Gốm cổ M'nông Rlăm: Di sản sống giữa đại ngàn
Buôn Dơng Băk (Yók Đuôn) xã Yang Tao, huyện Lắk, Đắk Lắk là nơi người M'nông Rlăm sinh sống tập trung. Họ đã phát triển nghề gốm cổ tạo ra sản phẩm được làm hoàn toàn thủ công, cung cấp nhiều đồ dùng cần thiết cho các dân tộc anh em khác trong vùng miền thông qua việc giao thương trao đổi hàng hóa trong đời sống hằng ngày.
Ngày nay tuy xã hội đã phát triển nhưng những hộ gia đình thế hệ sau làm nghề gốm cổ truyền thống này họ luôn gìn giữ nối nghiệp cha ông. Gia đình Yo Khoanh, ở buôn Dơng Bắk nay là Yók Đuôn, thuộc xã Yang Tao, huyện Lắk tỉnh Đắk Lắk gắn bó với nghề làm gốm cổ đã rất lâu.
Sinh ra và lớn lên nghề làm gốm của bà có hơn 70 năm, bà Yo Khoanh không biết nghề gốm ở quê hương mình có từ khi nào chỉ biết rằng từ thời cha ông bà hầu hết các gia đình xung quanh buôn làng đều gắn bó với nghề nhào nặn đất sét này.
Thời thơ ấu Yo Khoanh đã có một tình yêu đặc biệt dành cho nghề làm gốm mà đến nay có ai hỏi bà lại miệt mài giới thiệu và kể cho họ nghe một cách hăng say: “Ngày tôi còn nhỏ tôi theo ông bà đi khắp các vùng ở Tây Nguyên để trao đổi các vật dụng, thấy ông bà và người lớn trong nhà nặn đất sét làm ra cái nồi, chén, bát… tôi rất thích thú, ngày nào cũng quan sát".
"Dần dần tôi cùng chúng bạn trong buôn tò mò học theo, sau những ngày tháng vất vả học hỏi và được người lớn chỉ bảo đến năm 14, 15 tuổi tôi đã thành thạo các bước làm ra sản phẩm từ gốm. Đến nay gia đình tôi vẫn giữ nếp sống sinh hoạt hằng ngày bằng việc dùng đồ gốm khi đun nấu”, bà Yo Khoanh chia sẻ.
Để có sản phẩm làm ra từ gốm phần nguyên liệu đất sét được lấy về từ chân núi Chư Yang Sin cách buôn Yok Đuôn 6km bằng cách đi bộ trên những con đường mòn xuyên qua những cánh đồng đầy vất vả.
Quy trình sản xuất gốm cổ của đồng bào M’Nông hoàn toàn làm thủ công bằng tay, gồm nhiều công đoạn, nhưng để hoàn thành một sản phẩm có 5 khâu cơ bản: Làm đất, tạo hình sản phẩm, trang trí hoa văn, tráng men và nung đốt.
Nghề làm gốm ở nơi khác thì dùng bàn xoay để tạo hình nhưng ở đây họ hoàn toàn dùng bằng tay để nhào nặng và dùng chày giã nhuyễn, không pha trộn, thể hiện sự giản dị trong nếp nghĩ và đời sống sinh hoạt hàng ngày tạo ra những giá trị văn hóa tinh hoa trên từng sản phẩm.
Nếu những sản phẩm làm từ gốm trước đây chỉ đơn thuần là các vật dụng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày như: Siêu nấu nước, chén bát, nồi đất, dụng cụ đồ xôi, ché rượu, đồ ủ măng chua... với những họa tiết đơn giản thì trong quá trình lao động sáng tạo nhằm phục vụ thị hiếu của khách hàng, các bạn trẻ, Yo Khoanh còn nặn thêm các con thú như voi, rùa, hổ. ấm chén uống trà.
Thế hệ sau với Yo Khoanh, như Mây Kim cũng có chung niềm đam mê với nghề làm gốm. Mỗi lần có khách ghé thăm Mây Kim lại cùng những người phụ nữ trong buôn lại nhiệt tình giới thiệu sản phẩm mình làm ra với niềm hứng khởi. Mây Kim cho hay: “Tôi ở chung xóm với Yo Khoanh cũng bởi thế chúng tôi thường xuyên trao đổi và học hỏi kinh nghiệm làm gốm. Đồng thời cũng truyền dạy lại cho con cái và các cháu để ít ra nếu chúng không đam mê với việc làm gốm cũng biết là buôn mình từng có nghề truyền thống của cha ông để lại này”.
Các sản phẩm làm ra từ gốm tuy không nhiều như những sản phẩm gốm công nghiệp khác trên thị trường kéo theo đó giá cả cũng bấp bênh nhưng những người phụ nữ như Mây Kim, Yo Khoanh,.. chưa khi nào bỏ làm gốm cổ của cha ông để lại, vì nghề gốm không chỉ là tâm huyết, là nghề truyền thống mà cha ông để lại mà còn là hơi thở của người con buôn Yók Đuôn.
“Xưa kia từ thời ông bà đồ nấu bếp thổi cơm, nấu canh đều dùng toàn bằng gốm, chỉ mới đây xuất hiện đồ vật bằng nhôm hoặc thứ khác thì đồ gốm dần bị mai một đi, hiện nay hạn chế về mặt thời gian, nấu bằng đồ gốm phải mất công ngồi canh nên nhiều gia đình không còn mặn mà, nhưng riêng bản thân tôi thì luôn duy trì nếp sống này” bà Yo Khoanh trải lòng khi giữ lửa cho mình.
Lãnh đạo xã Yang Tao, huyện Lắk cho hay: Bà con ở buôn Yók Đuôn làm nghề gốm cổ không giàu nhưng cũng đủ nuôi sống họ. Hiện tại toàn xã Yang Tao còn khoảng gần chục hộ còn duy trì nghề làm gốm, do nhiều yếu tố nên việc làm gốm dần bị mai một theo thời gian.
Để nghề gốm truyền thống của đồng bào M’Nông tiếp tục được duy trì theo năm tháng, đồng thời giúp các nghệ nhân có một nguồn vốn ổn định cần lắm các cơ quan ban ngành, tổ chức vào cuộc để tiếp sức cho các thế hệ trẻ đến gần hơn với nghề truyền thống của cha ông. Bên cạnh đó góp phần xây dựng một làng nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm cho đồng bào nơi đây.
Trước đây, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với chính quyền địa phương mở một số lớp dạy nghề làm gốm cho thanh thiếu niên trong buôn; đồng thời giới thiệu một số sản phẩm gốm của đồng bào làm ra cho các đơn vị du lịch.
Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk cũng tổ chức cho các nghệ nhân M’nông làm đồ gốm theo mẫu có sẵn để làm hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch.
Dù đi qua nhiều thăng trầm lịch sử, chuyển biến của xã hội nhưng nghề làm gốm cổ truyền thống của đồng bào M’Nông vẫn giữ được những đặc trưng riêng và là niềm tự hào của đồng bào nơi đây.