Gốc của dạy thêm học thêm
Rõ ràng, với việc dạy thêm học thêm như hiện nay, nó khiến nền giáo dục của chúng ta cứ như một vòng tròn luẩn quẩn.
Mấy hôm nay dư luận xã hội xôn xao về việc, ngày 14/2 này, thông tư số 29 của Bộ Giáo dục về dạy thêm học thêm bắt đầu có hiệu lực.
Tất nhiên, đa số đồng tình với việc không tổ chức dạy thêm học thêm như thông tư, nhưng không phải không có những băn khoăn.
Khá nhiều phụ huynh bây giờ coi chỗ con đi học thêm là chỗ... gửi con để mình đi làm. Một số nữa thì công nhận con mình hổng kiến thức,... khá nhiều lý do đưa ra, cả từ phía phụ huynh và một số giáo viên.
Bây giờ học sinh được cưng như trứng mỏng. Báo chí đưa tin một thôn của một xã tỉnh nọ sau tết phụ huynh không cho con đến trường, vì cái trường các cháu đang học bị xuống cấp, cơ quan chuyên môn về xây dựng yêu cầu phải dừng học để đảm bảo an toàn cho thầy và trò. Học sinh ở đây được chuyển lên trường chính cách đấy khoảng 2 cây số. Phụ huynh không chịu vì... xa quá, không có người đưa các cháu đi.
Thực ra ở nông thôn, chuyện đi học đầu làng tới cuối làng là bình thường, có mỗi con đường, rất ít xe cộ, các cháu cứ thế lũn cũn đi rồi về. Nên cái lý do cả 154 cháu không đến lớp, đình học tập thể vì xa nghe nó rất ít thuyết phục. Và rõ ràng là phụ huynh đã không quan tâm đến sự an toàn của con cháu mình khi mà cơ quan chuyên môn xác định cơ sở vật chất của trường đã xuống cấp trầm trọng, không thể sửa chữa mà phải xây dựng mới, và việc này thì không thể ngày một ngày hai...
![Ảnh minh họa.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_296_51435611/fffcd6b6edf804a65de9.jpg)
Ảnh minh họa.
Hôm qua tôi ngồi cà phê với một tiến sĩ toán, nói chuyện loanh quanh lại trở lại việc dạy và học. Anh này về hưu và được một trường tư thục mời đi dạy toán cho... cấp 1 và 2. Anh nói, những gì anh dạy là rất thiết thực, rất gần gũi với đời sống, có thể áp dụng vào đời sống, chứ không cao siêu, xa vời. Tôi sực nhớ hồi nhỏ học toán với rất nhiều thứ lằng nhằng mà giờ chả áp dụng vào đâu được.
Lại kể hồi học lớp 7, ba tôi mua cát làm nhà, họ chở đến đổ rồi gạt theo hình thang, ba tôi bảo tôi ra tính để trả tiền. Loay hoay một hồi không thể tính được dù lấy cây đo chiều ngang chiều dọc đáy trên đáy dưới..., vì nó hơn một khối, lấy sách toán ra cũng chịu. Cuối cùng ông ra tính... nhẩm, dân gian gọi là tính rợ, trúng phóc, y đáp số của ông bán. Cũng anh tiến sĩ toán ấy nói, bổ đề của Ngô Bảo Châu là rất vĩ đại, nhưng nó là của... người giời, chứ áp dụng vào Việt Nam, chịu.
Thế tóm lại là, cái gốc của học thêm và dạy thêm là gì?
Tôi trao đổi với một số chuyên gia thì họ cho rằng, chương trình của chúng ta khó quá với độ tuổi và trình độ lớp. Và xa rời thực tế.
Rồi bệnh thành tích. Phải bao nhiêu phần trăm khá giỏi, bao nhiêu lên lớp, bao nhiêu tốt nghiệp...
Rồi tâm lý phụ huynh lấy điểm làm thước đo, lấy các danh hiệu làm mục đích học tập.
Nên mới tràn lan học sinh khá giỏi sau các học kỳ hoặc năm học.
Có người đã tính toán rằng có nhiều cách để "lách" cái thông tư 29 này.
Một thời con em chúng ta, và cả thế hệ chúng tôi, hầu như không phải đi học thêm, nếu có là rất hãn hữu, và dạy thêm là... trong sáng. Học sinh yếu cô kèm thêm, có khi tới tận nhà kèm. Học sinh giỏi thì được nhà trường thành lập đội tuyển, cũng bồi dưỡng nâng cao và không thu học phí.
Nhưng rồi, sau này việc đi học thêm nó lại quan trọng hơn học chính. Thời gian nhiều hơn và chi phí cũng lớn hơn. Và cái nhếch nhác nhất của học thêm là thầy cô giáo xòe tay nhận tiền của học sinh.
Nhớ hồi 2 đứa con tôi đi học, bao giờ trả tiền học thêm tôi đều bỏ phong bì cho các cháu đưa tới cho các thầy cô. Nhưng không phải ai cũng làm thế. Nhiều cháu tới móc một nắm tiền lẻ trong túi nộp cô, cô lại loay hoay đếm. Chưa kể thi thoảng có cháu "lỡ tiêu" mất, xù tiền học, thế là mặt nặng mày nhẹ với nhau ngay trên lớp..., cái chuyện thu tiền học thêm này nhiều chuyện bi hài lắm.
Hệ lụy của học thêm dạy thêm thì rất nhiều. Tất nhiên không phải ai dạy thêm cũng đáng lên án. Nhiều thầy cô rất thương học trò, mở lớp là theo yêu cầu của phụ huynh và chính học sinh.
Nhưng rõ ràng, với việc dạy thêm học thêm như hiện nay nó khiến nền giáo dục của chúng ta cứ như một vòng tròn luẩn quẩn.
Nên cái gốc phải là, làm sao để không phải dạy thêm học thêm mà học sinh vẫn là... học sinh, vẫn tiếp thu kiến thức đúng lứa tuổi, và sau này áp dụng kiến thức ấy vào đời sống được, tùy công việc cụ thể, tùy sở trường sở đoản từng người.
Bên cạnh một kiến thức nền bình đẳng thì cũng cần phân loại để kiến thức hợp với ngành nghề sau này. Thì ngay trong đội ngũ giáo viên thôi, giáo viên văn khác giáo viên toán, giáo viên sử khác giáo viên sinh, giáo viên địa khác giáo viên hóa, giáo viên thể dục khác giáo viên công nghệ vân vân, làm sao tới một giai đoạn nào đó, phân loại được để không phải ngồi cùng nhau học những thứ mà sau này rất ít áp dụng vào nghề, vào công việc của mình.
Nên rõ ràng, bên cạnh việc thực hiện thông tư 29 của bộ Giáo dục thì cũng cần những bước chuyển phù hợp để học sinh không cần học thêm, phụ huynh không lo lắng con mình hổng kiến thức, và giáo viên không phải "lách" để vẫn dạy thêm.
Chứ cấm để rồi vẫn còn ấm ức từ cả hai phía thì nó vẫn còn cái gì đấy gợn gợn...