'Gốc và vốn' của ngoại giao Việt Nam hiện đại
Mặc dù không thể phủ nhận tính 'hiện đại' trong ngoại giao ngay nay, ngoại giao truyền thống vẫn đóng vai trò quan trọng, là 'gốc' trong việc xây dựng và phát triển nền ngoại giao toàn diện, hiện đại.
Chiều 15/11, Học viện Ngoại giao đã tổ chức Hội thảo khoa học "Các xu thế mới của ngoại giao hiện đại và vấn đề đặt ra với Việt Nam" với sự tham dự của các Đại sứ, nhà ngoại giao kỳ cựu ở lĩnh vực ngoại giao song phương và đa phương dưới cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, đại diện các đơn vị trong Bộ Ngoại giao. Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, TS. Nguyễn Hùng Sơn chủ trì Hội thảo.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về các chủ đề quan trọng như các xu thế trong ngoại giao hiện đại; xu thế ngoại giao hiện đại và vấn đề đặt ra với Việt Nam; chiến lược xây dựng ngành – hướng tới nền ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại.
Trong bài tham luận mở đầu Hội thảo, TS. Nguyễn Hùng Sơn đã khái quát các xu thế phát triển của các nền ngoại giao cũng như cách thức các nước thực hiện nền ngoại giao của mình. TS. Nguyễn Hùng Sơn đã đưa ra những so sánh giữa ngoại giao truyền thống và ngoại giao hiện đại trên nhiều khía cạnh.
Ví dụ, ngoại giao truyền thống thường có chức năng xây dựng quan hệ, duy trì hòa bình và đàm phán các hiệp ước, tuy vậy, sứ mệnh của nền ngoại giao hiện đại có nhiều nhiệm vụ khác như xây dựng mạng lưới đối tác, đóng góp cho các vấn đề toàn cầu, hỗ trợ phát triển trong nước, quảng bá hình ảnh quốc gia, xử lý khủng hoảng…
Bên cạnh đó, các chủ thể ngoại giao cũng có nhiều nét mới, không chỉ dừng lại ở Chính phủ, Bộ Ngoại giao, tổ chức quốc tế... mà chủ thể làm ngoại giao có thể là cả tổ chức phi nhà nước, các bộ ngành, các đô thị lớn, địa phương, tập đoàn đa quốc gia, các cá nhân nổi tiếng, học giả uy tín… Hình thức, phong cách ngoại giao không nhất thiết phải trang trọng, nghi lễ, thủ tục luôn luôn chặt chẽ mà còn có cả phi chính thức, linh hoạt, bớt câu nệ.
Với các xu thế như vậy, theo TS. Nguyễn Hùng Sơn, Bộ Ngoại giao đã trở thành người đồng hành, thậm chí đi sau để giúp các bộ ngành khác hội nhập quốc tế. Do vậy, cũng đặt ra các vấn đề liên quan đến quản lý hoạt động đối ngoại, ngoại giao.
Trong tham luận đi sâu vào tính "hiện đại" của ngoại giao, GS. TS Vũ Dương Huân nhấn mạnh ngoại giao toàn diện hiện đại là kế thừa ngoại giao truyền thống và ứng dụng ngoại giao mới. GS. TS Vũ Dương Huân nhắc lại Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng ngành Ngoại giao- di sản quý của ngoại giao Việt Nam, trong đó có những kim chỉ nam như “thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”, thể hiện quan điểm của Người về mối tương quan chặt chẽ giữa hiệu quả của công tác ngoại giao với thế và lực của đất nước. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng ngành đã được vận dụng sáng tạo.
GS. TS Vũ Dương Huân chỉ ra những thay đổi quan trọng trong tình hình thế giới hiện nay cũng như những thay đổi trong hoạt động ngoại giao, bao gồm: áp dụng tiến bộ kỹ thuật; tổ chức bộ máy tinh gọn nhưng hiệu quả; kết cấu hạ tầng hiện đại nhất là công nghệ thông tin; hình thành các trung tâm quyền lực, bổ sung nhiều luật chơi mới…; ngoại giao kinh tế được coi trọng; ngoại giao đa phương trở nên sôi động; chính sách đối ngoại không đơn thuần là nối dài của chính sách đối nội mà quện chặt vào nhau; đối ngoại ngày càng được mở rộng, đối ngoại môi trường, văn hóa, biến đổi khí hậu…; hình thức ngoại giao ít khép kín hơn mà cởi mở hơn do tác động của khoa học, công nghệ; ngoại giao hiện đại gắn chặt với công nghệ số; cơ quan ngoại giao tinh giản, hướng đến chuyên nghiệp; đơn giản hóa thủ tục lễ tân, tăng các cuộc gặp không chính thức...
GS. TS Vũ Dương Huân cho rằng, tình hình thế giới diễn biến nhanh, khó lường, các nước đều khẳng định lợi ích quốc gia-dân tộc, vì vậy, dễ dẫn đến cọ xát với nhau và các mục tiêu phấn đấu của Việt Nam đến năm 2045 không phải là con đường dễ dàng khi các nước cạnh tranh.
Theo GS. TS Vũ Dương Huân, cần có kinh phí cho hiện đại hóa cơ sở vật chất của ngành ngoại giao cũng như các chính sách để nhận diện và khắc phục khó khăn đặt ra trong quy chế, quy định về phương thức vận hành; cơ sở vật chất ở cả trong nước và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Chia sẻ về chiến lược xây dựng ngành trong khuôn khổ Hội thảo, Ths. Chu Tuấn Việt, Vụ Tổ chức cán bộ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác cán bộ, xây dựng bộ máy, củng cố bản sắc của ngành ngoại giao trong bối cảnh mới.
ThS. Chu Tuấn Việt cho rằng nhiệm vụ xây dựng chiến lược ngành cần đi trước một bước để đảm bảo nền tảng xây dựng ngành ngoại giao toàn diện, hiện đại. Theo ông Chu Tuấn Việt, ngay sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, Bộ Ngoại giao đã bắt tay vào xây dựng đề án, chiến lược xây dựng ngành trên tinh thần triển khai khai bài bản, thành lập ban soạn thảo liên ngành, mời các chuyên gia, khảo sát các bộ, ngành địa phương…
Ông Chu Tuấn Việt đề cập các mục tiêu đến năm 2030, 2045 của Bộ Ngoại giao, trong đó chú trọng tới áp dụng số hóa, xử lý trên môi trường mạng, mạng lưới cơ quan đại diện, nguồn nhân lực hay công tác chuyên gia.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các nhà ngoại giao kỳ cựu đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ những cơ hội và thách thức của ngoại giao Việt Nam hiện nay, những định hướng để ngoại giao Việt Nam phát triển một cách toàn diện, hiện đại.
Theo Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh, chiến lược phát triểnngành Ngoại giao phải tính đến "vốn" của nền ngoại giao Việt Nam, một Việt Nam tin cậy, có vị thế và uy tín; cần có một khảo sát trong nước và quốc tế liên quan đến đánh giá về đối ngoại, ngoại giao Việt Nam, từ đó ngành Ngoại giao có thêm những thông tin tham khảo để hoạch định chiến lược.
Bên cạnh đó, Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng ngành Ngoại giao cũng cần tăng khả năng nắm bắt địa chính trị, địa văn hóa; chuyên môn hóa bộ phận nghiên cứu chiến lược; chủ động hơn nữa trong ngoại giao đa phương, người Việt có thể đảm nhiệm những vị trí lãnh đạo trong các thể chế đa phương; phát triển ngoại giao vừa rộng vừa chuyên sâu; phát huy quyền năng mềm của đất nước (hiện nay chưa được phát huy và khai thác đúng mức).
Về phần mình, Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh đến phương cách thực hiện của ngoại giao như tăng cường giao lưu, hợp tác. Đại sứ nhấn mạnh đến các xu hướng của ngoại giao thế giới ngày nay như ngoại giao càng "vì dân" hơn; xu hướng thực dụng ngày càng rõ; xu hướng minh bạch hóa chính sách để tạo lòng tin, công khai thông tin; tiếp cận đến mọi ngóc ngách của cuộc sống; cập nhật công nghệ...
Đồng quan điểm với các nhà ngoai giao ở nhiều khía cạnh, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao cho rằng ngoại giao hiện đại đang thay đổi, sáng tạo hơn, liên kết đa ngành, đa lĩnh vực, tốc độ giải quyết vấn đề nhanh hơn dưới tác động của ngoại giao số.
Do vậy, theo Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, thực tế này đòi hỏi cán bộ ngoại giao có thêm các nghiệp vụ khác để đảm bảo được nhiệm vụ, có mạng lưới kết nối sâu rộng. Ngoại giao số hiện nay tác động đến các mặt của đời sống và ai nắm được công nghệ sẽ có vai trò chi phối, vì vậy, ngoại giao cũng cần phải tham gia vào đàm phán để định hình chiều hướng phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI).
Mặc dù không thể phủ nhận tính "hiện đại" trong ngoại giao ngay nay, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường khẳng định ngoại giao truyền thống vẫn đóng vai trò quan trọng, là "gốc" trong việc xây dựng và phát triển nền ngoại giao toàn diện, hiện đại.