Khía cạnh quốc phòng bên trong hiệp ước Anh - Đức đầu tiên từ Thế chiến II
Anh và Đức ký hiệp ước song phương đầu tiên kể từ Thế chiến II, cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng trong bối cảnh châu Âu đối mặt với nhiều mối đe dọa gia tăng.
Hiệp ước Kensington, được Thủ tướng Anh Keir Starmer và Thủ tướng Đức Friedrich Merz ký ngày 17/7, bao gồm các điều khoản về “hỗ trợ lẫn nhau” trong trường hợp bị tấn công và “các chiến dịch xuất khẩu chung” nhằm thúc đẩy các đơn hàng quốc tế cho những thiết bị quân sự như máy bay chiến đấu mà hai nước cùng sản xuất.
Phát biểu sau lễ ký tại Bảo tàng Victoria và Albert ở London, BBC dẫn lời ông Merz cho biết quốc phòng là sợi dây xuyên suốt hiệp ước, cho thấy Đức và Anh đang “thực sự bước sang một chương mới” sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu năm 2020.

Thủ tướng Anh Keir Starmer (phải) và Thủ tướng Đức Friedrich Merz. Ảnh: Getty
“Chúng ta nhận thức rõ quy mô những thách thức mà châu Âu đang đối mặt hiện nay và chúng ta quyết tâm đối đầu trực diện với chúng", ông Starmer phát biểu tại cuộc họp báo.
Thỏa thuận này được khởi động từ cuộc gặp giữa ông Starmer và người tiền nhiệm của ông Merz – ông Olaf Scholz thuộc đảng Dân chủ Xã hội tại Berlin hồi tháng 8 năm ngoái khi Thủ tướng Anh gọi đây là “một phần của nỗ lực thiết lập lại quan hệ dựa trên tinh thần hợp tác mới".
Lãnh đạo đảng Bảo thủ, ông Merz, đã công khai bày tỏ tiếc nuối về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, đồng thời cam kết hợp tác chặt chẽ với ông Starmer để đối mặt với các thách thức như cuộc chiến thương mại dưới thời Tổng thống Trump và xung đột tại Ukraine.
Chuyến thăm London của ông Merz diễn ra chỉ một tuần sau chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo châu Âu tới Anh kể từ Brexit nhằm củng cố quan hệ ấm lên giữa Anh và Pháp. Theo đó, London và Paris cam kết phối hợp năng lực răn đe hạt nhân - một tín hiệu cho thấy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa ba cường quốc hàng đầu châu Âu trong bối cảnh vẫn còn nhiều nghi ngờ về cam kết hỗ trợ của Mỹ đối với lục địa này và trong lúc Nga đang tiếp tục chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ cam kết trong hiệp ước, rằng hai nước sẽ “hỗ trợ lẫn nhau, bao gồm cả bằng biện pháp quân sự, trong trường hợp một bên bị tấn công vũ trang”, sẽ có tác động thực tiễn như thế nào bởi cả Anh và Đức đều là thành viên NATO và đã bị ràng buộc bởi nguyên tắc phòng thủ tập thể của liên minh này.
Cam kết phòng thủ chung
Cam kết phòng thủ chung được cho là phản ứng của Anh và Đức trước các hành động từ Nga và những lo ngại ngày càng lớn trong nội bộ châu Âu về cam kết của Mỹ đối với NATO dưới thời Tổng thống Trump, một quan chức cấp cao Đức cho hay. Tuy nhiên, quan chức này cũng nhấn mạnh rằng hiệp ước không nhằm thay thế nguyên tắc phòng thủ tập thể trong Điều 5 của Hiến chương NATO.
Răn đe hạt nhân
Đối với Đức - quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân, yếu tố quốc phòng càng mang ý nghĩa quan trọng, bởi Anh, cùng với Pháp là hai cường quốc hạt nhân duy nhất của châu Âu. Đức được bảo vệ nhờ “chiếc ô hạt nhân” của Mỹ trên lục địa, dù vũ khí hạt nhân không được đề cập cụ thể trong hiệp ước.
Dự án tên lửa
Ông Starmer và ông Merz cam kết triển khai hệ thống tên lửa tầm xa mới mang tên Năng lực Tấn công Chính xác Tầm sâu trong thập kỷ tới. Hệ thống này sẽ có tầm bắn trên 2.000 km và giúp thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng Anh cũng như châu Âu thông qua “đầu tư công nghiệp quy mô lớn", tuyên bố từ Văn phòng Thủ tướng Anh cho hay.
Giảm thiểu tác động của Brexit
Hiệp ước cũng bao gồm các điều khoản liên quan đến thương mại, giao thông và di cư bất hợp pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của Brexit. Văn phòng ông Starmer cho biết Đức dự kiến sẽ thông qua luật cấm hỗ trợ di cư trái phép vào Anh với kế hoạch hoàn tất trước cuối năm nay.
Sau thỏa thuận gần đây giữa Anh và Mỹ, ông Merz và Starmer cũng sẽ thảo luận về các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra giữa Brussels và Washington. Ông Merz ủng hộ việc ký kết một thỏa thuận thương mại nhanh chóng giữa hai bên, lấy thỏa thuận gần đây giữa Anh và Mỹ làm hình mẫu.
Lối thoát tạm thời cho khó khăn trong nước
Sự kiện ngày 17/7 được xem là “lối thoát” tạm thời khỏi những khó khăn trong nước mà cả hai nhà lãnh đạo đang đối mặt.
Về phía ông Starmer, thời gian gần đây ông đã buộc phải đưa ra hàng loạt điều chỉnh chính sách gây tranh cãi, làm tổn hại đến danh tiếng trong quản lý tài chính công hiệu quả mà chính phủ của ông khó khăn gây dựng được.
“Chính trường quốc tế rõ ràng là nơi ông ấy cảm thấy thoải mái nhất hiện nay. Hiệp ước này vừa thể hiện cam kết của ông trong việc tái thiết quan hệ châu Âu hậu Brexit, vừa giúp ông tạm gác lại những rắc rối trong nước", bà Gemma Loomes, Giảng viên tại Đại học Keele nhận xét.
Trong khi đó, ông Merz đứng trước một liên minh cầm quyền ngày càng chia rẽ, khi liên minh bảo thủ CDU/CSU của ông và đảng Dân chủ Xã hội liên tục bất đồng về nhiều vấn đề, từ cải cách phúc lợi đến bổ nhiệm tư pháp. Điều này khiến nhiều người nhớ đến những bất ổn từng xảy ra dưới thời ông Scholz.
Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, bên cạnh hiệp ước, Anh và Đức còn công bố các khoản đầu tư thương mại trị giá hơn 200 triệu bảng Anh (tương đương 268 triệu USD), dự kiến tạo ra khoảng 600 việc làm mới.