Gốm Gia Thủy - nghề xưa giữ lửa giữa thời nay

Giữa nhịp sống hiện đại, làng gốm Gia Thủy (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) vẫn bền bỉ giữ lấy nghề gốm thủ công - nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Làng nghề gốm thủ công giữa lòng Ninh Bình

Gốm Gia Thủy là một trong những làng nghề thủ công tiêu biểu của tỉnh Ninh Bình, nằm tại xã Gia Thủy, huyện Nho Quan. Hơn 60 năm qua, những người thợ vẫn ngày ngày miệt mài nặn đất, nung lửa để tạo nên những sản phẩm gốm sành truyền thống, đồng thời khẳng định chỗ đứng riêng trên bản đồ làng nghề Việt Nam.

Ra đời từ năm 1959, khi một nhóm thợ gốm từ Thanh Hóa đưa nghề về vùng đất Gia Thủy, làng gốm nhanh chóng bén rễ nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi - đặc biệt là nguồn đất sét nâu vàng hiếm có. Đến nay, dù trải qua nhiều thăng trầm, làng nghề vẫn tồn tại và phát triển, trở thành biểu tượng văn hóa của địa phương, đồng thời là điểm đến hấp dẫn trong các hành trình khám phá Ninh Bình.

Làng gốm Gia Thủy - nơi gìn giữ hồn gốm truyền thống.

Làng gốm Gia Thủy - nơi gìn giữ hồn gốm truyền thống.

Gốm sành mộc mạc, làm hoàn toàn thủ công

Gốm Gia Thủy mang trong mình nét đặc trưng riêng biệt nhờ nguyên liệu đất sét nâu vàng - loại đất đặc hữu chỉ có ở vùng đất này. Được khai thác ngay tại địa phương, loại đất sét này có độ kết dính cao, mịn và đặc biệt chịu nhiệt tốt, rất phù hợp để làm gốm sành.

Quy trình làm gốm bắt đầu từ công đoạn xử lý đất đầy công phu. Đất sau khi lấy về sẽ được phơi khô, đập nhỏ, rồi ngâm trong bể để tạo độ mềm dẻo. Sau đó, đất được khuấy đều bằng máy, lọc qua sàng để loại bỏ tạp chất, gạn bớt nước, chỉ giữ lại phần đất đông đặc phía dưới.

Phần đất này tiếp tục được phơi khô đến khi đạt độ dẻo cần thiết rồi mới đưa vào xưởng để làm nhuyễn, tạo độ keo, độ mịn lý tưởng cho khâu tạo hình.

Từng nắm đất thô được nhào nặn qua đôi tay điêu luyện của những người thợ lành nghề để trở thành hình khối có đường nét uyển chuyển, sinh động. Công đoạn quan trọng nhất quyết định chất lượng sản phẩm chính là nung lò. Gốm Gia Thủy được nung ở nhiệt độ cao từ 1.200 đến 1.300 độ C trong vòng 3 đến 4 ngày liên tục.

Chính ngọn lửa ấy đã chuyển hóa đất thành sành, tạo ra độ bóng tự nhiên đặc trưng mà không cần đến lớp men phủ. Đây được xem là điểm độc đáo hiếm có mà làng gốm Gia Thủy tự hào gìn giữ.

Gốm Gia Thủy sở hữu độ bóng tự nhiên.

Gốm Gia Thủy sở hữu độ bóng tự nhiên.

Gốm Gia Thủy và hành trình thích nghi với thời đại

Giữa thời buổi nhiều làng nghề truyền thống dần bị lãng quên, gốm Gia Thủy vẫn vững vàng tồn tại, thậm chí phát triển nhờ vào khả năng thích nghi linh hoạt. Người dân nơi đây không chỉ giữ nghề bằng tình yêu và tâm huyết, mà còn chủ động thành lập hợp tác xã, đăng ký nhãn hiệu tập thể để bảo vệ thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm.

Gốm Gia Thủy ngày nay đã đa dạng hóa mẫu mã, hướng đến các dòng sản phẩm mỹ nghệ, trang trí, quà tặng mang tính thẩm mỹ cao. Một số cơ sở sản xuất còn mở rộng sang mô hình du lịch trải nghiệm, vừa quảng bá làng nghề, vừa tăng nguồn thu nhập, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Không dừng lại ở đó, các nghệ nhân còn tích cực truyền nghề cho thế hệ trẻ, bảo đảm tính kế thừa và đổi mới. Nhờ vậy, làng gốm không chỉ sống sót, mà đang dần “sống khỏe” - minh chứng cho làng nghề truyền thống có thể phát triển bền vững nếu biết đổi mới trên nền tảng giá trị cốt lõi.

Hợp tác xã gốm Gia Thủy mang đến cơ hội nâng tầm giá trị sản phẩm gốm của làng nghề.

Hợp tác xã gốm Gia Thủy mang đến cơ hội nâng tầm giá trị sản phẩm gốm của làng nghề.

Thông điệp gửi gắm từ những mảnh gốm

Có thể nói, mỗi sản phẩm gốm Gia Thủy là một lát cắt văn hóa, nơi đất gặp lửa, con người gặp thiên nhiên, quá khứ gặp hiện tại. Những chiếc nồi đất, cái vại không chỉ để nấu ăn hay muối dưa, mà còn là “vật chứng” của một lối sống chậm, gắn bó với thiên nhiên và gìn giữ giá trị truyền thống.

Giữ nghề gốm Gia Thủy không đơn thuần là giữ một cái nghề, mà là giữ lấy một phần ký ức, giữ lại sợi dây kết nối giữa con người với đất mẹ. Trong mỗi sản phẩm, người ta thấy cả câu chuyện dài về văn hóa, nghề nghiệp và lòng tự hào dân tộc - điều không thể thay thế bởi bất kỳ dây chuyền công nghiệp nào.

Hà An

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/gom-gia-thuy-nghe-xua-giu-lua-giua-thoi-nay-ar938531.html
Zalo