Góc khuất đằng sau nhãn 'Made in Italy' danh tiếng
Dior, Giorgio Armani và Montblanc nằm trong số các thương hiệu xa xỉ bị phơi bày về điều kiện làm việc tồi tệ, bóc lột sức lao động tại hàng nghìn xưởng sản xuất ở Italy.
Ngày 11/9, một nhóm nhỏ công nhân nhập cư đứng trước cửa hàng flagship của Montblanc tại Geneva (Thụy Sĩ) và hô vang khẩu hiệu: "Sản xuất tại Italy: nỗi nhục của Italy" ("Made in Italy: shame in Italy"), Reuters đưa tin. Địa điểm chỉ cách Richemont, công ty mẹ trị giá 76 tỷ USD của thương hiệu xa xỉ này, khoảng 3 km.
Dưới sự hỗ trợ của nhiều quan chức công đoàn Italy và Thụy Sĩ, các công nhân, những người đến từ vùng sản xuất đồ da nổi tiếng Tuscany (Italy), cáo buộc Montblanc chấm dứt hợp đồng với chủ lao động của họ, nhà thầu sản xuất các sản phẩm da thuộc Z Production, vào năm ngoái.
"Montblanc đã chấm dứt hợp đồng chỉ vì chúng tôi yêu cầu được làm việc 8 tiếng/ngày, 5 ngày/tuần như những công nhân hợp pháp. Họ chỉ muốn chúng tôi làm như nô lệ", Zain Ali (23 tuổi, người Pakistan), người từng làm việc cho Z Production trong 2,5 năm ở vị trí gắn logo Montblanc bằng kim loại lên các sản phẩm bằng da, cho biết.
Bóc lột để cắt giảm chi phí
Nói với Reuters, công nhân và quan chức công đoàn cho biết Z Production, nhà thầu thuộc sở hữu của Trung Quốc, có trụ sở tại Tuscany, đã cải thiện điều kiện làm việc vào tháng 10/2022 sau nhiều năm duy trì tình trạng làm quá giờ và hợp đồng lao đọng không ổn định.
Z Production không lên tiếng bình luận về vấn đề này. Trong khi đó, Montblanc nói rằng họ quyết định chấm dứt hợp đồng vào đầu năm 2023 vì nhà thầu đã không đáp ứng được các tiêu chuẩn đã nêu trong bộ quy tắc ứng xử đối với nhà cung cấp của Richemont.
Theo các tài liệu của tòa án được Reuters xem xét, năm nay, các cuộc điều tra của công tố viên đã vạch trần điều kiện làm việc xuống cấp tại 16 xưởng sản xuất gần kinh đô thời trang Milan (Italy) của các thương hiệu xa xỉ Dior, Giorgio Armani và Alviero Martini,
Reuters đã trao đổi với 7 công nhân thuộc chuỗi cung ứng xa xỉ và 3 nhà lãnh đạo công đoàn, cũng như một số tổ chức phi lợi nhuận, quan chức địa phương và những người trong ngành. Họ đều cho hay điều kiện làm việc khắc nghiệt là một đặc điểm của chuỗi cung ứng xa xỉ ở Tuscany.
Z Production và một số xưởng khác tuyển dụng những người nhập cư không có giấy tờ, không có kinh nghiệm làm đồ da để sản xuất các sản phẩm xa xỉ cho Montblanc cũng như các thương hiệu cao cấp khác. Điều này cho thấy vấn đề về chuỗi cung ứng không chỉ giới hạn ở Milan.
Alessandro Lessi (53 tuổi), nhân viên giao hàng của Z Production cho đến năm 2022, cho biết là người Italy duy nhất trong xưởng lớn, ông có hợp đồng lao động thường xuyên, nhưng những người lao động nhập cư ở đó phải làm việc nhiều giờ.
Trong khi ông có thể ra về lúc 18h, đa số người khác ở lại muộn hơn. Phần lớn công nhân đến từ Trung Quốc, Pakistan hoặc Bangladesh vì công ty muốn cắt giảm chi phí.
Ông Lessi lưu ý rằng thông lệ này phổ biến ở Tuscany, nơi các thương hiệu lớn áp đặt giá sản xuất cho các nhà thầu.
Một tòa án ở Milan đã đưa các nhà sản xuất Alviero Martini Spa, Giorgio Armani Operations và Manufactures Dior của Italy vào diện quản lý tư pháp lần lượt tháng 1, tháng 4 và tháng 6 trong thời hạn 1 năm. Sau đó, các thẩm phán sẽ xem xét liệu các công ty đã giải quyết các thiếu sót và thực thi các biện pháp khắc phục vấn đề lao động trong tương lai hay không.
Phát biểu hồi tháng 7, LVMH, công ty mẹ của Dior, cho biết họ có kế hoạch tăng cường kiểm tra chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, Dior cũng sẽ kiểm soát hoạt động sản xuất của mình một cách trực tiếp hơn.
Hồi tháng 4, tập đoàn Armani cho biết họ "luôn có các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa để giảm thiểu tình trạng lạm dụng lao động trong chuỗi cung ứng".
Tháng 9, Alviero Martini nói rằng không biết về vấn đề ký hợp đồng phụ trái phép và tình trạng bóc lột công nhân.
Lạm dụng lao động có hệ thống
Nhu cầu tiêu dùng đối với các sản phẩm hiếm và độc quyền đã đưa LVMH trở thành một trong những công ty lớn nhất châu Âu. Với vốn hóa thị trường hơn 300 tỷ euro (330 tỷ USD), LVMH dẫn đầu trong việc thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng trong lĩnh vực xa xỉ.
Để quản lý nhu cầu sản xuất biến động, các thương hiệu xa xỉ dựa vào mạng lưới phức tạp gồm các nhà thầu và nhà thầu phụ. Hệ thống này cho phép họ nhanh chóng tăng hoặc giảm sản lượng, nhưng cũng tạo ra cơ hội cho tình trạng lạm dụng lao động không được kiểm soát.
Tại trung tâm dệt may Prato của Italy, hàng chục người lao động nhập cư không có giấy tờ, như Abbas và Arslan Muhammad (đều đến từ Pakistan), đã phải làm việc quần quật cho các nhà thầu phụ của các thương hiệu xa xỉ trong điều kiện khắc nghiệt.
Abbas (32 tuổi) đến Italy vào năm 2015 và làm tại một xưởng ở Incisa Valdarno, khu vực làm đồ da nổi tiếng gần Florence, dù thiếu giấy phép lao động.
Anh kiếm được từ 600-700 euro/tháng từ hợp đồng bán thời gian và từ 400-500 euro tiền mặt cho những giờ làm thêm. Anh cho biết từng phải đứng 14 tiếng/ngày để nhuộm da cho túi xách.
"Chân tôi đau đến nỗi không thể ngủ được. Tôi thậm chí không thể đi vệ sinh nữa, hoặc ngồi xuống một cách bình thường", anh chia sẻ nhưng từ chối tiết lộ tên đầy đủ hoặc cung cấp thông tin chi tiết về nhà thầu hiện tại vì sợ mất việc hoặc bị trả thù.
Sau đó, anh bị sa thải do vấn đề sức khỏe. Năm 2019, anh tìm việc làm khác cùng ngành ở Prato, nhưng điều kiện làm việc suốt 3 năm tiếp theo chẳng khác là bao. Năm 2022, anh mới được kí hợp đồng lao động dài hạn nhờ sự hỗ trợ của tổ chức công đoàn.
Trong khi đó, Arslan (27 tuổi), đến Italy năm 2017, làm việc hơn 12 tiếng/ngày, nhiều đến nỗi không có thời gian cho những công việc cơ bản như mua sắm hoặc giặt giũ. Ban đầu, anh làm việc mà không có hợp đồng lao động. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của công đoàn, anh được ký hợp đồng chính thức và làm việc dưới điều kiện tốt hơn.
Hệ thống nhà thầu phụ mà các thương hiệu xa xỉ sử dụng thường thiếu minh bạch và giám sát. Các tài liệu của tòa án tiết lộ rằng các việc sản xuất thường được giao cho các nhà thầu phụ hàng đầu nhưng đây chỉ là vỏ bọc. Công việc thực tế được chuyển xuống các xưởng nhỏ hơn, nơi chi phí được giữ ở mức thấp và hầu như người lao động không được bảo vệ.
Khi điều tra Dior và các thương hiệu khác, các công tố viên Milan đã phát hiện ra tình trạng lạm dụng lao động có hệ thống trong chuỗi cung ứng. Tại đó, công nhân được trả lương thấp nhằm giảm thiểu chi phí sản xuất.
Các cuộc khám xét xưởng gia công đã buộc một số nhà thầu phải chỉnh đốn lại hoạt động của mình nhưng vấn đề vẫn còn lan rộng.
Carlo Capasa, Chủ tịch Phòng Thương mại Thời trang Italy, cho hay việc kiểm ra tất cả nhà cung cấp trở nên bất khả thi vì số lượng quá lớn. Mỗi thương hiệu có thể có tới 7.000 nhà cũng cấp. Điều này cũng tạo điều kiện cho các hành vi lạm dụng lọt qua các kẽ hở.
Tiêu biểu, nhà thầu phụ Pelletteria Elisabetta Yang của Dior bị phát hiện lắp ráp túi xách với giá chỉ 53 euro mỗi chiếc. Trong khi đó, giá bán lẻ của chúng tăng vọt lên 2.600 euro/chiếc. Dior đã cắt đứt quan hệ với nhà thầu này kể từ đó. Nhưng các chuyên gia trong ngành cảnh báo rằng đây là dấu hiệu cảnh báo về tình trạng bóc lột lao động tiềm ẩn.
Antonio Franceschini từ CNA Federmoda, nhóm vận động hành lang Italy đại diện cho các nghệ nhân và doanh nghiệp thời trang nhỏ, nhấn mạnh rằng việc duy trì mức lương công bằng và lao động có đạo đức chắc chắn sẽ làm tăng chi phí sản xuất. Song, động thái này rất cần thiết để bảo vệ người lao động.