Góc nhìn kỹ thuật phiên giao dịch chứng khoán ngày 4/11: Củng cố lại vùng cân bằng quanh 1.257 điểm
Với việc áp lực bán vẫn đang là điểm trừ cản trở dòng tiền bứt phá, rủi ro rung lắc ở biên độ 5-10 điểm vẫn cần được tính đến và ngưỡng hỗ trợ gần nhất là 1.243 điểm, cũng là đường Senkou-span B của mây Ichimoku.
Báo Đầu tư Chứng khoán lược trích báo cáo phân tích kỹ thuật của một số công ty chứng khoán cho phiên giao dịch ngày 4/11.
CTCK Vietcombank - VCBS
Chỉ số VN-Index kết phiên cuối tuần trước với nến đỏ giảm điểm, gần như lấy đi hết nỗ lực phục hồi trong tuần vừa qua.
Ở khung đồ thị ngày, chỉ báo RSI tiếp tục hình thành đỉnh nhỏ và hướng xuống trong khi MACD chưa hình thành đáy đầu tiên cho thấy diễn biến hiện tại của thị trường là tích lũy với những nhịp tăng giảm đan xen.
Điều này thể hiện qua thanh khoản và giao dịch có phần trầm lắng trong tuần cùng sự thận trọng của nhà đầu tư khi dòng tiền thiếu sự dứt khoát, tạo ra hiện tượng lình xình trồi sụt.
Thị trường đang thiếu sự đồng thuận của dòng tiền và thanh khoản và với việc áp lực bán vẫn đang là điểm trừ cản trở dòng tiền bứt phá, rủi ro rung lắc ở biên độ 5-10 điểm vẫn cần được tính đến và ngưỡng hỗ trợ gần nhất là 1.243 điểm, cũng là đường Senkou-span B của mây Ichimoku.
Ở khung đồ thị giờ, chỉ báo MACD mới hình thành một đáy nên việc VN-Index rung lắc cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, cả hai chỉ báo RSI và MACD đều ở vùng thấp tạo ra những điểm giải ngân với mức giá chiết khấu và đây có thể là cơ hội đối với nhà đầu tư. Nếu lực cầu có tín hiệu tham gia mạnh mẽ hơn vào tuần sau thì thị trường sẽ hồi phục lại mốc 1.270 điểm.
CTCK Asean
Trong phiên cuối tuần trước chỉ số VN-Index hình thành mẫu nến giảm điểm thân khá dài, đóng cửa tại mức thấp nhất 4 phiên gần nhất, đồng thời che lấp khoảng gap giá trong tuần khi đóng cửa tại mức đóng cửa phiên ngày thứ Hai.
Dòng tiền tăng khá mạnh cho thấy sức ép bán trong phiên khá lớn. Mẫu nến giao cắt EMA6 và nằm dưới EMA20 khi hai đường này dốc xuống cho thấy xu hướng vẫn yếu và chưa thể thoát khỏi áp lực đà điều chỉnh trước đó. Chỉ báo RSI điều chỉnh trở lại với lực xu hướng yếu mặc dù lực cung cầu.
Tuy nhiên, xu hướng cung cầu đã dần cân bằng hơn với tín hiệu nhập cuộc chậm rãi của dòng tiền. Sau biến động cuối phiên hạn chót cơ cấu quỹ, chỉ số có xu hướng củng cố lại vùng cân bằng của tuần quanh 1.257 điểm và lấy lại cân bằng.
CTCK SHS
Xu hướng ngắn hạn, VN-Index tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh về vùng quanh 1.245-1.255 điểm, vùng giá cao nhất năm 2023, kháng cự gần nhất quanh 1.270 điểm.
Xu hướng trung hạn, VN-Index tăng trưởng trên vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm, hướng đến vùng 1.300 điểm. Trong đó, 1.300 điểm là vùng kháng cự rất mạnh tương vùng vùng giá cao nhất đầu từ đầu năm 2024 và đỉnh giá tháng 06-08/2022.
Thị trường chỉ vượt qua các vùng kháng cự này khi có các yếu tố hỗ trợ vĩ mô tốt, kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt trội. Đồng thời các yếu tố bất định như căng thẳng địa chính trị thế giới hạ nhiệt.