Góc nhìn hôm nay: Hà Nội có hạn chế được xe máy gây ô nhiễm?
Các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM vẫn đang tiếp tục đối diện những vấn đề nan giải như ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí và gần đây là tình trạng nắng nóng cùng với hiện tượng 'đảo nhiệt đô thị' gây thời tiết thất thường với nhiều cơn mưa lớn trong thời gian ngắn, làm ngập nhiều tuyến đường. Thực trạng này đang làm nóng lại câu chuyện hạn chế phương tiện cá nhân.
Chủ trương hạn chế xe cá nhân để giảm ùn tắc, ô nhiễm tại các đô thị đã được đặt ra cách đây hơn 20 năm, nhưng thực tế đến nay vẫn chưa có giải pháp hiệu quả nào được thực hiện, kết quả là xe cá nhân vẫn tiếp tục tăng.
Vấn đề này tiếp tục thu hút sự quan tâm của người dân và chuyên gia khi mới đây, UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp (LEZ) trên địa bàn nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024. Theo đó, dự kiến việc thí điểm mô hình vùng phát thải thấp, hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm (ô tô xăng, xe máy xăng) sẽ được thực hiện từ năm 2025.
Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ: BÁO ĐỘNG NGUỒN PHÁT THẢI TỪ XE MÁY
Những người sử dụng phương tiện tàu điện trên cao lại hoàn toàn ủng hộ chủ trương này, vì đây là một trong những nhiệm vụ cấp bách để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh ô nhiễm hiện nay. Thế nhưng, họ cũng lo ngại về việc các tuyến này chưa có nhiều, cũng như chưa có sự liên thông kết nối sẽ gây khó khăn nếu kế hoạch hạn chế xe xăng triển khai.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Hà nội cần đẩy nhanh quy định kiểm định khí thải và sớm có giải pháp thu hồi xe cũ nát, không đảm bảo an toàn giao thông.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 8 triệu phương tiện, trong đó có gần 1,5 triệu ô tô. Tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân của thành phố là 4,5%/năm, riêng ô tô khoảng 10% nhưng tốc độ tăng hạ tầng giao thông chỉ khoảng 0,28%. Những bất cập trên dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí ở Hà Nội ngày càng nghiêm trọng.
Những người chủ yếu kiếm sống bằng xe máy lo rằng việc cấm xe xăng sẽ khiến cuộc sống bấp bênh hơn, làm giảm thu nhập hàng ngày. Còn nếu nhìn nhận ở góc độ sâu hơn, bản chất câu chuyện vẫn là hạn chế cái tiện lợi của cá nhân để đổi lấy lợi ích chung, cả trước mắt và lâu dài cho cả cộng đồng.
Về nội dung này phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã phỏng vấn PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng. Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!
Được biết, trong kế hoạch chưa có lộ trình cụ thể nhưng dự kiến, việc thí điểm mô hình vùng phát thải thấp (LEZ), hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm sẽ được thực hiện dần từ đầu năm 2025. Trong khi đó, để đảm bảo thành công khi triển khai, bước đi đầu tiên cần làm là phải có một lộ trình đủ thuyết phục và các chính sách thay thế.
Theo tính toán, đến năm 2025, sẽ có khoảng 68 tuyến xe buýt truyền thống hết hạn thầu. Xe buýt điện đang ngày càng ăn khách bởi các tiêu chí xanh, sạch, văn minh. Song, việc thay thế xe buýt truyền thống bằng xe buýt điện cần có lộ trình phù hợp, bởi chi phí đầu tư xe buýt điện cao gấp 2-4 lần xe buýt truyền thống.
Theo các chuyên gia, mục tiêu của thành phố Hà Nội là chia ra 5 vùng phát thải khí thấp. Nếu cấm xe xăng và xe dầu, trong đó có ô tô và xe máy, vào những khu vực này thì cần quy định cụ thể.
Theo các chuyên gia, người dân cần có sự lựa chọn khi thành phố hạn chế và tiến tới cấm hẳn xe máy vào khu vực nội đô. Phương tiện công cộng phải được quan tâm đầu tư mạnh mẽ, thêm các tuyến xe buýt đi vào các phố nhỏ, các khu vực xa trung tâm; các dự án đường sắt trên cao cần sớm hoàn thiện.
DỪNG HOẶC HẠN CHẾ XE XĂNG THỰC HIỆN RA SAO?
Để giảm thiểu tác hại môi trường do các phương tiện giao thông gây ra, việc phân vùng hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm của Hà Nội là cần thiết. Tuy nhiên, việc Hà Nội tìm cách hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm, nếu không đi kèm với các điều kiện thực tế sẽ khó thành công.
Phóng viên chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN QUANG HUÂN, Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về nội dung này. Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!
Từ những phân tích của các chuyên gia và ý kiến của những người chịu tác động trực tiếp của kế hoạch này có thể thấy để “cứu” Hà Nội khỏi bụi mịn, không còn cách nào khác là phải kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm chính hiện nay, trong đó đáng kể nhất là nguồn phát thải từ hoạt động giao thông.
Nhưng việc cấm xe máy xăng vào các các quận trung tâm - vùng phát thải thấp cần phải được thực hiện rõ ràng, có lộ trình và tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu được lợi ích của việc cấm xe máy xăng. Đặc biệt, phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ ưu việt cho người đang sử dụng phương tiện xăng khi chuyển sang phương tiện năng lượng sạch. Khi người dân thấy có lợi ắt sẽ tự giác thực hiện và như vậy chính sách này mới đạt được hiệu quả.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!