Góc nhìn nghị trường: Cần chủ động bảo đảm an ninh nguồn nước

Liên quan đến vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nguồn nước của Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng sụt giảm về trữ lượng do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ. Vì vậy, Việt Nam cần có giải pháp để chủ động nguồn nước, không để phụ thuộc.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho biết, Việt Nam có đến 63% nguồn nước đến từ ngoài lãnh thổ và phân bố không đều theo không gian và thời gian. Bên cạnh đó, tình trạng đắp đập làm thủy lợi, thủy điện, lấp ao, hồ, sông, suối để phát triển đô thị, khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ... dẫn tới hầu hết các con sông chính ở Việt Nam đều bị ô nhiễm ở những mức độ khác nhau. Những thực trạng trên là thách thức lớn đối với vấn đề an ninh nguồn nước của nước ta cả trước mắt và lâu dài.

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Thời gian qua, Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia các điều ước quốc tế để góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước như tham gia hoạt động của Ủy hội sông Mê Công và hợp tác Mê Công-Lan Thương (cơ chế có sự tham gia của 6 quốc gia ven dòng sông Mê Công-Lan Thương là Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc). Tuy nhiên, các cơ chế hợp tác nói trên theo tinh thần tự nguyện, tính chất pháp lý chưa chặt chẽ.

Trong Ủy hội sông Mê Công, hai nước quan trọng là Trung Quốc và Myanmar lại không tham gia. Các thành viên Ủy hội sông Mê Công cũng tham gia hợp tác Mê Công-Lan Thương, tham gia vào các định chế và thỏa thuận quốc tế như vấn đề giao thông thủy hoặc vấn đề quản lý các dòng sông; còn việc liên quan đến quản lý, chia sẻ, tổng hợp nguồn nước và tăng cường pháp lý, trách nhiệm của mỗi bên đang gặp nhiều khó khăn.

Do đó, Việt Nam cần có lộ trình để đàm phán hợp tác, tìm ra vấn đề các bên cùng quan tâm, như: Cơ sở dữ liệu, quan trắc, hoạt động chia sẻ, ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai, bảo đảm an ninh nguồn nước... Việt Nam cũng cần kiên trì, đưa ra sáng kiến, lộ trình từng bước để các nước tiến tới thỏa thuận chung với tính pháp lý cao hơn.

Mặt khác, để chủ động bảo đảm an ninh nguồn nước, các cơ quan chức năng và địa phương cần thực hiện phương châm "4 tại chỗ" gồm: Sinh thủy tại chỗ; giữ nước tại chỗ; bảo vệ tại chỗ; điều hành, vận hành, phân phối tại chỗ. Trong đó, sinh thủy tại chỗ là khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng bằng hệ thống cây bản địa, giữ và mở rộng, nâng cao chất lượng rừng đầu nguồn và hạn chế trồng rừng kinh tế đối với loại cây kém sinh thủy, hủy hoại và bào mòn đất đai. Bên cạnh đó, Việt Nam cần đầu tư nghiên cứu khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ lọc nước biển, nước lợ làm nước ngọt tại chỗ.

LA DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/goc-nhin-nghi-truong-can-chu-dong-bao-dam-an-ninh-nguon-nuoc-802080
Zalo