Gốm Bát Tràng trong kỷ nguyên công nghệ cao
Trong bước tiến mạnh mẽ của thời kỳ công nghiệp hóa - với mũi nhọn chủ đạo là khoa học công nghệ - những làng nghề truyền thống cũng phải tham gia tiến trình vận động đó. Làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) vẫn là làng nghề thủ công mỹ nghệ, tuy nhiên, chữ 'thủ công' đang mang một nghĩa mới với 'thủ' là kỹ năng làm gốm cổ truyền, còn 'công' là công nghệ.
CÁCH MẠNG CỦA CÔNG NGHỆ LÕI
Một buổi chiều cuối năm 2024, tha thẩn dọc ngang làng gốm Bát Tràng cùng chị Nguyễn Thu Thủy - một gương mặt đại diện cho lớp người làm gốm mới tại làng gốm cổ ngót 500 năm tuổi này - mới thấy nơi đây chồng lấp biết bao bước sóng thời gian.
![Chị Nguyễn Thu Thủy đang sáng tạo họa tiết trên gốm](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_20_51431011/ae162b1e1150f80ea141.jpg)
Chị Nguyễn Thu Thủy đang sáng tạo họa tiết trên gốm
Rót trà mời khách, chị Thủy nương theo ánh nhìn của tôi lên bờ tường gạch cũ cao vút, in chi chít những đốm tròn đen xì - dấu vết phơi các bánh than cám trước khi đem đốt lò nung gốm ngày xưa, rồi nói: “Đó là dấu tích quá khứ. Bây giờ, không ai dùng than hay củi để nung gốm nữa”.
Ngày xưa, nhiên liệu dùng để thổi hồng lò gốm ở Bát Tràng là than cám vì rẻ. Thế nên, mỗi mẻ gốm nung đều kéo dài từ 3-5 ngày, đốt một lượng than rất lớn để có đủ nhiệt lượng. Nếu như làng gốm Phù Lãng (Bắc Ninh) từng gây báo động với “nạn cháy rừng” vì nung gốm bằng củi thì ở Bát Tràng, “mỏ than cũng đang cháy”.
Hệ quả là một lượng rất lớn khí thải phát tán ra môi trường, đi kèm lượng chất thải rắn, ước tính khoảng 2,5 tấn cho một mẻ nung gốm. Không khí, nguồn nước, đất đai đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng sống của người dân.
Bây giờ, lò đốt than đã được thay thế bằng lò đốt ga và điện. Ưu điểm của lò đốt ga và điện là hầu như không tạo ra tro bụi, khói, chất thải rắn, từ đó hạn chế nạn ô nhiễm môi trường. Quan trọng hơn, nhiệt lượng ổn định, lại dễ dàng kiểm soát nên cũng giúp gốm thành phẩm có chất lượng cao hơn, giảm lượng sản phẩm lỗi xuống còn 5% mỗi mẻ, so với tỉ lệ 40%-50% trước đây.
Hiệu suất, chất lượng sản phẩm, công lao động và lợi ích môi trường này hoàn toàn bù đắp được cho phép tính chi phi xây lò đốt ga, đốt điện cao gấp 8 lần so với lò đốt than. Rõ ràng, việc đưa công nghệ lò đốt ga, điện vào sản xuất đã đánh dấu một bước đột phá của làng gốm sứ Bát Tràng.
Hiện nay, gần 100% xưởng gốm trong làng đều dùng lò đốt ga, lò nung điện hay lò tuy-nel để nung gốm, hầm gốm. Nhiệt lượng đốt được tính toán, điều khiển và kiểm soát bằng công nghệ nên sản phẩm có chất lượng cao hơn rất nhiều.
![Linh vật năm Ất Tỵ trên gốm Bát Tràng](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_20_51431011/2146bd4e87006e5e3711.jpg)
Linh vật năm Ất Tỵ trên gốm Bát Tràng
TIÊN PHONG TRÊN NỀN TẢNG TRUYỀN THỐNG
Câu chuyện bên chén trà hạt cứ thế lan tỏa như hương thơm của trà. Dấu ấn của công nghệ đâu chỉ rõ rệt trong quy trình sản xuất gốm với các bước xử lý đất, pha chế đất, tạo hình dáng, rồi nung gốm mà còn ở thiết kế mẫu hoa văn, vẽ trang trí và phủ men.
Chị Thủy vốn xuất thân là một họa sĩ đồ họa, hiện là giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, nên rất hăng hái trong việc áp dụng công nghệ vào nghề gốm để tìm ra những hướng đi mới cho gốm Bát Tràng trên nền tảng truyền thống.
![Sản phẩm gốm Bát Tràng thời công nghệ số](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_20_51431011/eda97ca146efafb1f6fe.jpg)
Sản phẩm gốm Bát Tràng thời công nghệ số
“Tôi lại có thế mạnh về hội họa, về năng lực sáng tạo nghệ thuật thế nên đã đưa kỹ thuật hội họa Polygon vào gốm của mình”, chị Thủy nói và chỉ vào cặp lục bình mới ra lò của mình. Polygon (hay còn gọi là low-poly) là phương pháp tạo các lưới đa giác, có độ đổ bóng, đậm nhạt khác nhau, mang đến chiều sâu cho tác phẩm.
Trong gốm sứ, chúng hiển thị qua những ô màu được tạo ra từ các loại men khác nhau, chịu tác động nhiệt khác nhau mà thành. Thông thường, người ta không sử dụng quá nhiều loại men trên cùng một sản phẩm hay một bề mặt để tránh sự chảy men lẫn vào nhau trong quá trình vẽ men và nung. Song, chị Thủy đã nghiên cứu kỹ thuật vẽ polygon trên toan để rồi có thể vẽ được nhiều loại men trên gốm.
Chiếc lục bình của chị Thủy có đường kính 40cm, cao 140cm gồm hơn 700 ô màu, trong đó có đủ các loại men như men chảy, men thủy tinh… Để vẽ men cho cho sản phẩm, chị đã mất 6 ngày lao động liên tục, tuy nhiên, trước khi động thủ, chị đã phải thiết kế phối màu trên máy tính để có được hình dung cụ thể.
Điểm nổi trội đầu tiên đập vào mắt người xem là sự biến ảo màu sắc của gốm Polygon. Tuy nhiên, vẽ men theo cách Polygon trên gốm khó hơn nhiều so với trên toan. Ở trên toan, nghệ sĩ có thể nhìn thấy màu sắc, còn trên gốm, họ phải tính được màu sắc nhờ thiết kế trên máy tính.
Chị Thủy nói rằng mình không cần phải mở phòng trưng bày vừa tốn kém, vừa mất công quản lý. Tất cả chỉ cần là một website, một trang mạng xã hội để đăng hình ảnh và video của sản phẩm và những đầu mối tiếp xúc như Satchiaart, Singulart hay Etsy… là có thể bán sản phẩm tới bất cứ nơi đâu trên thế giới.
Sự mới mẻ của sản phẩm gốm Bát Tràng không chỉ xuất hiện ở những thử nghiệm tiên phong mà còn đi theo hướng công nghiệp văn hóa bằng cách tạo ra những sản phẩm đóng gói được sản xuất hàng loạt. Đó chính là loại hình tranh gốm mosaic, được lấy cảm hứng từ tranh kính nhà thờ châu Âu, nghệ thuật ghép gốm của cung đình Huế và đồ chơi xếp hình Lego.
Một bộ sản phẩm tranh gốm mosaic sẽ gồm các mảnh gốm mà khi ghép lại sẽ tạo nên một bức tranh có thể theo chủ đề truyền thống như Kim kê độc lập, Lý ngư vọng nguyệt hay phong cảnh hữu tình hoặc “cosplay” một họa phẩm nổi tiếng của phương Tây, hoặc theo nội dung hình ảnh mà khách hàng yêu cầu thiết kế riêng.
Không dừng ở đây, ứng dụng tranh gốm mosaic còn được dùng để sản xuất các loại gạch gốm mỹ thuật mosaic hoặc dạng mosaic để trang trí cho các không gian kiến trúc và xây dựng, hoặc dùng cho việc “decor” nội thất và ngoại thất của các công trình có công năng khác nhau.
Cũng như cách biểu hiện Polygon trên gốm của chị Thủy, tranh gốm mosaic hay gạch gốm mosaic đều đã hình thành nhờ việc dùng các lò đốt điện, ga với nguồn nhiệt ổn định ở mức 1.200 độ C hoặc cao hơn. Điều này vốn là bất khả thi so với kiểu lò, nguyên liệu đốt cũ.
CON ĐƯỜNG GỐM TRÊN SÓNG 5G
Cuối cùng, mục tiêu tối thượng của gốm Bát Tràng vẫn là đầu ra. 5 thế kỷ qua, gốm sứ Bát Tràng theo thương thuyền xuôi ngược sông Hồng hay xe thồ, xe tải, container mà đến với khách hàng. Hoặc như trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, làng gốm trở thành điểm du lịch để đưa du khách đến tham quan làng gốm, bảo tàng gốm, rồi ghé lò gốm để tự tay làm gốm, rồi mua gốm về.
Bây giờ, những phương thức ấy đã quá chậm cho yêu cầu của kỷ nguyên công nghiệp văn hóa. Và thế, con đường gốm sứ mới của Bát Tràng đã phải xây dựng trên một không gian khác là “online” nhờ sự phát triển của hạ tầng mạng Internet với sóng di động 4G, 5G.
Sản phẩm gốm giờ đây được “livestream” trên mạng, từ khâu thiết kế, sản xuất, hoàn thiện để khách theo dõi, chiêm ngưỡng, kết nối và thực hiện giao dịch. Đây là phương thức giới thiệu và bán hàng siêu việt vì đáp ứng được nhiều tiêu chí: giảm chi phí cửa hàng, kết nối được nhiều khách hàng hơn, tốc độ kết nối nhanh và tiện lợi, tùy biến thời gian theo ý muốn…
Tỉ trọng giao thương online ở làng gốm Bát Tràng đang gia tăng rất mạnh nhờ mạng di động 4G-5G của Việt Nam rất tốt, cũng như đang trở thành xu hướng được thúc đẩy bởi các ứng dụng thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada và thói quen mua bán mới của khách hàng.