Gọi tên hòa bình – Bài cuối: Thông điệp của hibakusha

Thảm họa của hai vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki cướp đi hơn 210.000 sinh mạng trong khoảnh khắc, để lại những vết thương không thể xóa nhòa qua nhiều thế hệ. Thế nhưng, từ trong đổ nát và đau thương, Hiroshima và Nagasaki đã vươn mình mạnh mẽ, không chỉ để hồi sinh mà còn trở thành biểu tượng toàn cầu của hòa bình, sự tha thứ và khát vọng xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân – vì một thế giới không còn chiến tranh nguyên tử.

Những chứng tích đổ nát của Vòm bom nguyên tử tại Hiroshima.

Những chứng tích đổ nát của Vòm bom nguyên tử tại Hiroshima.

Sau vụ ném bom năm 1945, thành phố Hiroshima đã kêu gọi chính phủ ban hành luật với mục tiêu xây dựng một thành phố tưởng niệm hòa bình, tượng trưng cho lý tưởng nhân loại về sự theo đuổi chân thành hòa bình đích thực và lâu dài. Kết quả là một luật đặc biệt đã được ban hành theo Điều 95 của Hiến pháp Nhật Bản: Luật xây dựng thành phố tưởng niệm hòa bình Hiroshima có hiệu lực vào ngày 6/8/1949 sau một cuộc trưng cầu ý dân tại địa phương. Luật này đã tạo nền tảng cho Hiroshima vươn lên từ đống tro tàn nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của những người đi trước, cũng như sự hỗ trợ hào phóng từ trong và ngoài nước.

Hòa bình mà thành phố Hiroshima hướng tới không chỉ đơn thuần là sự vắng bóng chiến tranh. Đó còn là một thành phố nơi công dân với mọi giá trị và lối sống đều có thể sống một cuộc sống lành mạnh và năng động, đồng thời tôn trọng sự đa dạng và giúp đỡ lẫn nhau dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau. Trong một thành phố hòa bình, nơi mọi người đều có thể cảm nhận được tầm quan trọng của hòa bình, một nền văn hóa phong phú và một cộng đồng người dân phát triển toàn diện.

Thành phố không ngừng kêu gọi thế hệ trẻ tiếp bước những hibakusha - người sống sót sau các vụ ném bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki - trong việc lan tỏa thông điệp “một thế giới không ai bị loại trừ”, nơi khác biệt giữa các cá nhân và nhóm được tôn trọng, và nơi chiến tranh, xung đột quân sự hay phân biệt đối xử xã hội không còn chỗ đứng.

Hiroshima đã xác định rõ sứ mệnh của mình không chỉ là tưởng niệm những nạn nhân và hỗ trợ những người hibakusha, mà còn chủ động thúc đẩy văn hóa hòa bình.

Đặc biệt, từ lời kêu gọi của Thị trưởng Hiroshima Takeshi Araki năm 1982 tại Liên hợp quốc, phong trào “Thị trưởng vì Hòa bình” ra đời, liên kết hơn 8.000 thành phố trên toàn thế giới cùng cam kết thúc đẩy xóa bỏ vũ khí hạt nhân. Đây là một nỗ lực mang tính liên thành phố, vượt qua ranh giới quốc gia, và là minh chứng cho thấy Hiroshima và Nagasaki không cô độc trong cuộc đấu tranh vì một thế giới hòa bình.

Ông Kazumi Matsui, hiện là thị trưởng Hiroshima, cho biết tính đến ngày 1/7/2025, tổng cộng có 8.497 thành phố trên 166 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia phong trào “Thị trưởng vì Hòa bình”. Ông bày tỏ mong muốn thay vì một quốc gia, các thành phố nên cùng nhau suy nghĩ về những vấn đề của chính thành phố mình để cùng tham gia những nỗ lực nền tảng bảo vệ cuộc sống hòa bình của người dân mà không cần vũ lực.

Tại Nagasaki, Thị trưởng Shiro Suzuki nhấn mạnh vai trò then chốt của thế hệ trẻ trong việc giữ lửa hòa bình. Thị trưởng Shiro Suzuki nêu rõ: “Trước hết, chúng ta phải hành động hướng tới việc xóa bỏ vũ khí hạt nhân. Một trong số đó là Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân, được thiết lập sau khi nhiều người trên thế giới nỗ lực thực hiện một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Tôi nghĩ điều quan trọng là hiệp ước này thực sự có hiệu lực và trở thành chuẩn mực quốc tế phổ quát. Vì mục đích đó, tôi mạnh mẽ kêu gọi Chính phủ Nhật Bản và các quốc gia khác trên thế giới ký và phê chuẩn Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân”.

Một dấu tích sót lại của nhà thờ Urakami bị đánh sập trong vụ ném bom ngày 9/8 được đặt trong Công viên hòa bình của Nagasaki ngày nay.

Một dấu tích sót lại của nhà thờ Urakami bị đánh sập trong vụ ném bom ngày 9/8 được đặt trong Công viên hòa bình của Nagasaki ngày nay.

Với khoảng 17.000 hibakusha còn sống, thành phố đẩy mạnh hoạt động giáo dục và truyền thông, tận dụng sức lan tỏa từ Giải Nobel Hòa bình của Nihon Hidankyo để truyền tải sự thật về thảm kịch vũ khí hạt nhân. Nagasaki không chỉ hướng tới sự kiện 100 năm vụ ném bom mà còn quyết tâm đảm bảo câu chuyện và thông điệp của các hibakusha sẽ được lưu giữ qua nhiều thế hệ.

Nihon Hidankyo, Liên đoàn các tổ chức của những người chịu ảnh hưởng từ bom nguyên tử và bom hydro, được thành lập năm 1956, đã trở thành tiếng nói tập thể của hibakusha trên khắp Nhật Bản. Từ những năm 1970–1980, Nihon Hidankyo đã đưa các hibakusha ra thế giới, chia sẻ lời chứng và gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự tàn phá của vũ khí hạt nhân.

Năm 2024, nỗ lực bền bỉ này được ghi nhận bằng Giải Nobel Hòa bình, một phần thưởng không chỉ dành cho tổ chức mà còn là lời khẳng định của cộng đồng quốc tế rằng: câu chuyện của hibakusha cần được lắng nghe. Ông Shigemitsu Tanaka, đồng chủ tịch tổ chức, chia sẻ rằng Nihon Hidankyo mong muốn tiếp tục khơi dậy ý thức cộng đồng và muốn thế giới nhìn nhận thẳng thắn về sự thật đau đớn ấy.

Đại học Nagasaki, trường đại học y duy nhất từng trải qua thảm họa vũ khí hạt nhân, đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Xóa bỏ vũ khí hạt nhân (RECNA) từ năm 2012. Với vai trò cầu nối giữa học thuật, chính sách và cộng đồng, RECNA không chỉ cung cấp nghiên cứu và phân tích khoa học mà còn tích cực tham gia giáo dục thế hệ trẻ và tư vấn chính sách.

Giáo sư Kazuko Hikawa, Phó Giám đốc RECNA, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe cả những quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trong quá trình soạn thảo các nghị quyết quốc tế. Bà cho rằng Nhật Bản, thông qua những nghị quyết thực tế và khả thi tại Liên hợp quốc, đang đóng vai trò tích cực trong nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu.

Từ chính quyền, người dân đến giới khoa học, Hiroshima và Nagasaki đã cùng nhau tạo nên một phong trào bền bỉ và cảm động để truyền bá thông điệp hòa bình. Họ không chỉ khẳng định rằng “vũ khí hạt nhân là vô nhân đạo”, mà còn kiên trì gửi đi thông điệp của hibakusha: “Không ai phải chịu đựng như chúng tôi đã từng”.

Trong bối cảnh thế giới ngày nay, khi căng thẳng hạt nhân vẫn âm ỉ, câu chuyện và nỗ lực của hai thành phố này không chỉ là hồi tưởng lịch sử, mà còn là lời nhắc nhở mạnh mẽ về tương lai mà nhân loại muốn cùng nhau kiến tạo: một thế giới không còn bóng đen của vũ khí hạt nhân.

Bài, ảnh: Nguyễn Tuyến (PV TTXVN tại Nhật Bản)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/goi-ten-hoa-binh-bai-cuoi-thong-diep-cua-hibakusha-20250718171229180.htm
Zalo