết các suối, ao, hồ, đập thủy lợi, giếng trên địa bàn đều cạn kiệt nguồn nước. Hàng trăm ha cây trồng của người dân trong làng đang đối mặt với hạn hán, nhất là cây cà phê. Diện tích cà phê đang trong giai đoạn nuôi quả nên rất cần nước, nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài thì nguy cơ mất mùa là hiện hữu. Cũng theo anh Nhet, đất đai ở đây rất màu mỡ, phù hợp với cây cà phê nhưng nguồn nước thì luôn khan hiếm mỗi khi bước vào mùa khô.

Theo anh Nhet-Bí thư Chi bộ kiêm Thôn trưởng thôn Phăm Ó, nhiều diện tích lúa của dân làng cũng khô héo do thiếu nước. Ảnh: Q.T
Toàn tỉnh hiện có 352 công trình thủy lợi (119 hồ chứa, 193 đập dâng và 40 trạm bơm điện) với năng lực thiết kế tưới cho 67.454 ha cây trồng các loại. Trong đó, lúa nước 36.801 ha, rau màu và cây công nghiệp 30.653 ha. Đến thời điểm này, có 48,5 ha lúa nước tại cánh đồng Kông Kọ thuộc kênh mương Đak Kut (xã Adơk, huyện Đak Đoa) thiếu nước tưới cục bộ.
Ông Nguyễn Văn Thương-Chủ tịch UBND xã Bar Măih-thông tin: Qua kiểm tra, toàn xã có 80/132 ha lúa đang thiếu nước tưới, khả năng giảm năng suất 30-50%.
Mực nước các đập dâng Phăm Kleo, Ia Ó, Ia Kơl đều giảm sâu, nhất là đập dâng Phăm Kleo hầu như đã khô cạn do sự tranh chấp nguồn nước ở thượng nguồn. Trong khi đó, mạch nước ngầm cũng giảm rất nhanh.
Nếu như những năm trước, các giếng nước trên địa bàn bơm tưới được 3-4 tiếng đồng hồ thì nay chỉ tưới được 1 giờ đã khô cạn. Trong 347 ha cà phê thì chỉ có khoảng 30% diện tích chủ động được nguồn nước, còn lại nguy cơ thiếu nước rất cao nếu không có mưa trong những ngày tới.
“Chúng tôi đang hướng dẫn người dân tập trung nạo vét hồ đập, suối cũng như hệ thống giếng đào để tưới cho diện tích cà phê đang trong giai đoạn nuôi quả nhằm giảm thiệt hại. Đồng thời, đề nghị các cấp quan tâm đầu tư xây dựng hồ chứa nước thủy lợi khu vực suối Ia Pết để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, bởi vào mùa mưa, nước từ suối này rất lớn”-Chủ tịch UBND xã Bar Măih thông tin.
Tập trung chống hạn
Ông Nguyễn Hữu Tỵ-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: Hiện nay, mực nước ở hầu hết các suối và mạch nước ngầm đã giảm sâu, nguy cơ xảy ra hạn rất lớn. Nguyên nhân chính do tranh chấp nguồn nước tưới giữa các loại cây trồng, nhất là việc người dân chuyển sang trồng khoai lang khiến nguồn nước thiếu hụt.
Ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân tăng cường sử dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, tiết kiệm, huyện tập trung chỉ đạo các địa phương chuyển đổi những diện tích thường xuyên bị hạn sang trồng các loại cây ít sử dụng nguồn nước. Đồng thời, đề nghị các địa phương, đơn vị tăng cường nạo vét kênh mương thủy lợi, cảo giếng để tận dụng nguồn nước tưới, đặc biệt là ưu tiên nguồn nước tưới cho cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như: cà phê, cây ăn quả...
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, từ nửa cuối tháng 2 đến tháng 3, mực nước tại các sông, suối phía Tây tỉnh có xu hướng giảm mạnh. Đặc biệt, trong 3 tháng tới, các sông, suối trên địa bàn tỉnh có khả năng xảy ra thiếu hụt nguồn nước, nhất là giai đoạn nửa cuối tháng 3 có khả năng xảy ra hạn hán trên diện rộng.

Suối Ia Brêng gần như khô cạn, không đủ cung cấp nước tưới cho hàng trăm ha cây trồng trên địa bàn làng Phăm Ó. Ảnh: N.D
Ông Nguyễn Văn Lương-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai-cho biết: Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên và kinh nghiệm qua các năm khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn, có thể xảy ra hạn hoặc thiếu nước tưới đầu tháng 3 đến cuối vụ Đông Xuân 2024-2025.
Trước thực tế này, Công ty đang tập trung huy động nhân lực tổ chức kiểm tra, nạo vét, phát dọn kênh mương, khơi thông dòng chảy điều tiết nước đảm bảo nhu cầu sinh trưởng của cây trồng theo hợp đồng đã ký. Chủ động xây dựng kế hoạch dùng nước và tổ chức tưới luân phiên trên hệ thống công trình.
Thường xuyên kiểm tra việc chấp hành lấy nước tưới của các tổ chức, cá nhân quản lý nguồn nước tưới không để thất thoát, lãng phí. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị tổ chức giao nhận nước tại cống; phát hiện ngăn chặn các hành vi không chấp hành lấy nước theo lịch dẫn đến tranh chấp nước tưới ảnh hưởng đến việc vận hành, điều tiết. Vận động người dân tưới nước tiết kiệm, tu bổ, nạo vét kênh mương nội đồng…
Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường-cho biết: Để đảm bảo nước tưới, hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra cho người dân, Sở đã chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai phối hợp với địa phương quản lý, điều phối nước phù hợp, tránh tình trạng tranh chấp nguồn nước giữa các loại cây trồng.
Trong đó, tập trung ưu tiên nước phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi và các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao, hạn chế trồng lúa nước. Đồng thời, ngay từ đầu vụ Đông Xuân 2024-2025, Sở đã có văn bản hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn chuyển đổi những diện tích thường xuyên bị hạn sang trồng các loại cây cần ít nước cũng như áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước…
Về lâu dài, Sở cũng đã rà soát, lập kế hoạch đầu tư các công trình thủy lợi giai đoạn 2026-2030, bởi hiện các công trình thủy lợi trên địa bàn chỉ mới đáp ứng được nước tưới cho khoảng 67 ngàn ha, chiếm hơn 12,5% tổng diện tích cây trồng toàn tỉnh.