Góc nhìn kinh tế từ Nghị định 168
Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, với nhiều điểm mới đáng chú ý. Do mức phạt tăng nặng, đánh vào ví tiền của người dân nên không có gì là khó hiểu khi tại các ngã tư, điểm chờ đèn ở nhiều tuyến phố dần ngăn nắp, trật tự.
Nghị định 168/2024/NĐ-CP đã tăng mức phạt so với Nghị định 100 lên gấp nhiều lần. Ví dụ: lỗi phổ biến nhất của xe máy hiện nay là vượt đèn đỏ, mức phạt cũ là từ 800.000 đến 1 triệu đồng, trong khi mức phạt mới lên tới 4 đến 6 triệu đồng.
Trong những ngày qua, mỗi ngày Hà Nội thu về hơi 2 tỷ tiền phạt, trong khi TP. HCM thu về hơn 6 tỷ mỗi ngày. Nói về góc độ kinh tế của quy định, hành vi của mỗi người trong xã hội đều được quyết định bởi lợi ích kinh tế của chính họ.
Rất nhiều phân tích so sánh mức phạt này so với mức thu nhập bình quân của mỗi quốc gia. Trong kinh tế học, có một khái niệm gọi là ngang bằng sức mua, hay còn gọi là PPP. Người ta sẽ so sánh mọi thứ ở các quốc gia là đắt hay rẻ với người dân của họ theo lý thuyết PPP này. Cách người ta so sánh mức phạt trên một lỗi vi phạm phổ biến là vượt đèn đỏ với thu nhập bình quân, là một phương pháp tương tự như vậy. Và với cách so sánh này, thì mức phạt của Nghị định 168 cao vượt trội khi so với thu nhập bình quân của người dân Việt Nam.
Khi một mức phạt cao so với mức chịu đựng của người dân, thì đương nhiên phản ứng đầu tiên của họ là cẩn thận hết sức để không vi phạm. Ví dụ như, đèn xanh còn vài giây, thì họ cũng dừng cho chắc ăn. Một vài giây ở các khu đô thị đông đúc như TP. HCM hay Hà Nội là cả một vấn đề lớn. Ùn tắc không chỉ phát sinh từ việc người ta không dám đi lên vỉa hè, hay không dám rẽ phải khi có đèn đỏ, mà là từ sự thận trọng cực đoan của người dân.
Một điều đáng lo hơn tình trạng ùn tắc giao thông, đó là sự nghiêm khắc thực thi pháp luật về lâu dài. Phản ứng tiếp theo của người dân khi mức phạt cao quá mức thu nhập thông thường của họ, là họ sẽ né tránh mức phạt đó, bằng hành vi vi phạm pháp luật khác, miễn là số tiền chi ra ít hơn. Có thể là hối lộ cho cảnh sát giao thông.
Nếu một ngày người dân vi phạm luật giao thông, mức phạt là 20 triệu đồng đi, khi lái ô tô vượt đèn đỏ, thì họ sẽ làm gì? Rõ ràng đó là mức phạt quá cao so với thu nhập của nhiều người. Và nhiều người sẽ có xu hướng thương lượng, hối lộ cho cảnh sát giao thông với số tiền vài triệu, thậm chí là chục triệu, thì vẫn nhẹ gánh hơn rất nhiều.
Cảnh sát giao thông cũng rất giằng xé trong những vụ việc như vậy. Tiền bạc luôn có một ma lực hấp dẫn, mà khó có ai có thể chối từ. Nó giống như chúng ta đang đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên thuốc lá rất là cao. Bên cạnh việc hạn chế được người hút thuốc do giá thuốc bị đội lên, thì cũng có một hiệu ứng luôn đi kèm, là buôn lậu thuốc lá. Thuế cao khiến buôn lậu trở thành một ngành siêu lợi nhuận, vì hàng lậu cạnh tranh với hàng bị đánh thuế, là có lợi thế rõ rệt về giá.
Nhưng nếu như việc phòng chống buôn lậu đơn giản là một công tác, với các khoản chi ra, sòng phẳng về mặt kinh tế, thì việc hối lộ khi tham gia giao thông lại gây hậu quả lớn hơn rất nhiều. Điều đó sẽ dần khiến các điều luật trở nên kém hiệu quả, người dân mất niềm tin và bộ phận thực thi pháp luật trở nên thiếu chính trực. Đó mới là những hậu quả nghiêm trọng.